Iraq bắt đầu tấn công giành lại Fallujah trong tay IS:

Dân thường liều mạng vượt sông để khỏi trở thành “lá chắn sống”

Thứ Năm, 09/06/2016, 14:25
Hàng nghìn người dân Iraq đã cố liều mạng vượt qua con sông Euphrates trên những phương tiện thô sơ để tránh bị trở thành “lá chắn sống” cho những chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi quân đội Iraq bắt đầu tung ra những cuộc tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Fallujah, nơi bị IS chiếm giữ từ tháng 1-2014.

Ông Al Najaf, cư dân ở Fallujah cho biết, phương tiện vượt sông của ông chỉ là nửa chiếc thùng phuy loại 200 lít - trước dùng để đựng xăng. Trong con “thuyền” này, có mẹ, vợ và đứa con trai 5 tuổi của ông: “Tôi bơi dưới nước, cố đẩy nó sang bờ bên kia. Gần đến giữa dòng, may mắn là có một thanh niên bơi ra, đưa cho tôi sợi dây để những người đứng trên bờ kéo chúng tôi vào”.

Là thành phố lớn thứ ba ở Iraq, Fallujah nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 50km về phía tây. Đây là thành trì của lực lượng nổi dậy người Sunni đã chiến đấu chống lại lính Mỹ khi họ xâm chiếm Iraq, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein và cả Chính phủ Baghdad sau này. Đến tháng 1-2014, IS chiếm được Fallujah và đặt nó dưới sự cai trị hà khắc theo luật Fatwa.

Hàng trăm người dân thành phố Fallujah đứng bên bờ sông Euphrates để chờ cơ hội trốn thoát.

Ngày 23-5, khi quân đội Iraq bắt đầu chiến dịch phản công chiếm lại Fallujah với sự hỗ trợ của lực lượng dân quân người Shiite và các máy bay thuộc liên minh do Mỹ dẫn đầu, thành phố vẫn còn khoảng 50.000 thường dân bị mắc kẹt, trong đó có 20.000 trẻ em. Hầu hết đều thiếu thốn lương thực, nước sạch và hoàn toàn không có trợ giúp về y tế.

Theo ông Peter Hawkins, người đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Iraq thì IS sử dụng cả trẻ em để làm bia đỡ đạn cho họ. Ông nói: “Những đứa trẻ này phải đối mặt với những thương vong gây ra bởi bom đạn của cả hai phe, chưa kể chúng còn có nguy cơ bị IS buộc phải cầm súng”.

Một người dân khác - ông Al Jadriya cho biết IS đã tung ra một chiến dịch đàn áp tàn bạo khi một số chiến binh trong hàng ngũ của họ bỏ trốn: “Suốt 2 năm chiếm giữ Fallujah, IS đã đào rất nhiều hệ thống hầm hào phòng thủ. Hiện tại, một số hầm được sử dụng làm nơi cầm giữ thường dân, ngăn không cho quân đội Iraq tấn công. Tất cả những căn hầm này đều đã bị cài bom” - ông Jadriya nói.

Để sống sót, hàng nghìn người dân Fallujah tìm mọi cách thoát ra, trong đó vượt sông Euphrates là con đường ngắn nhất. Nhiều người đã bị giết khi IS phát hiện ý định của họ. Ông Abdullah Nasir kể với Tổ chức theo dõi nhân quyền Liên Hiệp Quốc. “Tôi bọc mẹ tôi vào trong một tấm chăn rồi vác bà lên vai, lợi dụng bóng tối tìm đường ra sông Euphrates. Đi được một đoạn, bị các tay súng IS gọi lại nhưng tôi lờ đi như không biết. Có lẽ họ nghi tôi bỏ trốn nên họ bắn theo. Lúc đến được bờ sông, tôi đặt mẹ tôi xuống thì mới hay bà đã trúng đạn chết”.

Bên kia sông Euphrates - cách đó chừng 60km là thành phố Halabjab do quân đội Iraq kiểm soát. Nhiều người dân ở thành phố này khi nghe tin dân Fallujah bỏ trốn, đã tụ tập ở bờ sông để tìm cách giúp đỡ họ. Chỉ trong vài tiếng, một sợi dây đã được chăng từ bên này sang bên kia để những người đào thoát có thể bám vào đó, bơi qua. Anh Hassani, cư dân thành phố Halabjab nói: “Vấn đề là họ có thể đến được bờ sông hay không”.

Phần lớn những người đào thoát là người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em vì việc đi lại của họ trên đường phố Fallujah ít bị những tay súng IS để ý. Họ vượt sông bằng mọi loại phương tiện: Từ những chiếc thùng gỗ đựng đạn pháo cho đến săm ôtô. Một chiếc thùng gỗ bề ngang chỉ 1,2m, dài 2m, cao 1m nhưng chở đến 8 người. Một chiếc săm xe tải có 6 người đeo bám. Vài người còn khỏe mạnh đã liều lĩnh bơi qua mà không có bất kỳ một vật dụng cứu hộ nào.

