EU với “thỏa thuận xanh” chống biến đổi khí hậu
- Thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu
- Mỹ trở lại tuyến đầu chống biến đổi khí hậu
Gói đề xuất bao gồm hàng chục dự thảo luật nhằm siết chặt hơn nữa vấn đề ô nhiễm môi trường trong công nghiệp, đặt ra các mục tiêu cao hơn đối với năng lượng tái tạo và trồng 3 tỷ cây xanh, nhằm đảm bảo EU cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990. Để được đưa vào áp dụng trong thực tế thì gói pháp lý khổng lồ này phải được các bộ trưởng EU và thành viên Quốc hội châu Âu đồng ý.
EU công bố gói đề xuất trong cái gọi là “thỏa thuận xanh” trong bối cảnh các sự cố thiên tai đang diễn ra ngày càng gay gắt khắp nơi trên thế giới. Các đám cháy rừng lớn bùng phát ở Siberia và Thung lũng Chết ở California, ghi lại nhiệt độ có thể là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trên Trái đất. Bắc Mỹ cũng vừa trải qua một đợt nóng kỷ lục với nhiệt độ đo được rất cao, trên 42 độ C. Khối đã cam kết không còn thải khí carbon vào năm 2050 và việc đạt được mục tiêu tạm thời sẽ rất quan trọng để duy trì hành động đúng hướng. Frans Timmermans, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách “thỏa thuận xanh” của EU, cho biết: “Đây là thập niên “hành động hay là chết” trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu”.
Các sự cố môi trường ngày càng gay gắt trên khắp thế giới. |
Việc định giá carbon là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt gói đề xuất của EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cho biết việc phát thải khí CO2 phải có giá “khuyến khích người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà đổi mới lựa chọn công nghệ sạch”. Bà hứa rằng định giá CO2 sẽ đi kèm với đền bù xã hội để giúp những người cần nó nhất chi trả cho giao thông xanh hơn và nâng cấp hiệu quả năng lượng cho ngôi nhà của họ. Brussels cũng hy vọng sẽ loại bỏ hiệu quả động cơ đốt trong khỏi dây chuyền sản xuất xe hơi, với mục tiêu đến năm 2035 tất cả các loại ô tô mới đều không phát thải.
Một trong những ý tưởng gây tranh cãi nhất là đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu gây ô nhiễm, chẳng hạn như thép, nhôm và phân bón. “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” được đề xuất có nghĩa là các công ty nước ngoài trả tiền để bán các sản phẩm gây ô nhiễm vào EU - một nỗ lực nhằm bảo vệ các công ty châu Âu khỏi bị các đối thủ có quy định chặt chẽ cắt giảm.
Các quan chức EU tự tin rằng họ có thể tránh được rắc rối tại Tổ chức Thương mại Thế giới bởi vì theo họ, các công ty châu Âu phải chịu những ràng buộc tương đương. Các nhà máy công nghiệp bên trong EU sẽ phải đối mặt với các hạn chế chặt chẽ hơn về lượng khí thải theo hệ thống buôn bán khí thải của khối, với các khoản cho phép miễn phí sẽ bị loại bỏ dần vào năm 2030 hoặc muộn hơn.
Kế hoạch mua bán khí thải được đề xuất vào năm 2005. Nó cho phép các nhà máy phát điện và ngành công nghiệp nặng mua giấy phép phát thải các chất ô nhiễm nhưng với số lượng giảm dần. Các quan chức cho biết chương trình này đã cắt giảm 43% lượng khí thải trong các lĩnh vực này. Giờ đây, họ hy vọng sẽ sử dụng một kế hoạch tương tự trong thị trường tự do để giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải sự phản đối ngay cả trước khi các kế hoạch mới được đưa ra. Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu cho biết EU tạo ra một kế hoạch buôn bán khí thải cho các tòa nhà và phương tiện giao thông đường bộ là “hành động tự sát về mặt chính trị”. Ủy ban muốn các nhà cung cấp nhiên liệu cho các tòa nhà và phương tiện giao thông mua giấy phép ô nhiễm từ năm 2025, vì họ tin rằng các tín hiệu về giá cả sẽ làm giảm lượng khí thải hiệu quả hơn so với việc thiết lập tiêu chuẩn.
Các nhà vận động môi trường từ lâu đã cảnh báo rằng giới hạn và hệ thống thương mại cho các lĩnh vực này, chiếm hơn một nửa lượng khí thải của EU, có thể khiến hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng tăng cao, làm tăng thêm tình trạng nghèo năng lượng và các cuộc biểu tình của công chúng.
Ủy ban Môi trường EC cho biết có thể tránh được kết quả này, dựa trên quỹ khí hậu xã hội được đề xuất với 72,2 tỉ euro được trích từ ngân sách EU trong 7 năm. Quỹ khí hậu xã hội sẽ được sử dụng để cải thiện hiệu quả năng lượng trong các ngôi nhà và trợ giúp cho những người lái xe chuyển sang phương tiện “xanh”. Chính phủ các quốc gia sẽ được yêu cầu nộp vào quỹ và tổ chức các chương trình.
Các nhà lập pháp hy vọng sẽ mau chóng có được một thỏa về các luật vào năm 2022, trong bối cảnh có lời cảnh báo rằng sự chậm trễ sẽ khiến mục tiêu sẽ không thể đạt được vào cuối thập niên này. Chủ tịch Ủy ban Môi trường EC Canfin, người chịu trách nhiệm quản lý nhiều luật thông qua Nghị viện châu Âu cho biết: “Có một sự hiểu biết chung rằng chúng ta cần phải đi nhanh và không kéo chân chúng ta về các trường hợp khẩn cấp về khí hậu.
Martha Myers, nhà vận động giảm nghèo năng lượng cho tổ chức Friends of the Earth Europe, cho biết các đề xuất này “không phù hợp với việc chuyển đổi năng lượng công bằng mà người dân đang rất cần”. Bà nói thêm: “Động thái nhằm mở rộng hoạt động buôn bán khí thải cho các tòa nhà cho thấy sự thiếu đoàn kết. Nó ném những người có thu nhập thấp vào vòng xoáy giá năng lượng cao trong khi chỉ cung cấp một chiếc phao bơi để hỗ trợ giảm nghèo về năng lượng”.