Đốm lửa nhỏ trong cuộc cạnh tranh lớn

Thứ Ba, 15/08/2017, 13:58
Căng thẳng kéo dài hơn một tháng qua giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước vẫn chưa hạ nhiệt cho dù đã có những dấu hiệu thiện chí giải quyết từ hai phía. Hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung. Đằng sau sự căng thẳng này có phải là những chiến lược lớn xuyên quốc gia mà hai bên đang ngầm chạy đua?

Không để xảy ra “chiến tranh quy mô nhỏ” 

Trong một nỗ lực mang tính “phá băng” quan hệ Trung - Ấn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã mời một đoàn nhà báo Ấn Độ tới Bắc Kinh để chính thức thông báo tình hình và bày tỏ quan điểm liên quan tới những xung đột ở khu vực tranh chấp Doklam. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Nhậm Quốc Cường, khẳng định Trung Quốc không có kế hoạch tiến hành “chiến tranh quy mô nhỏ” để trục xuất quân Ấn Độ ra khỏi khu vực Doklam tranh chấp, giáp ranh Sikkim của Ấn Độ.

Theo ông Nhậm Quốc Cường, nhận định về “chiến tranh quy mô nhỏ” tại biên giới Trung - Ấn chỉ đại diện cho quan điểm của giới truyền thông và các chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, người phát ngôn nhắc lại cảnh cáo từ các nhà lãnh đạo và quan chức Trung Quốc trước đó, yêu cầu binh sĩ Ấn Độ rút khỏi khu vực tranh chấp ở Doklam (theo cách gọi của Trung Quốc) và “nhắc nhở” New Delhi không nên đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh để bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Về phía Trung Quốc, trong tuyên bố mới đây, Bắc Kinh nhấn mạnh, nước này đã thể hiện thiện chí tối đa trong giải quyết cuộc đối đầu quân sự kéo dài với Ấn Độ tại khu vực Sikkim và tìm cách liên lạc với New Delhi để giải quyết vụ việc. Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã cho thấy sự kiềm chế cao độ vì quan hệ song phương nói chung cũng như hòa bình và ổn định khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc cảnh báo rằng, thiện chí cũng có nguyên tắc và sự kiềm chế đã đến đỉnh điểm.

Binh lính Trung - Ấn với hai tấm băng rôn thể hiện lập trường hai phía. Ảnh: AP.

Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ nhanh chóng giải quyết tình hình một cách thỏa đáng để khôi phục hòa bình tại khu vực biên giới. Trung Quốc cho rằng, Ấn Độ phải đơn phương rút quân khỏi cao nguyên Doklam. Tuy nhiên, Trung Quốc không đáp lại đề nghị của Ấn Độ trong hội đàm là lui quân 250m so với hiện nay, một nguồn tin thân cận với chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho hay.

Về phía Ấn Độ, Ngoại trưởng nước này cho rằng, hòa bình và yên tĩnh dọc đường biên giới Trung - Ấn là điều kiện tiên quyết quan trọng cho sự phát triển suôn sẻ mối quan hệ song phương. Muốn vậy, hai bên trước hết là phải rút quân để có bất kỳ cuộc đàm phán nào, đồng thời nghiêng về một giải pháp hòa bình. Nhằm xoa dịu căng thẳng, Ngoại trưởng S. Jaishankar đã khẳng định rằng đối thoại mới là biện pháp giải quyết vấn đề.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5-8 trong chuyến công du tại Myanmar cũng tuyên bố biện pháp duy nhất giải quyết xung đột Ấn Độ - Trung Quốc hiện nay là đối thoại. Ông Narendra Modi tuyên bố: “Môi trường thế giới thế kỷ XXI tương đối hòa bình và các nước cùng dựa vào nhau, đồng thời cũng phải đối mặt với một loạt thách thức như chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu. Nhưng tôi tin rằng, thông qua truyền thống lâu đời nhất của châu Á là đối thoại và biện luận, tất yếu sẽ tìm được biện pháp giải quyết. Chính phủ Ấn Độ không chỉ thương lượng về vấn đề Doklam mà còn đàm phán cả về quan hệ song phương với Trung Quốc”.

Khi các giải pháp ngoại giao chưa phát huy tác dụng thì sự cứng rắn từ lực lượng quân sự hai nước khiến tình hình thêm căng thẳng. Hãng PTI ngày 7-8 đưa tin, Đại tá Li Li của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã gửi một thông điệp cứng rắn tới lục quân Ấn Độ là rút quân khỏi các vị trí để tránh đối đầu. Trước đó, ngày 4-8, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố đoạn video ghi lại cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc được tiến hành vài ngày trước ở Tây Tạng.

CCTV không nêu địa điểm chính xác của cuộc diễn tập, song cho biết nó diễn ra ở dãy Himalaya, nơi giao giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Trong khuôn khổ tập trận, các binh sĩ tới từ các đơn vị pháo binh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện tấn công nhiều mục tiêu khác nhau bao gồm xe tăng, bệ phóng tên lửa với đại bác nòng ngắn và pháo hỏa tiễn.