Ali Hashim, bỏ trốn cùng toàn bộ gia đình gồm 12 người cho biết, rất khó để trốn thoát vì các tay súng IS kiểm soát chặt chẽ tất cả mọi ngõ ngách trong thành phố. Trước đó, vợ ông cùng 6 phụ nữ khác đã bị IS bắt ngồi xếp hàng ngang trước những bao cát của một ụ súng máy phòng không 12,7mm, tất cả đều buộc phải đeo khăn bịt đầu màu trắng.

Ông Ali Hashim nói: “Có vẻ như họ (tức chỉ huy IS) biết máy bay không người lái của Mỹ theo dõi họ ngày đêm nên chẳng khó gì mà không quân liên minh không nhận ra những phụ nữ này đang bị IS dùng làm lá chắn”. May mắn sao, lợi dụng lúc đêm xuống, khi những tay súng IS lơ là trong việc canh gác vì quá mỏi mệt, 6 phụ nữ này bỏ trốn.

Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết kể từ khi quân đội Iraq mở cuộc tấn công tái chiếm Falluja, cho đến ngày 4-6, mới chỉ có 3.700 người dân thoát ra được từ thành phố này.

Ông William Spindler, phát ngôn viên UNHCR nói: “Chúng tôi đã nhận được các báo cáo về số dân thường thương vong tại Falluja. Quân đội Iraq đang giúp sơ tán các gia đình còn bị kẹt lại và đã thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ và cung cấp thông tin cho người dân muốn đào thoát khỏi tay IS”.

Một chiếc thùng gỗ nhỏ nhưng chở tới 6 người vượt sông Euphrates.

Theo Thủ tướng Iraq là ông Haider al-Abadi, trước việc IS dùng thường dân làm lá chắn, quân đội đã giảm bớt cường độ của cuộc tấn công sau khi chiếm được thị trấn Saqlawiya - là một khu vực ngoại vi gần Fallujah vì lo ngại cho sự an toàn của hàng chục nghìn người còn mắc kẹt trong thành phố.

Ông Abadi nói: “Các lực lượng an ninh Iraq và dân quân người Shiite đã đạt được tiến bộ đáng kể nhưng để giải phóng hoàn toàn thành phố Fallujah thì cần phải có thời gian”. Bộ trưởng Tài chính Iraq Hoshiyar Zebari nói thêm: “Vào lúc này, chúng ta không nên tuyên bố chiến thắng quá sớm khi mà vẫn còn hàng chục nghìn người dân chưa được tự do”.

Các nguồn tin tình báo cho biết tại Falluja hiện có từ 400 đến 600 tay súng IS, trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng - kể cả xe tăng. Một số thường dân trốn thoát cho biết nhiều tay súng IS đã mặc sẵn áo bom trong người. Nếu quân đội Iraq chiếm được thành phố, họ sẽ giả bộ đầu hàng rồi kích nổ.

Trong khi đó, lực lượng dân quân người Shiite lại rất nôn nóng tiến vào Fallujah. Một phát ngôn viên của lực lượng này cho biết họ đang chờ đợi Thủ tướng Abadi phát lệnh tái chiếm thành phố mà không cần phải chờ đợi sự yểm trợ bằng không quân của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, cuộc chiến giành lại Fallujah sẽ khó khăn hơn so với Tikrit và Ramadi vì Fallujah được IS coi như biểu tượng của “thủ đô Nhà nước Hồi giáo Iraq”. Hơn nữa, các tay súng IS ở Fallujah lại không thể rút lui đến những khu vực khác vì toàn bộ thành phố đã bị vây hãm bởi quân đội Iraq và dân quân người Shiite nên xem ra họ sẽ đánh đến cùng.

Vẫn theo các chuyên gia quân sự, mặc dù có giải phóng được Fallujah chăng nữa, Chính phủ Iraq còn phải đối mặt với vấn đề sắc tộc khi mà đa số cư dân ở Fallujah là người Hồi giáo dòng Sunni, từ lâu luôn cảm thấy thiệt thòi trước nhà cầm quyền do người Shiite lãnh đạo.

Tuy nhiên, Chính phủ Iraq hy vọng việc giành lại quyền kiểm soát Fallujah sẽ giúp cuộc chiến chống khủng bố trở nên dễ dàng hơn, tiến tới ổn định tình hình an ninh và sau đó là giải quyết những bất ổn chính trị dù rằng chiến dịch giành lại Fallujah được đánh giá là một trong những thách thức khó khăn nhất của cuộc chiến chống IS.

Cao Trí (theo Daily Telegraph)
.
.