Động đất kinh hoàng tại Nhật Bản: Thảm họa hạt nhân cận kề?
* Hơn 10.000 người chết và gây thiệt hại vật chất vô cùng lớn, đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế Nhật.
* Mạnh gấp 100 lần trận động đất ở Haiti.
* Chính phủ Việt Nam quyết định trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả do trận động đất và sóng thần.
* Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cũng ra thông báo viện trợ 50.000 USD giúp nhân dân Nhật khắc phục hậu quả thiên tai.
Vào lúc 14h46’ giờ địa phương hôm 11/3 một trận động đất với cường độ 8,9 độ Richter đã xảy ra tại ngoài khơi, cách bờ biển đông bắc Nhật Bản khoảng 125km. Trận động đất lớn chưa từng thấy trong vòng 140 năm qua đã kéo theo sóng thần cao tới 10m, tàn phá nhiều vùng ven biển đặc biệt là thành phố ven biển Sendai và một số lãnh thổ quốc gia lân cận.
Mức độ thiệt hại của trận động đất hôm 11/3 tại Nhật có thể không lớn bằng trận động đất lịch sử tại Kobe năm 1995, nhưng đây là trận động đất có quy mô rộng lớn ảnh hưởng hầu như khắp nước Nhật. Giao thông đường không, đường sắt bị cắt đứt. Liên lạc điện thoại tại nhiều nơi ở Nhật cũng bị gián đoạn. Trận động đất đã gây ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn, trải dài hơn 4.000km dọc bờ biển phía đông Nhật Bản. Ngay cả thủ đô Tokyo nằm cách tâm chấn 400km cũng bị chấn động dữ dội.
Hơn 10.000 người chết và con số còn tiếp tục tăng
Đến ngày 14/3, các giới chức Nhật xác nhận hơn 5.000 người chết do động đất và sóng thần. Nhưng số người thiệt mạng tăng vọt vì có một báo cáo từ Miyagi, 1 trong 3 khu vực bị thiệt hại trầm trọng nhất. Cảnh sát trưởng nơi này nói với các giới chức cấp cứu thiên tai rằng hơn 10.000 người trong khu vực ông chịu trách nhiệm đã thiệt mạng. Đây vẫn chỉ là một ước tính vì cho đến nay chỉ có khoảng 400 người được xác nhận là thiệt mạng ở Miyagi, nơi có dân số vào khoảng 2,3 triệu người.
Nhiệt độ trong đêm kể từ khi xảy ra thiên tai gần như băng giá, cũng tạo thêm khó khăn cho những người sống sót. Họ phải chen chúc trong những lều tạm dọc theo bờ biển dài hàng trăm kilômét ở phía đông bắc nước Nhật. Hàng trăm ngàn người đang chật vật để có được thực phẩm và nước uống, và gần 2 triệu hộ gia đình bị mất điện. Chính phủ Nhật tăng gấp đôi số quân nhân tham dự vào nỗ lực cứu hộ, lên đến khoảng 100.000 người, và gửi 120.000 cái chăn mền, 120.000 chai nước uống, khoảng 110.000 lít nhiên liệu và thực phẩm đến vùng thiên tai.
Thủ tướng Naoto Kan cho hay việc tái lập cung cấp điện sẽ mất nhiều ngày. Trong thời gian đó, điện sẽ bị cắt luân phiên ở các thành phố, kể cả Tokyo. "Đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của nước Nhật từ khi cuộc chiến chấm dứt 65 năm trước đây" - ông Kan nói với các nhà báo.
![]() |
Sóng thần cao đến 10 mét tàn phá nhiều vùng ven biển đặc biệt là thành phố ven biển Sendai. |
![]() |
![]() |
Cảnh hoang tàn sau động đất ở Natori, gần Sendai. |
Nỗ lực tránh ác mộng “Chernobyl”?
Vừa phải nỗ lực cứu hộ hàng trăm ngàn nạn nhân động đất và sóng thần, chính quyền Nhật Bản vừa phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn một thảm họa hạt nhân. Sáng ngày 14/3, lò phản ứng số 3 tại Trung tâm hạt nhân Fukushima số 1 nổ hai lần. Dù nhiều người bị thương, nhưng Tập đoàn điện Tepco khẳng định là vỏ thép bảo vệ lò phản ứng chịu đựng tốt. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật kêu gọi người dân nhanh chóng di tản khỏi khu vực nguy hiểm với bán kính 20km.
Sau vụ nổ khí hydro ở lò số 1 hôm 13/3, kịch bản tương tự đã xảy ra vào sáng 14/3 với lò số 3 của Trung tâm hạt nhân Fukushima số 1 cách Tokyo 250km về phía bắc, thải ra không khí bụi phóng xạ Cesium. Mặt khác, hệ thống làm nguội máy của lò phản ứng số 2 được thông báo ngưng hoạt động vì bị hỏng. Những sự kiện bi quan trên đây cho thấy tình hình chưa kiểm soát được. Thông tin do Chính phủ Nhật và ngành khai thác điện hạt nhân đưa ra rất rời rạc, gây ra nhiều cách diễn giải khác nhau về mức độ nguy hiểm.
Sứ quán Pháp tại Tokyo kêu gọi kiều dân di tản về phía nam thủ đô để đề phòng bất trắc. Theo thẩm định của Bộ trưởng Năng lượng Pháp Eric Besson, tình hình tại Nhật "đáng lo ngại" vì đã có "rò rỉ phóng xạ". Chính quyền Nhật cho nổ khí hydro để làm giảm áp suất bên trong nhà máy và để bảo vệ lớp bê tông bọc quanh lò phản ứng. Nếu vỏ bê tông không bể thì tình hình chỉ "nghiêm trọng", còn nếu như lò phản ứng bị nóng chảy làm tan cả vỏ bọc thì không tránh khỏi "thảm họa".
