Già néo liệu có… đứt dây?

Thứ Tư, 07/11/2018, 16:09
Từ 0 giờ ngày 5-11, gói trừng phạt thứ hai của Mỹ với Iran chính thức có hiệu lực. Khi đánh thẳng vào túi tiền của Iran, chính quyền Mỹ muốn thông qua gói trừng phạt này để buộc chính quyền Tehran phải chấp nhận đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Theo đánh giá của đa số giới chuyên gia quốc tế, mong muốn buộc Iran khuất phục của Washington khó lòng đạt kết quả vì hiện nay Iran có rất nhiều sự hậu thuẫn và không đơn độc như trước nữa.

Trong suốt thời gian qua, Mỹ đã nhiều lần hăm dọa Iran và các đối tác đang làm ăn với Iran về gói trừng phạt thứ hai. Lời đe dọa này quả thực phát huy tác dụng khi hàng loạt tập đoàn lớn rút khỏi thị trường Iran.

3 ngày trước khi gói trừng phạt thứ hai có hiệu lực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Lệnh trừng phạt lần này có một mục đích rõ ràng: không cho thế lực số 1 ủng hộ khủng bố cấp thế giới làm những chuyện mà họ đã làm”.

Người dân Tehran xuống đường phản đối Mỹ và Israel, ngày 4-11.

Ông Pompeo cho đây là đòn chí mạng nhằm buộc chính quyền Tehran phải xuống thang xin thỏa mãn các điều kiện của Washington. Theo Ngoại trưởng Pompeo, các trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào lĩnh vực năng lượng, nhất là dầu lửa xuất khẩu của Iran, mà Washington muốn giảm xuống gần như bằng 0 và các lĩnh vực ngân hàng, đóng tàu, vận tải biển. Tổng cộng có 700 cá nhân và định chế sẽ bị cho vào danh sách đen của Mỹ, gồm 400 người hoặc tổ chức đã được rút khỏi danh sách sau khi ký hiệp ước nguyên tử và 300 mới thêm vào.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết các định chế tài chính Iran bị trừng phạt sẽ không còn được tham gia hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT, trừ các hoạt động nhân đạo.

Ngoại trưởng Mỹ xác nhận là có 8 nước được đặc miễn, tiếp tục mua dầu hỏa của Iran trong một thời gian trước khi hoàn toàn ngưng hẳn mọi thương vụ với Tehran. Tuy nhiên, ông Pompeo từ chối cho biết danh sách các nước được tạm miễn trừ trừng phạt. Có tin là trong danh sách này có Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí cả Trung Quốc nhưng không có Liên minh châu Âu.

Trong khi nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa, thuộc phe của Ngoại trưởng, muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn. Nhất là trong lĩnh vực ngân hàng thì ông Pompeo cho rằng các quyết định đầu tiên của Mỹ, tạm thời, đã đủ mạnh để dồn Iran vào chân tường.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng, loạt cấm vận này sẽ là đòn quyết định khiến Tehran phải lùi bước, ngồi vào đàm phán theo điều kiện của Washington, như đã làm thành công với Triều Tiên. Hôm 24-10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gióng tiếng trên mạng xã hội về 12 điều kiện của Mỹ cho một “thỏa thuận tổng thể” với Iran, trong đó có nhiều ràng buộc cứng rắn về chương trình hạt nhân Iran đã được thông qua trong thỏa thuận ký năm 2015. Nhưng, những người ủng hộ thỏa thuận cũng như các bên kí kết khác trong thỏa thuận - Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu - đã kịch liệt bảo vệ nó.

Gói trừng phạt ngành dầu mỏ và ngân hàng của Mỹ với Iran bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-11.

