El Salvador: Lực lượng cánh tả lên nắm quyền
Funes sẽ nhậm chức vào ngày 1/6 tới, trở thành lãnh đạo mới, trẻ, có tri thức và năng lực của phong trào du kích kháng chiến El Salvador. Ông sẽ đưa El Salvador gia nhập hàng ngũ các nước thiên tả ở khu vực Mỹ Latinh.
Năm nay 50 tuổi, ông Mauricio Funes sinh ra và lớn lên ở thủ đô San Salvador, là chính khách thế hệ mới của phong trào FMLN, xuất thân từ giới trí thức và chưa từng trực tiếp tham gia cầm súng trong cuộc nội chiến trước đây.
Trước khi tham gia FMLN và hoạt động chính trị, Funes theo nghề báo sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Đại học Trung Mỹ Jose Simeon Canas. Ông làm bình luận viên và dẫn chương trình cho các kênh truyền hình nổi tiếng ở San Salvador như kênh 12 Truyền hình El Salvador và kênh CNN tiếng Tây Ban Nha.
Ông Mauricio Funes và nữ Phó Tổng thống Sanchez Ceren. |
Nhờ công việc này mà Funes có nhiều cơ hội đóng góp tích cực cho các lực lượng du kích kháng chiến El Salvador trong cuộc nội chiến kéo dài suốt thập niên 80 của thế kỷ XX. Đó là những đóng góp về mặt tuyên truyền như thực hiện các chương trình tin tức địa phương bất lợi cho chính quyền độc tài Roberto d'Aubuisson nhưng có lợi cho các lực lượng kháng chiến do FMLN lãnh đạo.
Ngoài ra, Funes cũng tổ chức các cuộc phỏng vấn các lãnh đạo kháng chiến El Salvador nhằm tuyên truyền kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng đối với lực lượng kháng chiến.
Một chi tiết trong gia đình Funes tiết lộ rằng, ban đầu, ông chưa mấy thân thiện với phong trào kháng chiến FMLN, nhưng kể từ sau khi em trai ông bị giết bởi các lực lượng "biệt đội thần chết" của tướng d'Aubuisson, Funes đã thay đổi và nghiêng hẳn về phe kháng chiến.
Sau khi nội chiến kết thúc, Funes bắt đầu tham gia hoạt động nhiều hơn trong hàng ngũ FMLN, nhưng có một điều đáng ngạc nhiên là ông chưa bao giờ được giao giữ các trọng trách cao cấp trong đảng. Địa vị duy nhất người ta biết về ông là một nhà báo truyền hình ủng hộ kháng chiến, và chấm hết.
Đùng một cái, tháng 9/2007, Funes bỗng được đề cử ra tranh cử tổng thống năm 2009 cùng với ứng cử viên đảng ARENA là Rodrigo Avila. Từ đây, Funes bắt đầu có những động thái chính trị mang tính quốc tế qua những chuyến công du đến các nước thiên tả trong khu vực, đặc biệt là Venezuela và Brazil - 2 biểu tượng thiên tả mới trong khu vực.
Xin mở ngoặc nói thêm, phu nhân của ông Funes là một phụ nữ Brazil, bác sĩ Vanda Pignato, thành viên đảng Công nhân của đương kim Tổng thống Brazil Luis Inacio Lula da Silva. Phải chăng chiến lược tranh cử sai lầm của đảng ARENA cùng với gốc gác thiên tả của bà Pignato đã góp phần vào chiến thắng của ông Funes?
Nhìn lại lịch sử El Salvador để thấy rằng chiến thắng hôm 15/3 của ông có ý nghĩa lịch sử quan trọng đánh dấu một trang sử mới đầy lạc quan đang mở ra ở El Salvador.
Suốt nhiều thập niên qua, nông dân và dân lao động nghèo El Salvador là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng ARENA - một đảng thân Mỹ và chỉ đại diện cho lợi ích giới nhà giàu - nhưng họ không có được quyền đấu tranh cho lợi ích của mình, tiếng nói của họ không được ai lắng nghe.
Tháng 5/1980, đảng FMLN được hình thành trên cơ sở 4 tổ chức kháng chiến tách ra từ đảng Cộng sản El Salvador do nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất Farabundo Marti sáng lập năm 1930. Tháng 9/1981, đến lượt đảng ARENA ra đời, do tướng Roberto d'Aubuisson sáng lập.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 1982, d'Aubuisson bắt đầu triển khai các chính sách cai trị độc tài bằng việc lập ra các "biệt đội thần chết" để trấn áp, thủ tiêu các đảng viên Cộng sản và lực lượng cánh tả đấu tranh cho quyền lợi dân nghèo và bất cứ ai chống đối chế độ của ông ta. Các "biệt đội thần chết" đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của dân chúng El Salvador.
Cuộc nội chiến do FMLN phát động chống lại chế độ độc tài d'Aubuisson bùng phát và đạt đỉnh điểm vào giữa thập niên 80 thế kỷ XX và kết thúc vào năm 1990, cùng lúc với Chiến tranh lạnh, mang một ý nghĩa lịch sử lớn lao: Đó còn là cuộc đối đầu giữa một bên là FMLN do Liên Xô... ủng hộ với bên kia là tướng d'Aubuisson và đảng ARENA do Mỹ hậu thuẫn. Tổng cộng có khoảng 75.000 người bị giết chết, phần nhiều trong số họ là nạn nhân của những "biệt đội thần chết" của tướng d'Aubuisson...
Với việc trao cho ông Funes chiến thắng hôm 15/3, nhân dân El Salvador mong muốn đoạn tuyệt với những chính sách thị trường tư bản chủ nghĩa đầy bất công, và với mong muốn làm thay đổi bộ mặt xã hội đang ngày càng xuống cấp do tình trạng mất an ninh xã hội, nhất là tình trạng hoành hành của các băng nhóm tội phạm có tổ chức từ miền Tây và Nam nước Mỹ tràn về.
Khẳng định sự ủng hộ đối với phong trào FMLN do ông Funes lãnh đạo, nhân dân El Salvador đã đặt niềm tin và hy vọng vào đường lối đổi mới mà ông và đảng FMLN của ông hứa sẽ mang lại. Đó chính là nguyên nhân giúp FMLN đã giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 1/2009, chiếm 35/84 ghế.
Với chiến thắng này, FMLN đã có được bước tiến quan trọng sau gần 3 thập niên đấu tranh cả ôn hòa lẫn vũ trang, và nó cũng chấm dứt sự lãnh đạo của lực lượng cực hữu. Đồng thời chiến thắng này còn khẳng định một xu thế thiên tả không thể thay đổi trong đời sống chính trị khu vực Mỹ Latinh: El Salvador là 1 trong 2 đồng minh cuối cùng của Mỹ trong khu vực Trung Mỹ.
Ngày 18/3, ngay sau khi giành chiến thắng, Tổng thống đắc cử Funes đã tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau nhiều thập niên gián đoạn. Cùng với những động thái thể hiện sự đoàn kết với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, động thái mới này của ông Funes đã góp phần tô thêm một vệt màu "thiên tả" cho bức tranh chính trị khu vực Mỹ Latinh