EU - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì di dân

Thứ Hai, 16/03/2020, 09:11
Ngày 11-3, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để mở biên giới với châu âu để di dân đi qua, cho đến khi nào nhận được câu trả lời cụ thể của Liên minh châu Âu (EU) về những yêu cầu của Ankara. Tuyên bố cho thấy tình hình vẫn rất căng thẳng ngay cả khi lãnh đạo hai bên đã gặp nhau 2 ngày trước đó.

Ông Erdogan nhắc lại các yêu cầu đó là nối lại đàm phán về việc miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn đến châu Âu, khởi động lại tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, tăng thêm hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, những yêu cầu trên không phải là mục đích chính của việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới cho di dân tràn vào châu Âu lần này.

Thực tế cho thấy khi gặp khó khăn với Nga tại Syria và Libya, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quay sang gây sức ép lên châu Âu bằng cách thả cửa cho hàng chục ngàn di dân ùa sang biên giới Hy Lạp. Lo ngại dòng người tị nạn từ Idlib đổ về biên giới, Tổng thống Erdogan đề nghị NATO và EU hỗ trợ quân sự, thiết lập vùng không phận an toàn nhưng không được đáp ứng. Bởi vì trong hồ sơ Syria, tiếng nói của châu Âu hầu như không còn có trọng lượng. Và trong thế đường cùng, ông Erdogan nghĩ rằng vấn đề di dân là công cụ hiệu quả nhất để có thể tạo ra một phản ứng nhanh chóng từ phía châu Âu.

Mọi việc bắt đầu từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho phép người tị nạn ùa về biên giới ở Hy Lạp, cửa ngõ vào châu Âu. Cảnh tượng hàng chục ngàn người tìm cách vượt qua rào chắn ở cửa khẩu hay vượt sông bị cảnh sát Hy Lạp và lực lượng Frontex của EU thô bạo đẩy lùi khiến nhiều tổ chức nhân đạo không khỏi lo lắng, lên tiếng chỉ trích là vô nhân đạo và bất hợp pháp.

Ngày 4-3, Tổng thống Erdogan nói với các đồng nhiệm châu Âu rằng chỉ có một giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng di dân là phải ủng hộ ông trong cuộc chiến chống các lực lượng của Tổng thống Bachar al-Assad tại Syria. Đây mới được cho là nguyên do thực sự. Còn những yêu cầu vừa được ông Erdogan nhắc lại ngày 11-3 chẳng qua là những đòi hỏi đã được Thổ Nhĩ Kỳ và EU bàn thảo từ sau khi cuộc nội chiến Syria nổ ra.

Một ngày trước khi đến Brussels, ông Erdogan còn có những lời lẽ thách thức châu Âu khi tuyên bố “Hy Lạp, hãy mở hết các cánh cổng đi! Những người này chỉ đi nhờ qua đây để đến các nước châu Âu khác (...) Hãy trút bỏ gánh nặng này đi!”. Một thông điệp không chỉ dành riêng cho lãnh đạo Hy Lạp mà toàn bộ khối EU.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels, ngày 9-3.

Những ngày qua, EU tuy chỉ trích mạnh mẽ nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng phải “cố gắng không làm mất lòng” ông Erdogan. Tại cuộc gặp ngày 9-3 ở Brussels, lãnh đạo EU không trả lời rõ yêu cầu của Ankara về Syria mà chỉ cam kết hỗ trợ 170 triệu euro để đối phó với tình hình nhân đạo bi thảm do các cuộc tấn công ở Idlib gây ra kể từ tháng 12-2019. Brussels cho biết rất có thể sẽ điều chỉnh lại thỏa thuận di dân ký kết với Ankara năm 2016 và dự kiến nhiều biện pháp hỗ trợ mới.

Tuy nhiên, EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đưa các di dân đang hiện diện ở biên giới với Hy Lạp đi nơi khác, coi đây là điều kiện tiên quyết nếu muốn nhận thêm sự giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng Syria. Bên cạnh đó, EU cho biết có thể sẽ tái thúc đẩy một số hứa hẹn đã đưa ra trước đó, trong đó có chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho người Thổ vào EU.

