Giải pháp nào cho xung đột Trung - Ấn?
Có thể gọi đó là vụ xô sát lớn nhất trong gần 60 năm qua, xảy ra vào chiều tối 15-6. Cuộc đụng độ, hay nói chính xác hơn là va chạm giữa binh sĩ hai bên xảy ra không có tiếng súng, vì binh sĩ hai bên không mang súng khi đi tuần tra, theo một thỏa thuận chung. Một va chạm nhỏ đã khiến một sĩ quan Ấn Độ rơi xuống một con lạch sâu và tử vong, từ đó châm ngòi một cuộc xô xát tập thể của hàng trăm binh sĩ hai bên, với gậy sắt và đá là vũ khí.
Phía Ấn Độ thông báo trên truyền thông con số thương vong của mình là trên dưới 20 binh sĩ, chủ yếu là do bị ngã xuống vực chết và mất tích; còn Trung Quốc thì không nêu con số cụ thể.
Sau cuộc va chạm, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã có cuộc điện đàm nhằm tìm cách kiểm soát tình hình, không để tiến triển thành điểm nóng xung đột mới. Tuy nhiên, giới chức cũng như các cơ quan truyền thông hai nước thì liên tục đổ lỗi cho nhau đã gây ra vụ việc. Trung Quốc khăng khăng cho rằng binh sĩ Ấn Độ gây hấn trước, trong khi Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đang cố tình làm thay đổi hiện trạng trên vùng biên giới dọc tuyến Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Binh sĩ hai nước Ấn - Trung diễu binh chung tại biên giới. |
Ngày 18-6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra tuyên bố cảnh báo Trung Quốc nên thận trong không đưa ra “tuyên bố quá đáng và thiếu cơ sở” đối với khu vực thung lũng Galwan nằm ở vùng Ladakh giáp biên giới hai nước trên dãy Himalaya. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nói rằng cả hai phía đã đồng ý xử lý tình hình một cách có trách nhiệm, vì vậy việc Trung Quốc đưa ra những yêu sách lãnh thổ quá đáng đi ngược lại với thỏa thuận đã có từ gần 60 năm qua.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng cần “sự tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau phục vụ cho lợi ích lâu dài”. Ông Vương không nói rõ rằng ai phải tôn trọng ai và phục vụ lợi ích của ai nhưng dư luận hiểu rằng đó là lợi ích của Trung Quốc.
Nói một cách tóm lược, xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ có lịch sử từ thời Ấn Độ còn là thuộc địa của đế quốc Anh. Sau đó, Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Tây Tạng, bắt đầu triển khai các yêu sách về biên giới đối với các vùng giáp ranh với Ấn Độ, gây ra tranh chấp.
Năm 1959, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã tuyên bố xác lập cái gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), thâu tóm khoảng 90.000 km vuông trong vùng Ladakh thuộc Đông Bắc Ấn Độ, trong khi Ấn Độ tố cáo Trung Quốc cũng chiếm 38.000 km vuông lãnh thổ của mình trên bình nguyên Aksai Chin, phần nối dài của vùng Ladakh nằm ở phía Tây dãy Himalaya. Vùng Ladakh vốn trước đây là một phần của vùng tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan nhưng Ấn Độ đã tự tuyên bố tách Ladakh khỏi vùng Kashmir và nhập vào liên bang Ấn Độ.
Năm 1962 xảy ra cuộc chiến biên giới giữa ẤËn Độ và Trung Quốc trong vùng tranh chấp Ladakh. Cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng, kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 11-1962, xác lập chế độ tuần tra, kiểm soát biên giới giữa hai bên.
Từ sau cuộc chiến 1962, tranh chấp biên giới giữa hai nước tiếp tục âm ỉ. Năm 1993-1996, hai nước Trung - Ấn đã đạt được thỏa thuận kiểm soát biên giới trong hòa bình, trong đó hai bên đồng ý binh sĩ tuần tra không mang súng nhằm tránh gây ra sự cố đẫm máu. Tuy nhiên, đụng độ, va chạm nhỏ vẫn liên tục xảy ra, trong đó nghiêm trọng nhất là các vụ việc vào năm 2013 và 2017, sau đó được hai nước tích cực giải quyết. Đến cuối tháng 4-2020, tình hình bắt đầu leo thang căng thẳng trở lại, với việc Trung Quốc điều động khí tài quân sự và tăng cường binh sĩ lên vùng biên giới Trung - Ấn, đồng thời thay tướng tư lệnh chiến trường phía Tây.
Vụ đụng độ biên giới càng làm bùng cháy ngọn lửa “chống Trung Quốc” trong dân chúng Ấn Độ, vốn đã âm ỉ cháy do đại dịch COVID-19 (trong đó người dân Ấn Độ cho rằng Trung Quốc gây ra đại dịch). Thái độ độ đó được thể hiện bằng những cuộc biểu tình rầm rộ trên các đường phố ở thủ đô New Delhi, người biểu tình đốt bỏ những vật gì họ cho là do Trung Quốc sản xuất và hô vang khẩu hiệu. Giới doanh nghiệp Ấn Độ cũng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Một liên minh các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chai 500 mặt hàng của Trung Quốc để bày tỏ phản đối hành động của Trung Quốc ở vùng Ladakh. Tuy nhiên, việc leo thang căng thẳng, tẩy chay có thể không có lợi cho Ấn Độ, nếu Trung Quốc trả đũa bằng cách cấm xuất khẩu sang Ấn Độ các nguyên liệu thô thiết yếu dùng trong ngành sản xuất dược phẩm của Ấn Độ.
Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Anurag Srivastava bên phía Ấn Độ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra lời cảnh báo rằng Ấn Độ không nên xem nhẹ “quyết tâm sắt đá của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”. Đây chính là điều khiến giới quan sát lo ngại cho rằng sẽ rất khó tìm ra giải pháp khả thi cho xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng có dân số đông nhất thế giới và là hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất châu Á.
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước cho đến nay chủ yếu là tranh chấp về khái niệm và xác định vị trí LAC đi theo hướng nào, bao gồm vùng đất nào. Lâu nay, ranh giới LAC vẫn chưa được xác định một cách cố định mà thường xuyên bị dịch chuyển do hai bên tranh chấp gây ra. Trong vụ đụng độ vừa qua, nguyên nhân châm ngòi xung đột chủ yếu là do việc binh sĩ Trung Quốc lấn chiếm các vị trí trong thung lũng Galwan đã bị binh sĩ Ấn Độ cảnh báo, xua đuổi nhưng sau đó lại tái chiếm.
Trong phát biểu hôm 17-6, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuy bố “sự hy sinh của binh sĩ sẽ không uổng phí” và “Ấn Độ có khả năng đáp trả thích đáng sự khiêu khích”. Đây là dấu hiệu rõ nhất cho thấy sẽ khó tìm ra giải pháp căn cơ cho tranh chấp Ấn - Trung.