Đi tìm một giải pháp cho Myanmar

Thứ Năm, 18/03/2021, 11:14
Cộng đồng quốc tế lần lượt có phản ứng trước tình hình ở Myanmar. Về phía Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres cực lực lên án việc quân đội Myanmar bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao và quan chức chính phủ cấp cao, đồng thời khẩn thiết kêu gọi họ cho phép đặc phái viên đến để trực tiếp đánh giá tình hình.


Hội đồng Bảo an đã ra tuyên bố về tình hình Myanmar, kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị bắt giữ. Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt, hạn chế các quan chức quân đội tiếp cận nguồn vốn của chính quyền NLD ở Mỹ và Anh. EU, New Zealand và Canada cũng lên tiếng và tuyên bố trừng phạt quân đội Myanmar.

Nỗ lực của ASEAN

So với sự lên án và trừng phạt của các nước phương Tây, nội khối ASEAN tập trung hơn vào thúc đẩy đàm phán hòa bình và nỗ lực tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Brunei đã ra tuyên bố với tư cách là chủ tịch luân phiên, hy vọng các giới ở Myanmar tiến hành đối thoại, hòa giải và khôi phục trạng thái bình thường theo mong muốn và lợi ích của người dân. Sau đó, các nước ASEAN cùng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã tích cực tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar, đề xuất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Bà Retno Marsudi vốn định đến thăm Myanmar nhưng phe quân đội đã từ chối với lý do trong nước bất ổn. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao mới được quân đội Myanmar bổ nhiệm đã đến Thái Lan để tổ chức hội nghị 3 bên với những người đồng cấp của nước chủ nhà và Indonesia. Hội nghị đã nhất trí cho rằng dưới tiền đề tuân thủ Hiến chương ASEAN và tôn trọng mong muốn của người dân Myanmar, ASEAN có thể đóng vai trò thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai hội đàm với người đồng cấp Indonesia, bà Retno Marsudi trong khuôn khổ cuộc gặp ngoại trưởng 3 bên Thái Lan, Indonesia và Myanmar.

Hồi đầu tháng, ASEAN đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao không chính thức bằng hình thức trực tuyến, cùng bàn bạc và ra tuyên bố của chủ tịch về tình hình Myanmar, có đoạn: Với tư cách là ngôi nhà chung của các nước thành viên, ASEAN luôn quan tâm đến sự ổn định chính trị của mỗi nước thành viên, điều này rất quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của Hiệp hội, kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar kiềm chế và linh hoạt ở mức độ lớn nhất để tránh xảy ra nhiều cuộc xung đột bạo lực hơn, tìm kiếm các giải pháp hòa bình thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác thực tế dựa trên lợi ích và hạnh phúc của người dân”

Rõ ràng ASEAN đang đóng vai trò rõ rệt trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình nhưng với những nguyên tắc như “hiệp thương thống nhất” và “không can thiệp vào công việc nội bộ” cũng khiến cho vấn đề cần một giải pháp cụ thể hơn. Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hiện nay ở Myanmar, các nhà quan sát cho rằng cần phải có thêm sức mạnh từ bên ngoài.

Cần thêm yếu tố tác động

“ASEAN+3”, bao gồm ASEAN và 3 nước lớn trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được cho có thể là một giải pháp hiệu quả. Cơ chế “ASEAN+3” hình thành từ năm 1997 là kênh chính thức để thúc đẩy hợp tác Đông Á, hình thành cục diện hợp tác toàn diện, diện rộng và đa tầng nấc và có ảnh hưởng ngày càng tăng. Ban đầu, cơ chế này được thiết lập để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, sau đó dần trở thành diễn đàn chính để ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối phó với các thách thức và thúc đẩy hợp tác khu vực. Và quan trọng hơn, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có lợi ích kinh tế quan trọng ở Myanmar.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ hai của Myanmar. Các dự án như đường ống dẫn khí từ Myanmar đến Trung Quốc tiếp tục mang lại lợi ích cho người dân hai nước. Với tư cách láng giềng của Myanmar, Trung Quốc bày tỏ quan điểm mong muốn tất cả các bên ở Myanmar sẽ xử lý ổn thỏa những bất đồng trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, duy trì ổn định chính trị và xã hội, sớm đưa tình hình trở lại đúng quỹ đạo.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư, nhà đầu tư lớn thứ tư và là nước viện trợ lớn nhất của Myanmar. Nhật bản chủ yếu đầu tư vào Đặc khu kinh tế Thilawa, Sở Giao dịch chứng khoán Yangon và cải tạo tuyến đường sắt nối liền Yangon và Mandalay. Sau cuộc khủng hoảng người Rohingya, mặc dù Mỹ và châu Âu đã lên án và gây sức ép với Myanmar nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì trao đổi cấp cao với nước này. Tháng 8-2020, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã đến thăm Myanmar, trở thành chính trị gia nước ngoài đầu tiên đến thăm nước này trong thời gian dịch bệnh.

Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 7 của Myanmar. Những năm gần đây, Hàn Quốc ra sức thúc đẩy chính sách “hướng Nam mới”, coi Myanmar là trụ cột quan trọng. Tháng 11-2019, Hàn Quốc lần lượt tổ chức các hội nghị cấp cao đặc biệt với các nước ASEAN và các nước Tiểu vùng sông Mekong. Tháng 12/2020, Khu công nghiệp tại Yangon chính thức được khởi công. Hàn Quốc được coi là một trong những nước có thể đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề Myanmar hiện nay, trong cơ chế ASEAN+3.

Trong bối cảnh nền kinh tế các nước đều bị tác động bởi đại dịch COVID-19, việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với tình hình tại Myanmar hiện nay, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những yếu tố được cho là sẽ có vai trò quan trọng và có năng lực để cùng với ASEAN xoay chuyển tình hình để cuối cùng tìm ra giải pháp ổn thỏa, bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.