Giải pháp cho nạn bạo hành phụ nữ

Thứ Sáu, 08/03/2019, 10:40
Trên thế giới, gần 1/3 phụ nữ thừa nhận từng chịu đựng bạo hành tình dục hoặc thể xác do bạn tình gây ra. Bạo hành do bạn tình gây ra còn trầm trọng hơn ở những quốc gia đang có xung đột hoặc đang hồi phục sau chiến tranh.


Bạo hành ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý phụ nữ

Trong khu cấp cứu bệnh viện với ánh đèn mờ nhạt, bác sĩ Prabhat Rijal tiếp nhận chữa trị một nữ bệnh nhân với cơ thể đầy vết thâm tím. Mỗi đêm, các bác sĩ ở Bệnh viện Tiểu vùng Rapti ở Ghorari miền Tây Nepal tiếp nhận ít nhất một ca nạn nhân bị bạo hành như thế. Nạn nhân thường đến khi trời chập tối, lúc những gã đàn ông bạo hành đi làm về và bắt đầu nhậu nhẹt. 

Nhóm chuyên gia làm việc tại trung tâm quản trị khủng hoảng gồm y tá Punam Rawat, chuyên viên tư vấn Radha Paudel và sĩ quan cảnh sát Sabita Thapa.

Nạn nhân thường đến bệnh viện trong tình trạng ôm bụng kêu đau hoặc khai bị đau tai, nhưng khi các y tá và bác sĩ phát hiện dấu vết bầm tím hoặc vết cắt trên cơ thể họ thì câu chuyện hoàn toàn khác được phơi bày. Do nghi ngờ có điều gì đó bất thường, bác sĩ Rijal yêu cầu nữ bệnh nhân kể lại chuyện gì đã xảy ra. Chị cho biết đã bỏ chạy khỏi nhà sau khi bị chồng đánh đập. Tóc chị vẫn còn bết mồ hôi. Sau đó, nữ bệnh nhân được Rijai và một y tá đưa vào căn phòng riêng và đóng cửa lại, trò chuyện.

Cuối cùng, y tá dẫn nữ bệnh nhân đến khu trung tâm xử lý khủng hoảng nằm bên cạnh bệnh viện – đó là nơi các nạn nhân bị bạo hành tiếp xúc với chuyên gia tư vấn và một nữ cảnh sát. Tình trạng bạo hành do bạn tình gây ra thường gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe nạn nhân. Phòng khám của bác sĩ thường là nơi đầu tiên, nếu không muốn nói là nơi duy nhất, có đội ngũ nhân viên không chỉ chú ý đến vấn đề mà còn được đào tạo chuyên môn cũng như có thẩm quyền để giúp đỡ nạn nhân. 

Trên thế giới hiện nay, rất nhiều chính quyền không chủ động can thiệp trong môi trường bệnh viện. Tuy nhiên, Nepal – nơi có tỷ lệ bạo hành trong gia đình ở mức cao nhất - là một trong số những quốc gia theo đuổi chính sách cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay trong bệnh viện, huấn luyện nhân viên để phát hiện đồng thời tư vấn cho nạn nhân bị bạo hành. Mặc dù bạo hành trong gia đình có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng phụ nữ thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều.

Bác sĩ Prabhat Rijal thường xuyên xác định các trường hợp bị bạo hành gia đình và giới thiệu họ đến trung tâm xử lý khủng hoảng.

Ví dụ, 1/3 dân số phụ nữ ở Đan Mạch và gần 30% phụ nữ ở Anh quốc cho biết từng bị bạo hành bởi bạn đời ít nhất một lần trong đời. Tại Mỹ, trong năm 2017 có đến 32% phụ nữ từng chịu đựng bạo hành thể xác và 16% bị bạo hành tình dục do bạn đời gây ra. Bạo lực tác động tiêu cực vô cùng lớn đến sức khỏe phụ nữ. Ở Mỹ, bạo hành do bạn đời gây ra dẫn đến 2 triệu ca chấn thương mỗi năm, khiến đây là vấn đề y tế nghiêm trọng hơn cả béo phì và hút thuốc lá. Phụ nữ từng bị bạn tình bạo hành có nguy cơ muốn tự tử cao hơn, dễ bị trầm cảm, lo âu, hoảng loạn cũng như hội chứng rối loạn stress sau chấn thương.

Ở Mỹ, phụ nữ bị bạo hành thường đến bệnh viện nhiều gấp 2,5 lần so với những bệnh nhân khác. Do 40% nạn nhân nữ trong các vụ giết người bị bạn tình sát hại, nên việc can thiệp kịp thời ở giai đoạn này có thể cứu mạng họ. Nghiên cứu được tiến hành trong 5 năm đối với 139 vụ giết người mà nạn nhân là phụ nữ ở thành phố Kansas cho thấy gần 1/4 số vụ có liên quan đến bạo hành trong gia đình.

