Động thái mới trên bán đảo liên Triều

Thứ Ba, 06/10/2020, 09:21
Gần đây, CHDCND Triều Tiên liên tục có những động thái song phương với Hàn Quốc và đa phương tại Liên Hợp Quốc (LHQ) thể hiện thiện chí và cách tiếp cận mềm mỏng của mình trong quan hệ với bên ngoài. Tuy nhiên, dư luận luôn dõi theo và chờ đợi những việc làm cụ thể cải thiện quan hệ liên Triều.

Cách tiếp cận “mềm” hơn

Trong bài phát biểu ngày 29-9 trước Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ, Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại LHQ Kim Song tuyên bố nước này đang sở hữu “năng lực răn đe chiến tranh hiệu quả và tin cậy để có thể tự phòng vệ” và từ nay sẽ tập trung vào phát triển kinh tế.

Jenny Town, nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson và là Phó Giám đốc hãng tư vấn 38 North, cho rằng phát biểu của Đại sứ CHDCND Triều Tiên “không có bất kỳ lời đe dọa công khai hay lời bóng gió nào về sự phô trương lực lượng hay khoe khoang sức mạnh trong tương lai gần. Họ thật sự đang rất tập trung vào tái xây dựng và khôi phục tình trạng trong nước”.

Đại sứ Triều Tiên phát biểu tại Liên hợp quốc.

Trên thực tế, Đại sứ Kim cũng thừa nhận rằng CHDCND Triều Tiên vẫn bị đe dọa bởi các loại vũ khí quân sự hạng nặng và các lệnh trừng phạt của quốc tế vẫn là một trở ngại lớn với sự phát triển kinh tế của đất nước. Cũng tại khuôn khổ LHQ, ông Kim Song đã tái khẳng định quyết tâm của đất nước trong việc duy trì các năng lực quân sự, nhấn mạnh rằng sự đảm bảo an ninh xuất phát từ “sức mạnh chắc chắn” để ngăn ngừa chiến tranh của họ. Những tuyên bố của ông Kim Song được đưa ra trong bối cảnh nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng bế tắc dai dẳng.

Ông Kim Song nói: “Mối đe dọa hạt nhân với CHDCND Triều Tiên vẫn chưa giảm và bên cạnh đó là tất cả mọi hình thức hoạt động thù định ngay trước mắt chúng tôi. Có một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là các vũ khí quân sự hạng nặng tối tân như là máy bay chiến đấu tàng hình đang tiếp tục được triển khai trên Bán đảo Triều Tiên và các biện pháp tấn công hạt nhân dưới mọi hình thức đang được trực tiếp nhắm vào CHDCND Triều Tiên”.

Dường như rõ ràng, Bình Nhưỡng đang có chiến thuật mới để đối phó với bên ngoài. Những thông điệp tại LHQ đã một phần nói lên điều đó. Hơn nữa, lập luận này càng được củng cố trong một động thái hiếm hoi được lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đưa ra ngày 25-9 khi ông Kim Jong-un lên tiếng xin lỗi về sự cố một quan chức ngành ngư nghiệp Hàn Quốc bị quân đội CHDCND Triều Tiên bắn chết khi được cho là đang cố gắng đào ngũ ở gần đường biên giới tranh chấp trên biển giữa hai miền.

Việc một lãnh đạo CHDCND Triều Tiên lên tiếng xin lỗi Hàn Quốc về bất kỳ một sự việc nào đều là điều rất bất thường. Động thái của ông Kim Jong-un có thể sẽ giúp giảm bớt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên bởi nó có thể xoa dịu tâm lý chống CHDCND Triều Tiên tại Hàn Quốc. Bình Nhưỡng từng bày tỏ “lấy làm tiếc” trước các sự cố mà phía Seoul chịu nhiều tổn thất, chẳng hạn như vụ nổ mìn khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương hồi năm 2015 và vụ bắn chết một du khách Hàn Quốc tại CHDCND Triều Tiên năm 2008.

Hoài nghi

Đi kèm những tuyên bố xin lỗi, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn không thiếu những động thái gay gắt. Theo Reuters, trước những yêu cầu dồn dập từ phía Hàn Quốc rằng CHDCND Triều Tiên phải điều tra thêm về sự cố bắn chết người và đó phải là một cuộc điều tra chung của hai nước, phía CHDCND Triều Tiên cho biết vẫn đang tìm kiếm thi thể của người đàn ông Hàn Quốc bị bắn chết.

Bên cạnh đó, truyền thông CHDCND Triều Tiên ngày 27-9 vẫn đưa ra lời cảnh báo rằng các cuộc diễn tập hàng hải của Hàn Quốc trong khu vực có nguy cơ gia tăng căng thẳng. Hãng KCNA dẫn tuyên bố của quân đội CHDCND Triều Tiên cho biết: “Chúng tôi hối thúc phía Nam lập tức chấm dứt việc xâm phạm vào đường phân giới quân sự ở vùng Biển Tây, bởi điều đó có thể làm căng thẳng leo thang”.

Trong 2 năm qua, chính quyền của ông Kim Jong-un vẫn tiếp tục cải tiến năng lực hạt nhân và tên lửa. Tháng 6 năm nay, CHDCND Triều Tiên đẩy cao căng thẳng với Hàn Quốc bằng cách cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong để bày tỏ sự tức giận về việc những người đào tẩu và các nhà hoạt động xã hội khác ở Hàn Quốc đã thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng sang lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.

Với Mỹ, học giả Mỹ Marcus Noland, một chuyên gia về kinh tế chính trị, phân tích trên trang mạng nghiên cứu East West Center về khả năng CHDCND Triều Tiên đẩy mạnh chính sách “bên miệng hố chiến tranh” trong quan hệ với Mỹ, có thể sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trước cuộc bầu cử, CHDCND Triều Tiên có khả năng sẽ tiến hành các hành động khiêu khích như thử tên lửa tầm ngắn hay xâm nhập Khu phi quân sự chia cắt hai miền, những hành động sẽ làm tăng căng thẳng nhưng không có việc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc vũ khí hạt nhân.

Nếu Tổng thống Donald Trump tái cử, ít có khả năng môi trường ngoại giao sẽ thay đổi và CHDCND Triều Tiên sẽ gia tăng sức ép để phá vỡ thế bế tắc. Nếu ông Joe Biden đắc cử, tình hình sẽ phức tạp hơn. Chính quyền của ông Biden sắp tới sẽ cần phải đánh giá lại chính sách để tạo sự đồng thuận trong Chính phủ Mỹ về cách tiếp cận mới. Tuy nhiên, chương trình nghị sự chính trị và ngoại giao mà chính quyền mới phải đối mặt sẽ rất khó khăn và CHDCND Triều Tiên chưa chắc sẽ tiếp tục nằm trong các ưu tiên.

Rất có thể CHDCND Triều Tiên sẽ mất kiên nhẫn và có hành động khiêu khích mạnh hơn, chẳng hạn như thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay hạt nhân để thu hút sự chú ý của chính quyền Biden, giống như họ từng làm đối với chính quyền của Tổng thống Obama năm 2009. Nếu vậy, hành động khiêu khích đó khả năng diễn ra trước khi chính quyền mới ở Mỹ hoàn tất việc xem xét chính sách và đưa ra một chiến lược chặt chẽ hơn. Do đó, khả năng những tháng đầu tiên của năm 2021 sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.