Đông Địa Trung Hải “dậy sóng” vì mỏ khí khổng lồ
Ngày 22-12, Hy Lạp thông báo rằng thỏa thuận đường ống EastMed sẽ được ký kết giữa Síp và Israel vào ngày 2-1-2020. Thỏa thuận sẽ được Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Síp Nicos Anastasiades ký kết tại Athens, Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp cho biết trong một tuyên bố.
Đường ống dẫn khí dài 2.000 km này có khả năng vận chuyển từ 9 đến 11 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ các kho dự trữ ngoài khơi của lưu vực Levantine, nằm ngoài khơi đảo Síp và Israel tới Hy Lạp. Dự án này dự kiến sẽ giúp 3 nước trên trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng của châu Âu và ngăn chặn những nỗ lực mở rộng quyền kiểm soát ở phía Đông Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông báo về việc ký kết thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Libya ký thỏa thuận hàng hải. Hồi tháng 11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ký 2 bản ghi nhớ với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj, được Liên Hiệp Quốc công nhận, liên quan đến việc phân định biên giới trên biển và vấn đề an ninh.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể gửi các cố vấn, chuyên gia và nhân viên quân sự đến Libya trong trường hợp GNA yêu cầu. Ngoài ra, Ankara cũng có thể gửi vũ khí, phương tiện quân sự, tập trận chung và trao đổi các thông tin tình báo...
Thỏa thuận này đã bị một số quốc gia, bao gồm cả Hy Lạp và Síp lên án mạnh mẽ, bởi nó cho phép Ankara đòi chủ quyền đối với các khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải giàu khí đốt. Ngày 6-12, Hy Lạp tuyên bố trục xuất Đại sứ Libya tại Athens. Ngày 9-12, Tổng thống Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya có thể cùng thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Síp, trong một khu vực có tiềm năng khí đốt lớn.
Tàu thăm dò Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. |
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cử 3 tàu thăm dò tới một khu vực ở Địa Trung Hải, mà theo Síp lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng họ không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận phân định trên biển giữa Cộng hòa Síp và các quốc gia ven biển Địa Trung Hải khác và họ có toàn quyền trên thềm lục địa của mình.
Liên minh châu Âu, Síp và Mỹ phản đối hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa tháng 10-2019, châu Âu đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ trừng phạt các hoạt động khoan bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng đặc quyền kinh tế của đảo Síp. Trong một tuyên bố ngày 11-11, Hội đồng EU cho biết các nước thành viên EU đã thống nhất khung pháp lý để “xử phạt những người hoặc tổ chức chịu trách nhiệm về các hoạt động khoan thăm dò trái phép ở Đông Địa Trung Hải hoặc những người có liên quan đến các hoạt động này”.
Các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm cấm nhập cảnh vào EU và đóng băng tài sản. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức thuộc diện trừng phạt sẽ bị cấm vay vốn từ EU. Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào phụ trách các hoạt động khoan thăm dò ở Đông Địa Trung Hải mà không được chính quyền đảo Síp cho phép đều sẽ bị trừng phạt. Tất cả những người hỗ trợ cho những hoạt động trên cũng nằm trong diện bị trừng phạt.
Bước tiếp theo sẽ là nêu tên những người hoặc tổ chức bị trừng phạt. Đáp lại thông báo của EU, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngừng các hoạt động khoan thăm dò của mình ở vùng đặc quyền kinh tế của đảo Síp bất chấp lệnh trừng phạt của EU.
Tranh chấp Síp-Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu khi Síp phát hiện nhiều mỏ khí khổng lồ ở phía Đông Địa Trung Hải. Síp sau đó đã ký hợp đồng thăm dò với những tập đoàn lớn như ENI của Ý, Total của Pháp hay ExxonMobil của Mỹ. Nhưng Ankara kêu gọi đình chỉ tất cả các cuộc thăm dò, chừng nào giải pháp cho vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Cộng hòa Síp và Síp Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa được tìm ra. Ankara cho rằng chính quyền đảo Síp (ở phần phía Nam hòn đảo, thân Hy Lạp) đã không tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về tài nguyên thiên nhiên của bên Síp Thổ Nhĩ Kỳ (miền Bắc ly khai, thân Thổ Nhĩ Kỳ).
Cộng hòa Síp trên nguyên tắc bao trùm toàn bộ đảo này, nhưng vào năm 1974, sau cuộc xâm lấn của Thổ Nhĩ Kỳ, đảo này đã bị chia đôi, một phần phía Síp Hy Lạp, được quốc tế công nhận và chính thức mang tên Cộng hòa Síp và một phần phía Bắc, đã ly khai, gọi là Síp Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.
Khi phản đối không phát huy hiệu quả, Ankara quay sang tuyên bố “vậy thì họ cũng sẽ thăm dò và khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải”. Nói là làm, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cử 3 tàu thăm dò tới một khu vực ở Địa Trung Hải, mà theo Síp lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Trong bối cảnh này, ngày 7-11, Síp thông báo đã ký thỏa thuận khai thác khí đầu tiên, trị giá 9,3 tỷ đô la với một liên danh các nhà thầu gồm Shell (Anh-Hà Lan), Noble (Mỹ) và Delek (Israel). Mỏ đầu tiên được phát hiện ngoài khơi đảo Síp bởi Noble Energy vào năm 2011 là mỏ khí Aphrodite, dự trữ của mỏ ước tính khoảng 113 tỷ mét khối khí. Giấy phép cấp quyền khai thác mỏ khí Aphrodite kéo dài 25 năm.
Thỏa thuận được ký kết sau khi Chính phủ Síp phê duyệt các sửa đổi theo yêu cầu của các công ty này vì giá dầu giảm kể từ giữa năm 2014. Theo thỏa thuận đàm phán lại, Nicosia sẽ nhận được trung bình 520 triệu đô la một năm trong 18 năm. Ông Lakkotrypis cho biết theo các điều khoản của thỏa thuận mới, liên danh các nhà thầu có nghĩa vụ khai thác khí đốt và tạo doanh thu từ nay đến năm 2025.
Vào tháng 2-2019, Exxon Mobil và Qatar Oil đã phát hiện ở ngoài khơi đảo Síp một mỏ khí rất lớn, chứa tới 230 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. ENI của Ý và Total của Pháp cũng thực hiện các hoạt động thăm dò hydrocarbon ngoài khơi đảo Síp.
Sự xuất hiện ồ ạt của các công ty khai thác dầu khí phương Tây ký hợp đồng với Síp ở Đông Địa Trung Hải cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang bị lép vế trong cuộc tranh giành tài nguyên tại nơi đây. Nhưng không phải vì thế mà Ankara sẽ nhượng bộ.