Du lịch cấy ghép mô tạng

Thứ Năm, 04/05/2006, 08:00
Theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ Amnesty International và Organs Watch, 10 nước trên thế giới đã có dịch vụ du lịch ghép tạng. Đó là Brazil, Bungari, Haiti, Ấn Độ, Mexico, Moldova, Mozambique, Pakistan, Paraguay, Peru, Rumani, El Salvador, Thổ Nhĩ Kỳ và hằng năm có hàng ngàn vụ ghép tạng trái phép cho các bệnh nhân giàu có.

Mặc dù ở Thụy Sĩ cấm buôn bán mô tạng người. Tuy nhiên, chúng tôi không thể loại trừ khả năng các bệnh nhân đi du lịch nước ngoài để thực hiện cấy ghép mô tạng. Trên thực tế, luật pháp của một số nước về lĩnh vực này rất mềm mỏng, ví dụ như ở Iran người ta đã cho phép bán mô tạng - ông Conrad Mller, Giám đốc Hiệp hội ghép mô tạng của Thụy Sĩ cho biết.

Ở Mỹ, người ta đã tính đến việc cho phép buôn bán mô tạng người đặt dưới sự quản lý của một cơ quan thuộc chính phủ. Người đề ra ý tưởng trên là các bác sĩ Eli ở Đại học New York, và Amy Friedman hiện đang công tác tại Đại học Yale. Ý tưởng của họ đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về chủ đề này trên tờ tạp chí Kidney International. Năm 2004, Nghị viện Mỹ đã từ chối thông qua một dự thảo luật về tự do hóa thị trường mô tạng, cho rằng đó là một sự vi phạm nhân phẩm.

Theo giới vận động hành lang, để thông qua dự thảo luật trên, mọi nỗ lực khuyến khích hiến mô tạng đã thất bại. Các con số cũng có thể nói lên điều đó: hiện Mỹ có 65.000 bệnh nhân đăng ký ghép mô tạng và mỗi năm có hơn 3.000 người đã chết do thiếu mô ghép. Một số nguồn tin khác còn đưa ra những con số cao hơn nhiều. Theo đó, gần 400.000 người Mỹ cần được ghép thận.

Ở Thụy Sĩ, khoảng 1.000 người đã ghi tên vào danh sách đợi được ghép tạng. Năm 2005, khoảng 40 người đã chết trước khi được ghép. Mặc dù vậy, Chính phủ Thụy Sĩ vẫn cấm buôn bán mô tạng. Tại Pháp, có 10.000 người chờ đợi được ghép thận và sẽ chỉ khoảng 1/3 số đó có thể tìm được người hiến. Tại Anh, mỗi năm có khoảng 400 người chết do tình trạng thiếu mô tạng ghép.

Ở Mỹ, một điều luật ban hành vào năm 1984 cấm bán mô tạng người và phạt 50.000 USD và 5 năm tù giam đối với những ai vi phạm. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân đợi ghép tạng quá lớn, đã khuyến khích sự ra đời của một chợ đen phát triển rất mạnh từ những năm 90 thế kỷ XX.

Hiện nay, mỗi xác người được bán vào khoảng 220.000USD. Năm 2003, nhà kinh tế học được nhận giải Nobel, Gary Becker, ước tính một quả thận có giá vào khoảng 45.000USD trên thị trường Mỹ và dưới 20.000USD tại Trung Quốc, nơi người ta có thể mua một lá gan với giá 40.000USD và noãn cầu với giá 5.000USD.

Dư luận ở Mỹ ủng hộ cho ý tưởng hình thành một thị trường mô tạng. Người Mỹ thích thực dụng. Theo họ, người mua, kẻ bán và những người trung gian đều có lợi trong chuyện này. Tự do hóa thị trường mô tạng liệu có thể đẩy lùi thị trường chợ đen? Hiện không có gì chắc chắn về điều đó. Có thể có một thị trường chợ đen song song tồn tại với thị trường chính thức. Ở đó, khách hàng có thể mua được thận và gan người rẻ hơn.

Theo một chuyên gia, giải pháp không nằm ở việc hình thành một thị trường mô tạng chính thức mà ở vấn đề tất cả mọi người có thể cho và nhận. Ở Thụy Sĩ, kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho biết khoảng 8/10 người ủng hộ việc cho tạng, tuy nhiên chỉ có 1/10 người đăng ký hiến tạng

Thu Giang (Theo Le Temps)
.
.