Vấn đề là hiện nay không ai biết là liệu các biện pháp bơm nước biển để làm nguội các lò phản ứng có mang lại kết quả hay không. Đây cũng là trường hợp của lò số 2 ngay tại Trung tâm Fukushima. Tình trạng "khủng hoảng" hiện nay là hệ quả của trận động đất và sóng thần cách đó 3 hôm, nhưng nó cũng nằm trong bối cảnh địa lý của một vùng thường xuyên xảy ra địa chấn. Những trung tâm hạt nhân bị động đất làm suy yếu sẽ chịu đựng như thế nào trong những trận thiên tai tương lai?
Theo đúng phương án an toàn hạt nhân tại Nhật, 14 trên tổng số 55 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc đã tự động ngưng vận hành trong lúc mặt đất bị rung chuyển. Nhưng "tắt máy" một lò hạt nhân rất phức tạp, đòi hỏi thời gian và phải có một hệ thống làm giảm nhiệt. Nếu không thì nhiệt độ tăng dần, thiêu hủy vật liệu bảo vệ lò phản ứng và nổ tung như một quả bom nguyên tử. Đây là cơn ác mộng đã xảy ra tại Chernobyl, Ukraina năm 1986 mà Nhật Bản và cả thế giới muốn tránh bằng mọi giá.
Vấn đề là trong số 14 lò phản ứng tại vùng đông bắc Nhật Bản tập trung tại 4 trung tâm hạt nhân, một số đã bị hỏng hệ thống làm lạnh. Tại Fukushima, dưới áp suất của khí hydro, 2 trên 6 lò phản ứng đã bị nổ. Lò thứ ba đang được làm giảm nhiệt bằng nước biển nhưng chưa có kết quả. Tập đoàn Tepco dự trù đục lỗ để làm giảm áp suất khí hydro bên trong nhà máy.
Trong khi đó, Trung tâm Onagawa, nơi xảy ra hỏa hoạn vào buổi đầu thiên tai, nay đã được đặt trong tình trạng báo động vì có lượng phóng xạ cao bất thường. Cuộc điều tra đang tiến hành để xem nguồn gốc phóng xạ này đến từ đâu, do bị rò rỉ hay đến từ Fukushima. Cuối cùng là Trung tâm Tokai, chỉ cách Tokyo có vài chục kilômét, cũng bị ngưng hệ thống làm lạnh.
Mặc dù vận rủi liên tục xảy ra cho quần đảo Nhật Bản, chính phủ tìm cách trấn an dân chúng. Bộ trưởng Bộ Chiến lược quốc gia Koichiro Gemba tuyên bố là hoàn toàn không có khả năng xảy ra một vụ Chernobyl.
![]() |
Công tác cứu hộ đang được khẩn trương triển khai. |
![]() |
Nhân viên của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mỉm cười khi ôm một bé gái 4 tháng tuổi vừa được giải cứu cùng gia đình ở Ishimaki City, Miyagi, miền bắc Nhật Bản. |
![]() |
Nổ tại trung tâm Fukushima (chiếu trên đài truyền hình NHK, ngày 14/3 vừa qua) và Kiểm tra mức độ nhiễm phóng xạ đối với người dân sống gần nhà máy Fukushima, ngày 13/3/2011. |
Cộng đồng quốc tế chung tay giúp Nhật Bản khắc phục thiên tai
Ngay sau khi động đất xảy ra, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một nhóm quản lý khủng hoảng tại văn phòng của thủ tướng. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói rằng chính phủ sẽ làm mọi cách có thể để giảm thiểu thiệt hại. "Chúng tôi yêu cầu người dân Nhật Bản hành động nhanh chóng để giúp đỡ các gia đình và hàng xóm đang gặp hoạn nạn. Chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau để giảm thiểu thiệt hại" - ông Kan nhấn mạnh.
Trong lúc đó, Mỹ, với gần 50.000 quân hiện đang đồn trú tại Nhật Bản, đã gửi các tàu sân bay đến vùng biển ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương. Các lực lượng quân đội Mỹ cũng đã nhanh chóng giúp Nhật Bản đối phó với nguy cơ rò rỉ phóng xạ bằng cách cung cấp hệ thống làm lạnh cho nhà máy điện hạt nhân. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã gửi hai đội cứu hộ gồm 72 người, chó săn và khoảng 150 tấn thiết bị cứu hộ. Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cũng cam kết đóng góp 1 triệu NDT (khoảng 150.000 USD).
Vào ngày 12/3 vừa qua, Đài Loan cũng đã thông báo tăng số tiền viện trợ lên đến 3,3 triệu USD. Nhóm cứu hộ của Australia gồm 75 người và chó săn đã đến Nhật Bản để giúp đỡ tìm kiếm các nạn nhân còn bị mắt kẹt do động đất và sóng thần. Hàn Quốc và Singapore cũng đã gửi các đội cứu hộ và chó cứu hộ.
Anh cũng cử một nhóm gồm 59 chuyên gia cứu hỏa và cứu hộ, 2 chó cứu hộ và một đội ngũ y tế để tham gia nỗ lực cứu trợ quốc tế. Liên Hiệp Quốc cho biết có khoảng 60 đội cứu hộ từ hơn 45 quốc gia sẵn sàng có mặt để hỗ trợ Nhật Bản lúc này. Việt Nam đã đề nghị dành ngân khoản 200.000 USD để giúp nhân dân Nhật Bản khắc phục hậu quả do động đất và sóng thần hôm 11/3 gây ra