Đằng sau lời đe dọa can thiệp quân sự của Mỹ vào Venezuela

Thứ Tư, 16/08/2017, 10:34
Quan hệ Mỹ và Venezuela đang diễn biến căng thẳng bởi lời phát biểu không loại trừ "lựa chọn quân sự" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay lập tức, Venezuela và hàng loạt nước Mỹ Latinh đã phản ứng quyết liệt với phát biểu của Tổng thống Mỹ. Bởi tất cả đều hiểu âm mưu nào đang ẩn chứa.

Mỹ Latinh nói không với “vũ lực” kiểu Mỹ

Ngày 11-8, phát biểu tại câu lạc bộ golf Bedminster ở New Jersey sau khi họp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Cố vấn an ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đang cân nhắc nhiều giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela, theo đó không loại trừ các biện pháp quân sự nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông Trump không cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu quân đội Mỹ có đứng đầu chiến dịch quân sự có thể xảy ra tại Venezuela hay không.

Ông Trump nói nguyên văn như sau: “Tôi không loại trừ một chiến dịch quân sự. Chúng ta có nhiều phương án đối với Venezuela, láng giềng của chúng ta. Các vị phải biết là chúng ta ở mọi nơi... Chúng ta có binh lính trên toàn thế giới và đôi khi ở rất xa. Venezuela thì không quá xa”. Được nhà báo hỏi là chiến dịch quân sự có sẽ do Mỹ tiến hành hay không, Tổng thống Trump đã không trả lời. Nhưng Lầu Năm Góc đã có phản ứng ngay.

Tổng thống Donal Trump phát biểu về vấn đề Venezuela với sự có mặt của Ngoại trưởng Rex Tillerson và Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley. Ảnh: Chicago Tribune.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo là ở thời điểm này, Lầu Năm Góc không nhận được bất cứ yêu cầu nào của Nhà Trắng về vấn đề Venezuela. Thượng nghị sĩ Ben Sasse - một thành viên của Ủy ban Quân lực Thượng viện - đã lên tiếng chỉ trích phát biểu trên của Tổng thống Donald Trump, đồng thời nhấn mạnh "Quốc hội tất nhiên không cho phép tiến hành chiến tranh ở Venezuela".

Lời đe dọa dùng vũ lực của Tổng thống Mỹ đã lập tức bị Venezuela phản ứng quyết liệt. Chính phủ Venezuela đã phản bác mạnh mẽ tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc cân nhắc giải pháp “lựa chọn quân sự” với nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino không ngần ngại gọi việc Mỹ dọa can thiệp quân sự vào quốc gia châu Mỹ Latinh này là một hành động điên rồ, và quân đội Venezuela sẽ quyết tâm bảo vệ đất nước.

Trong một tuyên bố khác, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreada khẳng định những tuyên bố thiếu thiện chí của Tổng thống Mỹ là sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền cũng như quyền tự quyết của Venezuela. Ông Arreada cũng kêu gọi khu vực Mỹ Latinh đoàn kết chống Washington, nhấn mạnh tuyên bố của ông Trump được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Maduro tái kêu gọi thiết lập quan hệ cấp cao bình đẳng và hợp tác với Mỹ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Từ Caracas, Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Ernesto Villegas coi đây là "lời đe dọa chưa từng có đối với chủ quyền quốc gia". Quốc hội lập hiến Venezuela - cơ quan quyền lực nhất nước này cũng chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, nhiều người dân Venezuela khẳng định tuyên bố của ông Trump là sự đe dọa tới chủ quyền của nước này.

Tuyên bố của Tổng thống Trump cùng hành động trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela cũng vấp phải phản ứng từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước Mỹ Latinh. Ngày 13-8, báo cáo viên đặc biệt của LHQ Idriss Jazairy cho rằng áp đặt các lệnh trừng phạt với Venezuela không phải là cách để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn biến phức tạp tại quốc gia này.

Theo ông, các lệnh trừng phạt "chỉ làm tồi tệ thêm tình hình người dân Venezuela, vốn đã phải chịu dựng tình trạng lạm phát và thiếu nguồn cung lương thực, y tế".

Colombia, Mexico - những nước lâu nay vẫn chỉ trích Tổng thống Venezuela Maduro cũng cho rằng phát biểu của Tổng thống Trump đã đi ngược các nguyên tắc của LHQ. Tổng thống Colombia Santos đã khẳng định lập trường của các nước khu vực, cho rằng không được phép tính tới can thiệp quân sự. Ông nhấn mạnh "mỗi quốc gia ở Mỹ Latinh đều không muốn can thiệp quân sự dưới bất kỳ hình thức nào".

Trên trang mạng cá nhân Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray cho rằng, cuộc khủng hoảng Venezuela không thể được giải quyết bằng các hành động quân sự, dù là từ bên trong hay bên ngoài. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cuba, Bolivia , Ecuador và Nicaragua cùng nhiều quốc gia Caribbean khác cũng ra các tuyên bố khẳng định sát cánh với Chính phủ Venezuela.

Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng bác bỏ việc sử dụng vũ lực chống Venezuela, dù trước đó đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của nước này.

Bộ Ngoại giao Nga cũng tố cáo mạnh mẽ các hành vi gây hấn cũng như kêu gọi nước ngoài can thiệp phá đổ cuộc Cách mạng Bolivar tại Venezuela. Moskva kêu gọi một số nước Mỹ Latinh và quốc tế từ bỏ kế hoạch phá hoại, có thể làm chia rẽ sâu sắc hơn nữa xã hội Venezuela.

Mỹ đang toan tính thêm dầu vào lửa?

Cảnh báo của Tổng thống Trump về việc không loại trừ "lựa chọn quân sự" đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela được đưa ra sau nhiều ngày căng thẳng gia tăng giữa hai nước và tuyên bố này phần nào gợi nhớ một giai đoạn ký ức đau buồn tại khu vực khi Mỹ quyết định can thiệp quân sự vào năm 1989 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Panama Manuel Noriega. Chính vì vậy, nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã chọn sẽ sát cánh với Venezuela để tránh một kịch bản có thể gây ra hỗn loạn cho khu vực.

Thậm chí, trước khi Chính quyền Tổng thống Maduro có phản ứng cụ thể về lời đe dọa của ông Trump, các chính quyền tại Mỹ Latinh đã cùng đưa ra một bản ghi nhớ chung về nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự, một hành động được xem là thể hiện sự lo ngại của khu vực. Hãng tin AP cho rằng phản ứng nhanh chóng của các quốc gia khu vực sau lời đe dọa tấn công của ông Trump cho thấy Mỹ Latinh không hề ủng hộ việc quân đội Mỹ can dự vào vấn đề nội bộ Venezuela.

Hãng tin AP nhận định Tổng thống Trump đưa ra những phát biểu nói trên vào thời điểm không hề hợp lý, ngay trước chuyến công du tới 4 nước Mỹ Latinh của Phó Tổng thống Mike Pence, chuyến đi với mục đích tìm kiếm cơ hội để Washington và các đối tác khu vực cùng hợp tác tại phía Nam bán cầu là Colombia, Argentina, Chile, và Panama.

Tổng thống Maduro phát biểu trước người dân Venezuela.Ảnh: Yahoo.

Bản thân ông Maduro từ lâu đã liên tục chỉ trích âm mưu xâm lược và thâu tóm nguồn tài nguyên dầu mỏ với trữ lượng lớn nhất thế giới tại Venezuela của Mỹ. Tuy nhiên, theo AP, những tuyên bố này thường xuyên bị nhiều người xem nhẹ bởi họ cho rằng đó là nỗ lực của chính quyền Maduro nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại và sai lầm trong việc giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng như tình trạng thiếu thốn lương thực và nhu yếu phẩm; tỷ lệ lạm phát phi mã...

AP dẫn lời Mark Feierstein, cố vấn an ninh quốc gia về khu vực Mỹ Latinh của cựu Tổng thống Barack Obama, nói: “Trong nhiều năm, ông Maduro đã liên tục nói rằng Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược, và tất cả mọi người đều không tin vào điều đó. Tuy nhiên, những lời nói ấy có vẻ đang dần trở nên hợp lý. Thật khó để tưởng tượng ra việc ông Trump lại có thể đưa ra một tuyên bố như vậy”.

Có thể thấy rõ, những phát biểu nhạy cảm khi tình hình thực tế tại Mỹ Latinh đang vô cùng phức tạp làm tổn hại nghiêm trọng không chỉ chính sách của Mỹ mà còn cả sự ổn định của khu vực.

Nhân tố Mỹ trong diễn biến ở Venezuela

Ý đồ can thiệp bộc lộ rõ nhất trong cách thức “viện trợ nhân đạo” mà dự luật này quy định: gói viện trợ này phải thông qua Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và các tổ chức phi chính phủ. Vậy mưu đồ thực sự của Mỹ là gì? Hãy cùng nhìn vào thực tế. Một kịch bản tương tự cũng từng xảy ra với nhiều nhà lãnh đạo không theo quan điểm của Mỹ bắt đầu được “đếm ngược”.

Một ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội lập hiến gây tranh cãi tại Venezuela, ngày 31-7, chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố lệnh trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nicolas Maduro, phong tỏa các tài khoản riêng của ông và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn đối với đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất cầm quyền của Venezuela (PSUV).

Ông Maduro bị đưa vào danh sách các nhà lãnh đạo thế giới bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt cá nhân, gồm cố Tổng thống của Iraq và Libya là Saddam Hussein và Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.

Trước khi Tổng thống Mỹ có những lời phát biểu nhằm vào Venezuela, ngày 9/8, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định mở rộng lệnh trừng phạt kinh tế chống Venezuela, theo đó có thêm 8 quan chức chính phủ quốc gia Nam Mỹ này bị phong tỏa tài sản tại Mỹ.

