Dự thảo hợp tác dài hạn Trung Quốc-Iran gây băn khoăn

Thứ Năm, 16/07/2020, 17:19
Một dự thảo thỏa thuận hợp tác dài hạn giữa Trung Quốc và Iran vừa được tiết lộ đã gây ra những phản ứng trái chiều từ phía các đảng phái ở Iran và những quốc gia liên quan. Giữa bối cảnh cả Bắc Kinh và Tehran đều đang bị Washington công kích, dự thảo hợp tác này đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và rất được Mỹ lưu ý.

Ngày 11-7, tờ báo Mỹ The New York Times đăng tải nội dung bản dự thảo thỏa thuận dài 18 trang kế hoạch đối tác kinh tế và an ninh giữa Iran và Trung Quốc. Dự thảo này sẽ cho phép mở rộng đáng kể ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông, đồng thời mang lại phao cứu sinh cho nền kinh tế Iran. Dự thảo hợp tác dài hạn này sẽ mở đường cho Bắc Kinh đầu tư nhiều tỉ đô la vào năng lượng và các lĩnh vực khác ở Iran, bỏ qua những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cô lập chính quyền Tehran trước những tham vọng của Iran về hạt nhân và quân sự.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện tại Iran trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, bến cảng, đường sắt và hàng chục dự án khác. Đổi lại, theo tiết lộ của một quan chức Iran và một nhà thương lượng về dầu mỏ, Trung Quốc sẽ được Tehran cung cấp dầu mỏ thường xuyên và giảm giá trong suốt 25 năm. Bắc Kinh là một trong những khách hàng mua dầu thô chính của Iran trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ được khôi phục đối với ngành năng lượng Iran.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về ý định của Trung Quốc với các cơ sở cảng biển của Iran theo dự thảo thỏa thuận, trong đó có 2 cảng biển nằm dọc biển Oman. Một trong số đó là cảng Jask, nằm ngay Eo biển Hormuz.

Quan hệ đối tác Trung Quốc - Iran lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong chuyến thăm Iran hồi năm 2005 và được Văn phòng Tổng thống Iran Hassan Rohani thông qua hồi tháng 6 vừa qua, theo thông báo của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif. Nhiều quan chức Iran khẳng định là văn bản thỏa thuận mà báo Mỹ The New York Times có được là bản thảo mới nhất. Hiện giờ dự thảo thỏa thuận vẫn chưa được đệ trình lên Quốc hội Iran để thông qua và cũng chưa được công bố.

Về phía Bắc Kinh, các quan chức cũng chưa tiết lộ các điều khoản của thỏa thuận và vẫn chưa rõ liệu Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký thông qua hay chưa và khi nào thì sẽ được thông báo chính thức. Nếu được thông qua và được triển khai, thỏa thuận đối tác Trung Quốc-Iran có thể sẽ khiến quan hệ Trung-Mỹ càng thêm xấu đi. Theo The New York Times, đây sẽ là một đòn đau nhắm vào chính sách của chính quyền ông Trump.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội ở Tehran ngày 5-7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thông báo “với sự đảm bảo và niềm tin, chúng tôi đang đàm phán một thỏa thuận chiến lược 25 năm với Trung Quốc về các khoản đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau”. “Không có gì là bí mật” trong các cuộc thảo luận đang diễn ra với Bắc Kinh và người dân sẽ được thông báo “khi đạt được thỏa thuận”, ông Mohammad Javad Zarif nói với các đại biểu quốc hội.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cho biết thêm rằng, các cuộc thảo luận này đã được công khai vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Tehran hồi tháng 1-2016. Trong một thông cáo báo chí chung, hai nước đã ký kết đàm phán về “thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm”. Thỏa thuận quy định về “đầu tư đối ứng” trong các lĩnh vực khác nhau như “vận tải, cảng, năng lượng, công nghiệp và dịch vụ”.

Từ nhiều ngày qua, cuộc tranh cãi đã gây xôn xao mạng xã hội Iran sau khi cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vào ngày 27-6 lên tiếng tố cáo các cuộc đàm phán về “một thỏa thuận 25 năm mới với Trung Quốc” mà người dân không được biết. Mặc dù vậy, thỏa thuận này đã nhận được sự ủng hộ từ lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

“Chính phủ và người dân Iran đang tìm kiếm, nhằm mở rộng mối quan hệ với các quốc gia độc lập và đáng tin cậy như Trung Quốc”, ông Ayatollah Ali Khamenei khi ấy cho biết, ông nhận định dự án này “hoàn toàn chính xác và khôn ngoan”... Sau đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Khamenei là Ali Agha Mohammadi đã xuất hiện trên truyền hình để thảo luận về yêu cầu cần có một kế hoạch kinh tế rõ ràng. Chuyên gia này cho biết Iran cần tăng việc sản xuất dầu lên ít nhất 8,5 triệu thùng/ngày để duy trì vị thế trong thị trường dầu mỏ và để làm được điều đó, nước này cần hợp tác với Trung Quốc.

“Mọi con đường đều khép lại với Iran. Con đường duy nhất mở ra là Trung Quốc. Cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, thỏa thuận này là lựa chọn tốt nhất”, Fereydoun Majlesi, cựu quan chức ngoại giao Iran nhận định.

Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Mohammad Javad Zarif đã bị nhiều đại biểu la hét phản đối. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Zarif trước các đại biểu kể từ khi Quốc hội mới do phe bảo thủ chiếm đa số hoạt động từ cuối tháng 5-2020. Phe bảo thủ đã nhiều lần phản đối ầm ĩ chống lại thỏa thuận quốc tế về năng lượng hạt nhân Iran do ông Mohammad Javad Zarif ký kết vào năm 2015, một thỏa thuận có nguy cơ bị phá vỡ kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi vào năm 2018 trước khi các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Tehran được khôi phục.

Một số chuyên gia Iran bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Tehran đang trao đổi quá nhiều cho Trung Quốc trong giai đoạn nền kinh tế Iran suy yếu và nước này bị cô lập trên trường quốc tế. Một số dẫn ra các dự án đầu tư trước đó của Trung Quốc đã khiến các quốc gia châu Phi và châu Á rơi vào “bẫy nợ”, đồng thời bày tỏ lo ngại về ý định của Trung Quốc với các cơ sở cảng biển của Iran trong dự thảo thỏa thuận, trong đó có 2 cảng biển nằm dọc biển Oman.

Một trong số đó là cảng Jask, nằm ngay Eo biển Hormuz, lối vào vịnh Ba Tư có thể giúp Trung Quốc có được vị trí chiến lược tại vùng biển vận chuyển một lượng lớn dầu trên thế giới này. Đây cũng là khu vực có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ khi trụ sở của Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đặt tại Bahrain.

Giới phân tích khu vực cho rằng các bên đang tìm cách lợi dụng áp lực của Mỹ để đa dạng hóa các lựa chọn nhằm mở ra các đối tác mới cho các nền kinh tế. Iran mong muốn trở thành đồng minh của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc theo đuổi 3 mục tiêu khi tăng cường hợp tác với Iran. Đó là đảm bảo an ninh nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô, cạnh tranh kinh tế chính trị với Nga và giảm thâm hụt thương mại song phương.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.