Một khảo sát gần đây tiến hành đối với 1.554 nạn nhân được cảnh sát đến can thiệp kịp thời sau khi nhận được cuộc gọi cho thấy 88% trường hợp may mắn sống sót. Tuy nhiên, nhân viên y tế thường không được chuẩn bị trước để hỗ trợ bệnh nhân. Kelsey Hegarty - bác sĩ gia đình đồng thời là nhà nghiên cứu Australia cho rằng việc đào tạo cho nhân viên y tế để giúp họ biết cách xác định và hướng dẫn bệnh nhân bị bạo hành là việc còn phụ thuộc vào tình trạng ngân quỹ của quốc gia đó dành cho y tế. 

Chính phủ không thể đòi hỏi các cơ quan hoạt động bằng nguồn vốn tư nhân phải huấn luyện nhân viên của họ phương pháp phản ứng trước nạn bạo hành gia đình, và rất nhiều chính phủ không hề tài trợ phương thức và chương trình huấn luyện. Kết quả là, các nhóm xã hội dân sự thường phải đảm nhiệm vai trò phát triển khoa can thiệp điều trị nạn nhân bạo hành và dịch vụ nội trú trong bệnh viện.

Giải pháp của Nepal

Trong Trung tâm xử lý khủng hoảng tại bệnh viện ở Ghorahi, Maya cuộn mình trong chiếc giường xếp màu xanh. Bên cạnh Maya là chuyên gia tư vấn Radha Paudel chăm chú quan sát hàng loạt vết bầm tím chạy dọc cánh tay cô. Trên chiếc gối là tờ giấy liệt kê các triệu chứng như đau đầu, tụ máu trên cánh tay phải, vết sưng trên đầu, vết đau ở ngực và phần trên và dưới lưng. 

Maya, 34 tuổi, nằm đợi trong phòng khám trong trung tâm xử lý khủng hoảng với mẹ và người láng giềng.

Radha nói khẽ: “Trước đó Maya từng vào bệnh viện cùng với người chồng”. Vài tháng trước, Maya đã khiếu nại về chồng mình. Anh ta sau đó bị bắt giam thời gian ngắn, và sau đó Maya nộp đơn ly hôn với sự giúp đỡ của viên cảnh sát Sabita Thapa – người hiện đang làm việc toàn thời gian tại trung tâm xử lý khủng hoảng. Radha kết nối Maya với một nhóm phụ nữ tại địa phương để giúp cô tìm được nguồn thu nhập độc lập và ổn định. Hoàn cảnh của Maya cho thấy cách phản ứng của dịch vụ y tế Nepal dù chưa hoàn hảo nhưng đã có tiến bộ. Dù Maya vẫn bị bạo hành, nhưng trung tâm đã giúp cô tiếp cận nhiều dịch vụ.

Nepal mở cửa trung tâm xử lý khủng hoảng đầu tiên ở nước này vào năm 2011, ở vùng viễn tây và miền trung, và sau đó tiếp tục mở thêm các trung tâm khác trong mạng lưới bệnh viện cả nước. Năm 2015, Chính phủ Nepal phát triển một phương thức giúp nhân viên y tế xác định và hướng dẫn nhiều bệnh nhân đến trung tâm xử lý khủng hoảng hơn. 

Các trung tâm này được Jhiego - tổ chức phi chính phủ quốc tế về sức khỏe phối hợp với Đại học John Hopkins và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) - hỗ trợ kỹ thuật và hiện đang được chính phủ tài trợ. Tại bệnh viện Ghorahi, các chuyên gia tin rằng trung tâm đã giúp đỡ ngày càng nhiều phụ nữ trình báo tình trạng bạo hành để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý. Năm 2013, chỉ có 47 phụ nữ trình báo bị bạo hành trong bệnh viện. Đến năm 2017, con số này tăng đến 493 người.

Tuy hầu hết phụ nữ tự đến bệnh viện trình báo việc họ bị bạo hành, nhưng mỗi năm số lượng các ca được bác sĩ và y tá giới thiệu đến gặp chuyên gia tư vấn đều tăng lên. Ở Nepal, các chương trình huấn luyện ngày nay rất toàn diện. Quy trình gồm có sự phối hợp giữa lý thuyết, trò chơi và các kịch bản phân vai, bao gồm cả giả lập tòa án nhằm giúp nhân viên y tế sẵn sàng đón nhận những gì sẽ xảy đến nếu họ được tòa yêu cầu trình bày bằng chứng. Quy trình còn có một mục tiêu khác nữa là tăng cường sự cảm thông. Nhân viên y tế được khuyến khích nhận diện và đặt nghi vấn với định kiến mà họ có thể có về vấn đề bạo hành.

Jinan Usta, nữ bác sĩ xây dựng chương trình tập huấn cho nhân viên y tế ở Liban.

