Ethiopia chìm sâu trong cuộc xung đột kép
- Ethiopia: Xung đột sắc tộc dẫn tới bạo lực trường học
- Abiy Ahmed người kiến tạo hoà bình cho Ethiopia
Liên tục trong những ngày gần đây, một loạt vụ tấn công bằng dao và súng đã xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước Ethiopia. Điển hình nhất là các vụ tấn công hôm 23-12 vừa qua với hơn 100 người bị sát hại. Nhân chứng kể lại, những tay súng vũ trang bất ngờ ập đến vào sáng sớm và gây ra vụ tấn công ở thị trấn Metekel, thuộc vùng Benishangul-Gumuz, phía Tây Ethiopia. Hãng tin Reuters cho biết, vụ tấn công xảy ra một ngày sau chuyến thăm của Thủ tướng Abiy Ahmed và Tham mưu trưởng Birhanu Jula tới vùng này.
Tại chuyến thăm đó, Thủ tướng Abiy Ahmed đã kêu gọi “đoạn kết dân tộc”. Trước vụ tấn công này, một vụ đánh bom xe buýt trên tuyến đường từ Wonbera đi Chagni cũng thuộc vùng Benishangul-Gumuz, làm 34 người chết và nhiều người bị thương hôm 14-11.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. |
Ethiopia được phân chia thành nhiều vùng khác nhau trên cơ sở sắc tộc. Và căng thẳng sắc tộc là một thách thức lớn khi ông Abiy Ahmed cố gắng thúc đẩy đoàn kết dân tộc ở một quốc gia có hơn 80 dân tộc khác nhau. Ngay cả trước khi cuộc xung đột vũ trang ở Tigray nổ ra, chính phủ của ông đã phải vật lộn với tình trạng mất an ninh gia tăng ở nhiều nơi trên cả nước. Bạo lực giữa các nhóm sắc tộc chủ yếu xuất phát từ việc tranh giành đất đai và các nguồn tài nguyên khác. Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), bạo lực đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi ông Abiy Ahmed lên nắm quyền vào năm 2018.
“Mong muốn của kẻ thù nhằm chia Ethiopia theo các dòng tộc và tôn giáo vẫn tồn tại. Mong muốn này sẽ vẫn chưa được thực hiện”, Abiy đã viết như thế trên Twitter cùng những bức ảnh về các cuộc họp của ông ngày hôm đó ở thị trấn Metekel. Ông cho biết các cư dân đã lên tiếng mong muốn hòa bình và mong muốn này lấn át mọi sự cố tình gây chia rẽ.
Nhưng, người dân Ethiopia không chỉ là nạn nhân của các vụ tấn công sắc tộc nêu trên mà còn phải hứng chịu những cuộc giao tranh quân sự giữa quân đội chính phủ với quân đội của đảng cầm quyền tại vùng Tigray là Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF). Hàng trăm người dân thường cũng đã bị thiệt mạng oan uổng trong hơn 1 tháng giao tranh. Cơ quan nhân đạo của LHQ đã thống kê có khoảng 50.000 người Tigray chạy tị nạn sang nước láng giềng Sudan, tạo ra một tình trạng bất ổn ở khu vực biên giới 2 nước. Đảng TPLF đã bị đánh bật ra khỏi thủ phủ Mekelle của vùng Tigray, nhưng xung đột vẫn chưa thể kết thúc như tuyên bố của Thủ tướng Abiy Ahmed.
Cảnh điêu tàn do chiến sự ở Tigray. |
Đặc biệt, đụng độ bạo lực giờ đây không chỉ giới hạn giữa quân đội chính phủ và lực lượng TPLF mà đã bắt đầu diễn ra giữ quân đội với thường dân. Đầu tháng 12-2020, truyền hình nhà nước Ethiopia đã đưa hình ảnh các cuộc đụng độ giữa quân đội với dân thường ở thị trấn Shire, phía Bắc Tigray, gây sửng sốt cho khán giả cả nước. Báo The Guardian dẫn nguồn nhân chứng địa phương cho biết, đa số người dân trong vùng Tigray hiện vẫn có tình cảm tốt dành cho TPLF.
Đáng chú ý, các vụ tấn công không chỉ dừng lại ở xung đột nội bộ Ethiopia mà còn có sự tham gia của quân đội Eritrea từ phương Bắc. Theo thống kê của LHQ, Tigray hiện đang chứa khoảng 100.000 người tị nạn từ Eritrea chạy sang Tigrsay vì nhiều lý do, có cả lý do nhân đạo và quân sự. Từ khi xung đột vũ trang xảy ra giữa TPLF với quân đội Chính phủ Ethiopia sau lệnh phát động của Thủ tướng Abiy Ahmed ngày 4-11, các nhân chứng ở Tigray cho biết, số người chết vì bạo lực phức tạp tại Tigray có thể đã lên đến hàng nghìn người nhưng không được thống kê đầy đủ hoặc bị bỏ sót. Ngoài ra, trong số gần 50.000 người tị nạn sang Sudan ngoài người Ethiopia còn có hàng ngàn người Eritrea. Vì thế nhóm này cũng bị pháo và tên lửa từ Eritrea truy sát sang tận Sudan.
Nhân viên nhân đạo quốc tế cho biết từ gần 2 tháng qua, hàng nghìn binh sĩ Eritrea từ bên kia biên giới đã tràn sang Tigray, tại các thị trấn Zalambessa, Rama, Badme và tham gia vào các hoạt động bạo lực vũ trang. Mục tiêu chủ yếu của lính Eritrea là người Eritrea tị nạn. Họ truy lùng, bắt bớ những người tị nạn và xua đuổi quay trở về Eritrea; số khác chống đối thì bị giết chết.
Đầu tháng 12, cựu Tổng thống của Tigray Debretsion Gebremichael đã cáo buộc lực lượng Eritrean cướp bóc hàng loạt. Ông cho biết trước đó lực lượng quân sự Tigray đã chiến đấu chống đỡ các sư đoàn quân đội Eritrea trên một số mặt trận. Các cuộc đấu pháo, tên lửa qua lại đã diễn ra giữa lực lượng Tigray và quân đội Eritrea gây ra một số thương vong. Nhiều ý kiến cáo buộc có sự cấu kết, phối hợp giữa quân đội 2 nước Ethiopia và Eritrea tấn công vào Tigray. Nhiều nhân chứng, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Eritrea Mesfin Hagos cho báo chí biết binh sĩ Eritrea đã hầu như dẫn dắt các hoạt động quân sự của Ethiopia tại Tigray, khiến cho người dân Tigray phẫn nộ và đụng độ với quân đội.
Tình hình xung đột sắc tộc và bạo lực quân sự tại Ethiopia đã gây quân tâm trong dư luận quốc tế thời gian qua. Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Abiy Ahmed kiềm chế các hành động quân sự và bảo đảm không để chiến sự lan rộng ra các khu vực xung quanh, gây bất ổn chung trong vùng Sừng châu Phi. Điều đó sẽ là một thách thức đối với Thủ tướng Abiy Ahmed, trong khi ông cũng cần phải đối mặt với tình trạng xung đột sắc tộc phức tạp trong nước.