Không phải là bất thường

Tình hình khu vực tranh chấp ở biên giới Trung - Ấn căng như cung đã giương tên khiến người dân hai bên cảm thấy lo ngại. Trong khi kiều dân và doanh nhân Trung Quốc đang kinh doanh tại Ấn Độ lo ngại về những khó khăn có thể tăng thêm vì căng thẳng quân sự hai nước thì người dân Ấn Độ lại tỏ rõ thiện chí hòa bình.

Đã xuất hiện tình trạng một số kiều dân Trung Quốc lo ngại và muốn rút khỏi Ấn Độ. Tờ Đông phương ngày 8-8 đưa tin, một người sử dụng mạng Internet làm việc tại một xí nghiệp vốn Trung Quốc tại Ấn Độ tiết lộ: có khoảng một nửa số nhân viên các công ty Trung Quốc đã về nước, xu thế này đang ngày càng gia tăng rõ rệt.

Cũng có tin một bộ phận xí nghiệp đầu tư và công ty mậu dịch Trung Quốc ở Ấn Độ đã tạm thời rút về. Người phụ trách một công ty năng lượng Trung Quốc nói: tuy hiện nay chưa có kế hoạch tổng thể về rút các xí nghiệp vốn Trung Quốc khỏi Ấn Độ, nhưng các công ty đều cố gắng giảm số lượng nhân viên của mình đến mức thấp nhất. Những ai không có công trình trong tay đều có thể rút về.

Cũng có nguồn tin tiết lộ, tuy có các công ty vốn Trung Quốc ở Ấn Độ tự ý rút nhân viên, nhưng lại cho rằng việc này không liên quan đến tình hình căng thẳng trong quan hệ hai nước; mà cho rằng các công ty vốn Trung Quốc ở Ấn Độ phát triển rất khó khăn, không cần thiết phải đổ thêm vốn để đầu tư các hạng mục lớn. Được biết, hiện nay tại Ấn Độ có khoảng 500 - 600 xí nghiệp vốn Trung Quốc với khoảng 4.000 nhân viên người Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai và Kolkata. Ngoài ra cũng có số lượng nhân viên quản lý kỹ thuật tương đương tại hiện trường các công trình.

Bên cạnh đó, theo trang tin điện tử Sina ngày 8-8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã ra “Thông cáo về an toàn của công dân Trung Quốc ở Ấn Độ” nhắc nhở các công dân Trung Quốc hiện đã ở Ấn Độ và sắp tới cần chú ý an toàn của bản thân, không nên ra ngoài khi không cần thiết, cẩn thận trong lời nói và hành động, tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật Ấn Độ, tôn trọng tập quán tôn giáo và phong tục địa phương, phối hợp sự kiểm tra của nhân viên chấp pháp địa phương... Sina cũng dẫn lời một chủ doanh nghiệp Trung Quốc ở Ấn Độ nói: các xí nghiệp vốn Trung Quốc ở Ấn Độ vốn đã phát triển rất khó khăn, nay lại càng khó thêm.

Trái ngược với sự căng thẳng của một số người Trung Quốc, nhiều người dân Ấn Độ bày tỏ thiện chí hòa bình của mình. Trường hợp của võ sĩ quyền Anh Vijender Singh người Ấn Độ là một điển hình. Ngày 6/8, tại thành phố Mumbai (Ấn Độ), võ sĩ quyền Anh Vijender Singh đã thắng điểm trước đối thủ Zulpikar Maimaitiali sau 10 hiệp đấu. Vijender Singh đã bảo vệ thành công đai vô địch quyền Anh hạng siêu trung của hệ thống WBO châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời đoạt đai vô địch hạng siêu trung của hệ thống WBO Oriental của Maimaitiali. Tuy nhiên, võ sĩ này đã trả đai vô địch với mong muốn hàn gắn tranh chấp biên giới Ấn - Trung.

Sau chiến thắng, Singh ôm ngôi sao điện ảnh Ấn Độ Amitabh Bachchan và những nhân vật nổi tiếng khác, rồi anh trở lại võ đài, cầm lấy micro và nói: “Tôi không muốn chức vô địch này. Tôi sẽ trả nó lại cho Zulpikar”. Anh nói thêm: “Tôi không muốn căng thẳng ở vùng biên giới. Đây là một thông điệp hòa bình rất quan trọng”.

Phía sau “đốm lửa”

Giới chuyên gia nhận định rằng, căng thẳng Trung - Ấn tại khu vực biên giới chỉ là phần nổi. Ẩn chứa sau sự căng thẳng đó là những tính toán lớn hơn rất nhiều liên quan tới chiến lược của cả hai quốc gia lớn nhất nhì châu Á.

Đánh giá về tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà phân tích nhận định, cuộc đối đầu ngay dưới chân dãy Himalaya hiện nay không chỉ gây căng thẳng chính trị cho hai “người khổng lồ” châu Á, mà còn đe dọa kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu của Bắc Kinh.

