Dân chủ không thể xuất khẩu

Thứ Năm, 22/09/2005, 09:36

Dân chủ là cả một tiến trình, cần phải được đắp bồi và gây dựng từ từ theo từng giai đoạn, không thể vội vàng theo những công thức đã được định sẵn từ hải ngoại. Trăng đến rằm mới sáng! Không thể mang yếu tố số lượng (thường là ngụy tạo) để tạo dựng nên những luật chơi ngoại lai của phương Tây ở những khu vực có những truyền thống, thói quen và nền văn hóa khác với phương Tây.

Iraq tiếp tục bị nhấn chìm trong những vụ bạo lực đẫm máu. Afghanistan ngay cả trong những ngày bầu cử Quốc hội mới đây vẫn thường xuyên bị tàn quân Taliban quấy phá nặng nề. Những quốc gia trong không gian Xôviết cũ, bị cuốn theo những biến động chính trị nhiều màu sắc theo kiểu "Tây khuynh" cho tới hôm nay vẫn chưa thoát khỏi những rối loạn nội bộ, đến mức chẳng thể nào an cư được, nói chi tới chuyện phát triển... Thực tế lại thêm một lần cho thấy, những thể chế hình thành trong xu thế vọng ngoại, không biết cất tiếng theo giọng nói của chính mình, rất khó đi tới những triển vọng sáng sủa.

Đại đa số các nhà quan sát đều cho rằng, nguy cơ Iraq bị rơi vào một cuộc nội chiến dai dẳng đã trở thành nhỡn tiền. Những luật chơi mà Washington muốn áp đặt cho chính trường Iraq đang ngày càng tỏ ra kém hiệu quả vì những mâu thuẫn nội tại rất đặc thù của quốc gia này.

Tạp chí Trung Quốc Quan hệ quốc tế hiện đại trong số ra tháng 5/2005 đã phân tích rất chính xác rằng, vũ khí Mỹ có thể lật đổ một chính quyền nhưng không thể xây dựng được quan niệm, giá trị và văn hóa theo kiểu Mỹ trên mảnh đất Babilon cổ kính. Mô hình chính phủ phân quyền theo yếu tố sắc tộc, từng được áp dụng ở Lebanon và khiến nước này lâm vào cảnh nội chiến 15 năm có lẻ, đang được xây dựng ở Iraq có lẽ cũng khó có thể dẫn tới kết quả khả quan hơn.

Những va đập giữa lối tư duy truyền thống của các cộng đồng sắc tộc ở Iraq với thực tế "Tây hóa" đang tỏ ra cuồng nộ hơn, khiến cho mọi sự ở quốc gia này trở nên thêm rối lẫn. Những thủ lĩnh chống đối cực đoan nhờ thế mà tập hợp được nhiều hơn những lực lượng không đồng tâm, đồng tính, đồng tình với chính phủ ở Baghdad và liên tục lớn tiếng đe dọa gây nên những vụ bạo lực đáng kinh hãi hơn.

Một bức tranh tương tự cũng đang hiện hữu ở Afghanistan, mặc dù so với Iraq, tình hình ở quốc gia Trung Á này dường như không gay cấn bằng. Cuộc bầu cử Quốc hội ở Afghanistan được coi như thành công, nhưng không có dấu hiệu về sự hòa hoãn của Taliban với chính quyền Kabul do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Thậm chí còn có nguy cơ các thủ lĩnh Taliban sẽ lọt được vào các cơ cấu chính quyền địa phương và dần dà tranh thủ lòng dân bằng mọi cách.

Từ đầu năm tới nay đã có tới 1.000 người, trong đó có 7 ứng cử viên và 6 nhân viên bầu cử, thiệt mạng. Nói một cách thẳng thắn, trên mảnh đất Afghanistan rất khó gieo những hạt giống chính trị xa lạ với truyền thống Hồi giáo lâu đời. Hoa Kỳ có lẽ không phải nước đầu tiên và cuối cùng sẽ phải đối mặt với một kết cục u ám đó.

Ngay cả ở một quốc gia gần gụi với phương Tây về mặt địa lý như Ukraina, biến động chính trị màu da cam vừa qua cũng chỉ làm rõ thêm một sự thật: Chính trường nước này không hề trở nên đơn giản hơn khi những chính khách đối lập có cơ hội trở thành những nhà cầm quyền mới. Những lục đục diễn ra trong đội hình lãnh đạo mới được cơn sóng biểu tình đường phố đưa lên cho thấy, quanh đi quẩn lại vẫn là những tranh chấp lợi quyền đã làm suy yếu hiệu lực của bộ máy quản lý quốc gia. Những trợ giúp của phương Tây cho các lực lượng đối lập nhằm xác định thế cờ mới có lợi cho họ ở những nước như Ukraina rốt cuộc càng làm cho dân chúng sở tại phải lâm vào cảnh bất an hơn. Trong tình thế đó, "lạc nghiệp" và "nói yêu em" lúc nào mà chẳng là "điều khó khăn".

Phải rất khờ khạo thì mới có thể tin rằng, những phong trào xã hội gọi là đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, được sự trợ giúp của các trung tâm tiền bạc phương Tây, lại thực sự hoạt động ích nước lợi nhà, chứ không phải vì quyền lợi trước mắt và lâu dài của những kẻ cung cấp tài chính cho họ. Moskva đã đúng khi không hào hứng với những tổ chức xã hội Nga chấp nhận ngửa tay xin tiền của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ  Fox News ngày 18/8 cũng đã rất có lý khi cảnh báo: "Không thể xuất khẩu được dân chủ từ nước này sang nước khác. Cũng như không thể xuất khẩu các biến động cách mạng và hệ tư tưởng". Ngay cả các hệ thống triết học tiên tiến nhất cũng chỉ có thể mang lại hiệu quả ở từng nước khi được áp dụng một cách sáng tạo, phù hợp với tính đặc thù của địa điểm và thời cuộc.

Dân chủ là cả một tiến trình, cần phải được đắp bồi và gây dựng từ từ theo từng giai đoạn, không thể vội vàng theo những công thức đã được định sẵn từ hải ngoại. Trăng đến rằm mới sáng! Không thể mang yếu tố số lượng (thường là ngụy tạo) để tạo dựng nên những luật chơi ngoại lai của phương Tây ở những khu vực có những truyền thống, thói quen và nền văn hóa khác với phương Tây

Phan Phú
.
.