Châu Âu đã ra sức cứu vãn thỏa thuận này mà không có Mỹ, lo ngại rằng các chế tài mới sẽ khiến Iran thoái lui và tiếp tục hoạt động phát triển hạt nhân của họ. Trên thế giới, chỉ duy nhất Israel công khai ủng hộ gói trừng phạt Iran của Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ phải hối hận vì đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Bất chấp việc trừng phạt của Mỹ, chúng tôi đã, đang và sẽ chứng minh bằng hành động thực tế cho thế giới thấy rằng Iran luôn giữ lời và thực hiện mọi cam kết của mình trong tất cả các thỏa ước quốc tế. Mục đích chính của ông Trump là tạo chiến tranh tâm lý để gieo rắc vào nhân dân Iran mối nghi ngờ về đường lối chính trị mà nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang theo đuổi”.

Hoàn cảnh bây giờ đã khác so với thời điểm 2012, khi chính quyền Barack Obama áp đặt các trừng phạt mà giờ đây chính quyền ông Trump đang khôi phục. Vào thời điểm từ 2010 đến 2015, đại đa số các nước đều đồng tâm ủng hộ các biện pháp trừng phạt Tehran để ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran. Hoa Kỳ khi đó đang có Barack Obama, một vị tổng thống đầy thiện cảm trên trường quốc tế. Còn Iran khi đó nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một người cực kỳ bảo thủ, thường xuyên có những ngôn từ cực đoan, thách thức phương Tây.

Giờ đây, trước một chính quyền Donald Trump thường xuyên có những quyết định đơn phương gây sốc, Iran được coi như là một quốc gia có trách nhiệm từ sau khi ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Ở thế giới năm 2018, người ta đã thấy Nga và Iran liên hệ chặt chẽ thế nào trên cương vị là đồng minh bảo vệ Syria. Trung Quốc cũng đang là mục tiêu tấn công của Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Trong vùng Trung Đông, Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ có khả năng quy tụ các nước Arab chống lại Iran, giờ ảnh hưởng cũng đang suy yếu nhiều từ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Để tránh kết cục tai hại nếu Tehran bị dồn đến chân tường và rút khỏi thỏa thuận 2015, các nước trong Liên minh châu Âu đang nghiên cứu các cơ chế nhằm duy trì buôn bán với Iran. Ngày 2-11, giới lãnh đạo EU đã thiết lập một số “rào chắn” nhằm bảo vệ các công ty của châu Âu khỏi bị tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao của các nước châu Âu đã tái khẳng định cam kết của mình với Kế hoạch hành động toàn diện chung (IFAP) và mong muốn duy trì các kênh tài chính hiệu quả với Iran, cũng như tiếp tục ủng hộ Iran xuất khẩu dầu và khí đốt.

Các bên cũng tuyên bố rằng cơ chế mục tiêu đặc biệt (SPV) sẽ được chính thức ra mắt trong những ngày tới. Trước đó, Anh, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nga và Iran, theo một cuộc họp cấp bộ trưởng bên lề các hoạt động tại Liên Hiệp Quốc, cho biết, EU sẽ tạo ra một cơ chế tài chính đặc biệt SPV trong thanh toán quốc tế với Iran để lách qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Chuyên gia Ali Vaez, khẳng định: “Tổng thống Trump dường như muốn có một thỏa thuận tổng thể với Iran, có lợi hơn cho Mỹ, nhưng tôi có cảm giác, ê-kíp an ninh quốc gia của ông Trump đang tìm cách làm mất ổn định hơn nữa Iran, hoặc dẫn đến thay đổi chế độ Tehran”.

Nếu như dưới thời ông Barack Obama, các trừng phạt nhằm mục tiêu và đã đạt được là đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng các điều kiện hiện tại của chính quyền Trump dùng đòn bẩy là trừng phạt dường như nhằm tới mục tiêu buộc chính quyền Tehran phải quy hàng. Một điều không bao giờ nước Cộng hòa Hồi giáo dưới sự dẫn dắt tinh thần của Giáo chủ Khamenei chấp nhận.

M.T. (tổng hợp)
.
.