Theo số liệu của các cơ quan truyền thông Trung Quốc, nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Trong khi đó, Ấn Độ lại có vị trí địa lý chiến lược nằm ở trung tâm của đường dây năng lượng và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nên bất kỳ động thái leo thang quân sự nào từ phía Trung Quốc đều có thể làm hỏng kế hoạch thương mại toàn cầu của quốc gia này.

Tiến sĩ Rajeev Chaturvedy, tới từ Học viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, cách tiếp cận của Trung Quốc hiện nay đang làm phức tạp thêm vấn đề và khả năng cao là Ấn Độ sẽ rút lại lời từ chối tham dự vào kế hoạch thương mại lớn của Trung Quốc, dẫn đến việc một số dự án đường sắt cao tốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc sẽ phải hoãn lại hoặc bị loại bỏ.

Võ sĩ quyền Anh Vijender Singh mong muốn chấm dứt căng thẳng ở vùng biên giới. Ảnh: The Field.

Thời gian qua, Trung Quốc nhiều lần cố gắng thu hút nước láng giềng Ấn Độ tham gia vào dự án này, nhưng Ấn Độ hiện đang hướng tới ý tưởng về “Con đường tơ lụa” riêng của mình. Đó là một hành lang vận tải dẫn tới Iran, Nga, vùng Caucasus và Trung Á làm phương án thay thế dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Hành lang mới được đề xuất mang tên “Bắc-Nam” (NSTC), có chiều dài 7.200 km, sẽ trải dài từ Ấn Độ tới Nga thông qua Iran và nối Vịnh Ba Tư cùng Ấn Độ Dương với Biển Caspi.

Các nhà phân tích cho rằng, điều khiến hành lang “Bắc-Nam” trở nên rất quan trọng là vì nó sẽ khiến chi phí vận tải và thời gian di chuyển giảm 30%. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang tìm kiếm một lộ trình để vận chuyển hàng hóa của nước này qua đường bộ hoặc đường sắt tới Nga và châu Âu. Nhờ tuyến đường này, không chỉ Ấn Độ mà châu Âu và Nga cũng có thể phân phối hàng hóa của mình nhanh hơn và rẻ hơn. Chính vì vậy mà việc căng thẳng biên giới chắc chắn sẽ không có lợi cho phía Trung Quốc.

Giữa bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Ấn Độ không đứng nhìn mà ngược lại quyết tâm xây dựng mạng lưới “bạn bè” cho sân chơi của mình. Ấn Độ vừa thông qua gói ngân sách 256 triệu USD để nâng cấp một phần của tuyến đường ở biên giới phía Đông của nước này và mở rộng thêm 65 km đường nối từ thị trấn Moreh lên thủ phủ Imphal của bang Manipur. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng tuyến đường cao tốc 4 làn xe dài 1.360 km đầy tham vọng để nối khu vực Đông Bắc Ấn Độ với các khu chợ ở Thái Lan và xa xôi hơn.

Chỉ trong 2 năm qua Ấn Độ đã chi hơn 4,7 tỷ USD cho các dự án phát triển đường biên giới, bao gồm tuyến cao tốc trên. Dưới chính sách “Hành động phía Đông” của chính quyền Thủ tướng Modi, Ấn Độ đang đầu tư vào các dự án liên kết đường và đường sắt ở các khu vực biên giới Đông Bắc của nước này, nơi giáp ranh với Nepal, Bhutan, Bangladesh, Trung Quốc và Myanmar.

Tuyến cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan đang được đẩy mạnh xây dựng với nhiều đoạn đã được hoàn thành và tiếp tục nâng cấp. New Delhi hiện cũng đề xuất mở rộng tuyến cao tốc này sang tận Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các nước khu vực sông Mekong tới Ấn Độ. Đây là một kế hoạch nhằm giúp Ấn Độ thắt chặt hơn quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Nhà nghiên cứu K. Yhome thuộc Observer Research Foundation ở New Delhi cho rằng, khi Trung Quốc mở một hành lang kinh tế Bắc Nam trong khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa”, thì Ấn Độ cũng phải thiết lập kết nối với các nước láng giềng ở phía Đông để tạo đối trọng. Hãng tin Bloomberg ngày 9/8 nhận định đây là một bước kế tiếp của New Delhi trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, nhằm giành ảnh hưởng kinh tế và chiến lược trong khu vực.

Ngoài các dự án cơ sở hạ tầng, Ấn Độ cũng đang tích cực kết nối chính trị. Mới đây, nước này gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ký Công ước TIR - hợp tác vận tải đường bộ quốc tế giữa 71 quốc gia giúp vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn, thúc đẩy Thỏa thuận về xe cơ giới giữa các nước Bangladesh - Bhutan - Ấn Độ - Nepal, thảo luận quan hệ đối tác với Liên minh kinh tế Á - Âu - khu vực hải quan bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Mỹ...

Hành lang NSTC và các dự án liên quan mang đến cho Ấn Độ cơ hội tiếp cận tốt hơn đến trung tâm Á - Âu, mang lại lợi ích lớn cho nước này, vượt qua Pakistan trong bối cảnh Trung Quốc triển khai hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.

Nguyễn Hòa
.
.