Sở dĩ có chuyện ông Erdogan trong tuyên bố ngày 11-3 không nhắc lại yêu cầu của ngày 4-3 mà lại gợi ra những đòi hỏi cũ vì ngày 6-3, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về Syria. Theo báo Le Monde của Pháp, việc Ankara dùng người tị nạn làm con tin gây áp lực buộc châu Âu ủng hộ trong cuộc chiến tại Syria gây bất bình và lo ngại, thực chất là Thổ Nhĩ Kỳ muốn tái thương lượng thỏa thuận ký với Brussels năm 2016 theo đó, Ankara chấp nhận kiềm giữ dòng người tị nạn chạy trốn chiến sự tại Syria, để đổi lấy một khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ euro.

Nhưng lại có một điều khoản đặc biệt rằng số tiền này được đổ cho những dự án cụ thể, được chi thẳng cho các tổ chức phi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, những tổ chức nào có những dự án hội nhập cho người tị nạn Syria. Thế nên, Chính phủ Thổ không nhận được một xu nào từ số tiền này. Hiện tại người ta ước tính gần 3 tỷ euro đã được chi trả và ông Erdogan muốn rằng phần còn lại phải trả cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Didier Billion, chuyên gia về thế giới Arab, Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) cho rằng: “Đúng là ông Erdogan đáng chê trách nhưng về mặt cơ bản, chúng ta phải hiểu là EU đã không làm tròn trọng trách của mình”. Ông Billion chỉ trích mạnh mẽ thái độ thụ động của các nhà lãnh đạo châu Âu. Một thái độ mà theo ông đã gây ra những tác động tiêu cực đối với uy tín của cả khối trên trường quốc tế trong nhiều hồ sơ lớn, nhất là tại Syria.

“Tôi thật sự nghĩ rằng đã quá trễ cho một giải pháp chính trị về cuộc xung đột ở Syria. EU đã bị mất uy tín. Chuỗi sai lầm do các nhà lãnh đạo tích tụ đặt chúng ta vào thế người xem. Chúng ta không thể nào gây áp lực cho bất kỳ một yếu tố nào mang tính thời sự. Bởi vì ở phía bên kia, đã có giải pháp chính trị và quân sự cho Syria. Và hệ quả gây ra chính là vấn đề người tị nạn. Vì thế ông Erdogan mới nghĩ rằng ông có thể gây áp lực với EU. Ông cho rằng không có lý do gì Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu hết mọi gánh nặng người tị nạn”.

Theo ông Billion, các lãnh đạo của châu Âu thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn. “Các nước thành viên EU lẽ ra đã phải dự trù trước những cơ chế cho phép chuẩn bị bước kế tiếp. Điều này giải thích vì sao Brussels xử lý lúng túng theo kiểu chắp vá. Chúng ta không thể nào biến châu Âu thành một pháo đài. Chúng ta hiểu rất rõ là nếu chúng ta có thể ngăn chặn ở chỗ này, thì họ sẽ tìm được lối khác để đi, qua ngả đường núi chẳng hạn. Trên thực tế, giải pháp không còn là chuyện an ninh nữa mà là vấn đề chính trị. Và, một lần nữa chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm”.

Trong cuộc khủng hoảng di dân lần này, EU chỉ còn cách duy nhất là gửi các nhóm binh lính biên phòng của cơ quan Frontex đến hỗ trợ các đồng nghiệp Hy Lạp, huy động các nguồn tài chính để trợ giúp Athens xử lý tình huống, gửi thêm lều trại và chăn màn để đáp ứng khẩn cấp nhân đạo, rồi mới có thể thiết lập một hệ thống xử lý khủng hoảng.

Dĩ nhiên, EU quan ngại nhưng theo Le Monde, đây là cơ hội để 27 nước thành viên EU thể thiện 4 điểm: đoàn kết, cứng rắn, thực tế và nhân đạo. Le Monde kết luận chưa bao giờ vì sự trường tồn của EU, tầm quan trọng trong việc chia sẻ người xin tị nạn và việc cần có một chiến lược chung về vấn đề di dân lại cấp thiết đến như vậy.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.