Dịch hạch thể phổi ở Trung Quốc: Không thể gây tử vong hàng loạt

Thứ Năm, 13/08/2009, 15:40
Tính đến hết ngày 5/8 vừa qua, sau khi dịch hạch thể phổi bùng phát ở Trung Quốc đã có 3 người chết, 12 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi, chưa có thêm trường hợp nhiễm mới. Nhưng trước tình trạng này cư dân tại thị trấn Tử Khoa Thán (Ziketan), huyện Hưng Hải, châu tự trị dân tộc Tạng Hải Nam, tỉnh Thanh Hải rất hoang mang, dư luận Trung Quốc đang thực sự lo lắng.

Những thông tin "nóng"

Theo thông báo của Bộ Y tế Trung Quốc, dịch hạch thể phổi được phát hiện đầu tiên hôm 30/7. Bộ Y tế cho biết, vì tổng số dân của thị trấn Tử Khoa Thán chỉ có khoảng 10.000 người, hơn nữa lại sống trên một diện tích khá rộng (3.000 km2) nên khả năng phát tán bệnh dịch hạch thể phổi ra cộng đồng là không cao.

Ngoài việc huy động các chuyên gia giỏi (hơn 140 người), Bộ Y tế còn gửi nhiều trang thiết bị bảo vệ y tế hiện đại và máy chụp X-quang tới vùng bị nhiễm bệnh.

Tuy không có thêm trường hợp nhiễm dịch hạch thể phổi mới, nhưng chính quyền thị trấn Tử Khoa Thán vẫn quyết định tạm ngừng hoạt động tuyến xe buýt công cộng. Ngoài ra, lực lượng công an và các ban, ngành hữu quan đã thiết lập 17 trạm kiểm dịch cố định và 6 trạm lưu động hoạt động 24/24 giờ tại tất cả các tuyến giao thông ở thị trấn Tử Khoa Thán.

Được biết, chính quyền địa phương đã lập một hàng rào trong vòng bán kính 28 km bao quanh thị trấn Tử Khoa Thán với phương châm "nội bất xuất". Người dân sống trong thị trấn Tử Khoa Thán được khuyến cáo tẩy uế nhà ở, cửa hàng và những nơi công cộng khác. Ngày 4/8, chính quyền địa phương đã tiến hành khử trùng, diệt chuột và rệp tại thị trấn Tử Khoa Thán. Hiện rất ít người dám xuống phố bởi ai cũng sợ hãi.

Phòng bệnh trên hết

WHO khẳng định, mặc dù bệnh dịch hạch thể phổi có thể giết chết từ 90% đến 100% số nạn nhân nếu họ không được phát hiện và cứu chữa kịp thời, nhưng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị bằng các loại kháng sinh đặc chủng như streptomycin và tetracycline sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân xuống dưới 15%.

WHO cũng cho rằng, dịch hạch thể phổi đang bùng phát ở Trung Quốc không thể gây tử vong hàng loạt như đã từng xảy ra trong lịch sử cho dù được đánh giá nguy hiểm hơn cả SARS hay cúm A/H1N1. WHO cũng cho biết, dịch hạch thể phổi là loại ít xảy ra nhất nhưng lại nguy hiểm nhất trong số 4 dạng của dịch hạch (thể hạch, thể phổi, thể nhiễm trùng huyết và thể màng não). Vi khuẩn Yersinia pestis gây dịch hạch thể phổi có thể lan truyền trong không khí và lây từ người sang người khi ho.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có những triệu chứng như sốt cao, đau ngực, rét run, khó thở, hạ huyết áp, thở dốc, ho, có khi ho ra chất dịch lẫn máu hoặc đờm, bệnh nhân cần khẩn trương tới bệnh viện để khám, điều trị ngay. Sự nguy hiểm của dịch hạch thể phổi là có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời.

Dịch hạch thể phổi có thể lây theo hai cách. Thứ nhất, người bệnh hít phải vi khuẩn hạch thể phổi khi chúng phát tán trong không khí hoặc vi khuẩn này tự thâm nhập vào phổi của bệnh nhân theo đường máu hoặc từ người sang người khi ho.

Thứ hai, nhiễm bệnh khi mổ hoặc ăn động vật bị bệnh. Thời gian ủ bệnh dịch hạch thể phổi từ 3 đến 7 ngày. Dịch hạch xảy ra chủ yếu ở loài gặm nhấm với các thể cấp, bán cấp hay mạn tính với tác nhân truyền bệnh là bọ chét. Theo thống kê của WHO, trong 10 năm qua (1998-2008), có gần 24.000 trường hợp nhiễm dịch hạch thể phổi và đã có khoảng 2.000 người chết vì căn bệnh này. Có người cho rằng, hầu hết các trường hợp bị dịch hạch ở vùng Tây Bắc Trung Quốc đều do người đi săn nhiễm bệnh từ da con vật đã bị bệnh.

Cách đây hơn 3 năm (tháng 1/2006), các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Arizona, Mỹ đã thành công trong việc tạo vaccine ngừa bệnh dịch hạch - tạo phản ứng miễn dịch tốt ở chuột lang. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc tạo ra loại vaccine dành cho con người trong tương lai. Trước đó (tháng 1/2003), các nhà khoa học thuộc Viện Pasteur, Paris, Pháp đã phát triển một phương pháp xét nghiệm chẩn đoán nhanh đối với bệnh dịch hạch. Việc chẩn đoán dịch hạch sớm có ý nghĩa quan trọng trong trường hợp bị khủng bố sinh học.

Ngay sau khi biết tin, Nga đã thắt chặt kiểm soát biên giới với Trung Quốc, cụ thể là thắt chặt kiểm soát những người Nga và Trung Quốc qua lại khu vực biên giới giữa hai nước.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường thuộc Bộ Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Huy Nga cho biết, tuy các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc đã được yêu cầu giám sát chặt chẽ để đề phòng dịch hạch có thể xâm nhập, nhưng công tác phòng ngừa vẫn phải được quan tâm đặc biệt. Trong đó đáng quan tâm nhất là những chuyến tàu và xe chở hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Huy Nga cũng cho biết, WHO chưa có thông báo chính thức về dịch bệnh này. Còn theo bà Nguyễn Thu Yến, Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dịch hạch thể phổi ở Trung Quốc chưa ảnh hưởng tới Việt Nam bởi lâu nay tại các cửa khẩu, công tác kiểm dịch y tế biên giới đã được giám sát chặt chẽ, sát sao. Nhưng để phòng bệnh, cần cảnh giác với thú hoang, chủ yếu là chuột, vì chúng có thể mang vi khuẩn Yersinia pestis.

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.