Quyết định mới này được đưa ra chỉ một tuần sau khi Bộ Tài chính Mỹ đưa Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vào “danh sách đen” những người bị Nhà Trắng trừng phạt, bao gồm cả việc cấm nhập cảnh vào Mỹ, cấm các công ty nước này làm ăn với những người có tên trong danh sách.

Các nhà phân tích nhận định, cho tới nay Quốc hội Mỹ đã mất khá nhiều thời gian và sức lực đối với vấn đề Venezuela. Chỉ tính từ đầu năm tới nay, cơ quan này đã thông qua một đạo luật (tháng 1) cấp 7 triệu USD cho các hoạt động “hỗ trợ nền dân chủ và nhân quyền của xã hội dân sự tại Venezuela”, một dự luật về người tị nạn Venezuela (tháng 4) và một dự luật khác về “Giúp đỡ nhân đạo và bảo vệ chính thể dân chủ tại Venezuela” (tháng 5), chưa kể một nghị quyết đề nghị Tổng thống Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt (tháng 4).

Trong số này, không nghi ngờ gì nữa, văn bản “toàn diện” nhất là dự luật S.1018 được nhóm 15 thượng nghị sĩ thuộc cả 2 đảng do Ben Cardin (đảng Dân chủ) và Marco Rubio (đảng Cộng hòa) đứng đầu, đệ trình hồi đầu tháng 5: dự luật này cho thấy ít nhất 2 vấn đề đáng chú ý và có tính gợi mở có thể đưa vào phân tích tình trạng hiện nay tại Venezuela xét từ góc độ lợi ích của Mỹ: thứ nhất là bản thân văn bản của dự luật - có thể hiểu như một dạng bản đồ dẫn đường dành cho chính phủ và giới doanh nghiệp tư nhân Mỹ trong vấn đề Venezuela, và thứ hai là vấn đề liên quan tới dầu khí và an ninh của Mỹ.

Cùng với thông cáo đưa ra hôm 31-7, giới chức Mỹ còn đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela. Những biện pháp đó bao gồm cả việc cấm công ty dầu mỏ Venezuela do nhà nước quản lý PDVSA giao dịch bằng đồng đôla Mỹ hoặc ngừng việc nhập dầu thô của Venezuela. Sự trừng phạt của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Venezuela lụn bại và đẩy PDVSA đến chỗ vỡ nợ.

Thêm vào đó, việc áp đặt những lệnh trừng phạt trên có thể sẽ khiến tầng lớp lao động tại Venezuela rơi vào cảnh bị bần cùng hóa. Mỹ coi những người dân Venezuela bị bần cùng như “con tốt đen” trong nỗ lực nhằm đảm bảo quyền khai thác nguồn dầu thô từ nước này với tư cách đại diện cho công ty dầu của Mỹ. Cuộc chiến đối với nguồn dầu mỏ của Venezuela và kiểm soát quốc gia này đã trở thành tâm điểm trong những nỗ lực của Mỹ trong việc “xoay trục sang Mỹ Latinh” và đối phó với ảnh hưởng của các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc tại khu vực này.

Trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, mọi dấu hiệu đều cho thấy sức ép từ Mỹ sẽ gia tăng. Chắc chắn một tương lai căng thẳng đang chờ đón cả khu vực. Trung tâm Quan sát chiến lược Mỹ Latinh (Obela) ngày 14-8 vừa đưa ra cảnh báo trên trang mạng của mình về một nguy cơ lớn, đó là vấn đề chính trị quốc gia sẽ được giải quyết bằng một cuộc can thiệp quân sự và điều này sau đó sẽ làm bùng nổ một vấn đề quốc tế tại Nam Mỹ. Venezuela đang ở trung tâm "bàn cờ". Mối nguy lớn nhất sẽ là việc Mỹ thay thế chính sách đối ngoại bằng sức mạnh quân sự.

Trong khi đó, Venezuela là một trong những quốc gia có tầm quan trọng địa chính trị lớn nhất tại tiểu lục địa Nam Mỹ, là đầu tàu trong Lòng chảo Caribe và sở hữu trữ lượng khổng lồ về dầu khí, nước sạch, đồng và một số kim loại hiếm. Nước này có trữ lượng dầu khí đã kiểm chứng lớn nhất thế giới và cũng là nhà xuất khẩu “vàng đen” lớn nhất tại Tây bán cầu. Lệnh cấm dầu Venezuela xuất cảng sẽ gây ra tổn thất lớn cho đất nước Nam Mỹ này.

Sự hỗn loạn ở Caracas có thể tác động xấu đến một trong những mặt hàng nhạy cảm nhất đối với người Mỹ, đó là xăng. Mỹ là nước nhập khẩu xăng dầu chính của Venezuela. Nếu Tổng thống Trump thực hiện lời đe dọa của ông về việc áp đặt trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela hoặc cấm các chuyến hàng chở dầu vào Mỹ, Venezuela sẽ bị tê liệt bởi đó là nguồn thu nhập duy nhất của nước này. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Nam Mỹ sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Hoa Huyền
.
.