Hiện nay, các quốc gia khác cũng có cách tiếp cận tương tự. Mô hình xử lý khủng hoảng cung cấp dịch vụ toàn diện tương tự như ở Nepal đã có mặt tại trung tâm chăm sóc sức khỏe nhiều nước như Rwanda, Guatemala, Ấn Độ, Anh, Malaysia, Nam Phi và Colombia… Chính phủ Jordan có quy định cho phép bệnh viện và các phòng khám sức khỏe sinh sản - giống như cơ quan chăm sóc sức khỏe sinh sản Profamilia ở Cộng hòa Dominica - khảo sát bệnh nhân để phát hiện các trường hợp bạo hành liên quan đến giới tính. 

Nhưng cách tiếp cận này vẫn đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Các chuyên gia đồng ý rằng có lẽ chỉ huấn luyện nhân viên y tế vẫn là chưa đủ trừ khi quốc gia đó có hệ thống dịch vụ hỗ trợ mạnh mẽ, bao gồm cả nhà trú ẩn. Nhưng ở Nepal, cũng như nhiều quốc gia khác, nhà trú ẩn luôn thiếu ngân quỹ nên chỉ cho phép nạn nhân bạo hành gia đình được ở trong thời gian ngắn, đó là chưa kể nhà trú ẩn ở vùng nông thôn là thứ rất hiếm hoi.

Sự hỗ trợ tư vấn và hoà giải

Tại bệnh viện ở Ghorahi, vẫn còn nhiều chậm trễ trong việc theo dõi nạn nhân, và điều này có thể dẫn đến việc nạn nhân trở nên nghi ngại khi tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ. Rất nhiều phụ nữ chọn cách tư vấn gia đình thay vì gửi đơn khiếu nại lên cảnh sát tố cáo chồng mình, vì họ không được sự ủng hộ từ gia đình và không được hỗ trợ tài chính. Cảnh sát ở Nepal thường kêu gọi hòa giải thay vì tố cáo, nhưng nghiên cứu ở Mỹ cho thấy cách làm này có thể tăng nguy cơ. 

Jhiego - tổ chức phi chính phủ quốc tế về sức khỏe phối hợp với Đại học John Hopkins và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA).

Trên toàn thế giới, tỷ lệ nhân viên y tế bị kiệt sức khi làm công việc này cũng rất cao, Upala Devi, điều phối viên của UNFPA về bạo hành liên quan đến giới tính cho biết: “Tôi nghĩ thứ mà ta đang thấy hiện thời có đà tiến triển rất tích cực và đáng mừng. Nhưng đồng thời cũng còn rất nhiều việc phải làm”. Nhân viên y tế không được huấn luyện sẽ giúp đỡ nạn nhân ra sao? Các chuyên gia đồng tình rằng nhân viên y tế không được huấn luyện vẫn có thể giúp xác định và chỉ dẫn bệnh nhân bị bạo hành.

Hegarty chỉ có một lời khuyên: đó là hãy đọc Hướng dẫn của WHO về phản ứng với hành vi bạo lực giới tính, trong đó có các chỉ dẫn về cách liệt kê bằng chứng. Điểm quan trọng nhất trong bản hướng dẫn có ghi chú nhiều điều mà nhân viên y tế nên cân nhắc trước khi hỏi một bệnh nhân xem họ có bị bạo hành không - chẳng hạn như đảm bảo rằng cả hai đang ở nơi kín đáo, đảm bảo sự bảo mật, theo sát quy trình và hướng dẫn nạn nhân tiếp cận các nguồn giúp đỡ, gồm các dịch vụ hỗ trợ và pháp lý. Lý tưởng là, nhân viên y tế nên được huấn luyện cách đặt câu hỏi nhạy cảm về bạo hành. Nhưng trong tình huống không thể có tập huấn, bản chỉ dẫn cũng giải thích cách lắng nghe, hỏi thăm nhu cầu, và xác thực những điều xảy ra với nạn nhân.

Ở Nepal, nhân viên y tế sẽ theo dõi nạn nhân vào viện với những triệu chứng mơ hồ hoặc triệu chứng không liên quan gì đến kết quả khi khám bệnh. Họ cũng quan sát hành vi của nạn nhân và những người đi cùng. Nếu bệnh nhân có vẻ trầm cảm hoặc trả lời câu hỏi với vẻ bất thường, nhân viên y tế sẽ xem xét có nên hỏi họ về quan hệ tình cảm hoặc giới thiệu họ đến một tư vấn viên có trình độ hay không, Pande giải thích. Nếu thành viên gia đình hay người chồng đi cùng bệnh nhân từ chối không cho cô gặp riêng nhân viên y tế, đây có thể là dấu hiệu cho thấy có bạo hành.

Jinan Usta, nữ bác sĩ thiết kế chương trình tập huấn cho nhân viên y tế ở Liban, cho rằng điều quan trọng là phải phát triển được kế hoạch đảm bảo an toàn cho nạn nhân nếu họ tiếp tục chung sống với kẻ bạo hành.

An An (tổng hợp)
.
.