Giao tranh dữ dội tại thành phố Kobani

Thứ Năm, 16/10/2014, 13:30

Thành phố Kobani của Syria đang chịu sự tấn công mạnh mẽ của phe Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Phương Tây lo ngại rằng nếu IS chiếm được thành phố này, chúng sẽ kiểm soát được một dải đất liền lạc ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Thành phố Kobani ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) đang diễn ra những trận chiến ác liệt giữa lực lượng người Kurd và phe IS trong nhiều khu phố. Các cuộc không kích của quân liên minh có vẻ như không đủ sức áp đảo phiến quân thánh chiến. Ba tuần sau khi mở cuộc tấn công, quân IS đã xâm nhập vào thành phố chiến lược này. Trước tiên, chúng chiếm 3 khu phố ở phía đông rồi mở rộng những trận đánh sang phía nam và phía tây trước lực lượng chiến binh Kurd với quân số ít hơn và vũ trang kém hơn.

Đây là một cuộc chiến du kích trong thành phố. Các máy bay của liên minh do Mỹ cầm đầu đã oanh kích những cứ điểm do IS chiếm đóng ở phía tây nam. Nếu chiếm được thành phố lớn thứ 3 này của người Kurd tại Syria, phe thánh chiến có thể kiểm soát được một dải lãnh thổ ở biên giới Syria - TNK. Trong những tuần vừa qua, đa số người dân đã rời bỏ thành phố vì e sợ sự trả thù của IS vốn đang gây kinh hoàng tại các khu vực do chúng kiểm soát ở Syria và Iraq với những vụ hành quyết, cưỡng hiếp và cướp bóc.

Tuy quân số ít hơn và vũ trang kém hơn nhưng "các chiến binh Kurd vẫn tỏ ra lạc quan vì họ thông thuộc thành phố và “sẽ bảo vệ Kobani đến người cuối cùng” - một người dân cho biết. Một thủ lĩnh Kurd phàn nàn rằng, các áp đảo không kích chưa đủ để đánh bọn phiến quân.

Ngày 5/10, để đẩy lui những cuộc tấn công của IS vào thành phố, một nữ chiến binh người Kurd 20 tuổi đã thực hiện một vụ tấn công liều chết làm thiệt mạng hàng chục phiến quân. Đó là nữ cảm tử người Kurd đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Syria vào tháng 3/2011. "Nếu cần thiết, tất cả các nữ chiến binh Kurd đều sẽ làm thế" - phong trào bảo vệ người Kurd cho biết.

Dòng người Syria ùn ùn chạy sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ ngày 16/9, cuộc tấn công của IS nhắm vào thành phố Kobani khiến 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 180.000 người sang tị nạn tại TNK. Phe IS đã chiếm 70 ngôi làng trên đường tiến công đến Kobani. Đà tiến quân của IS tại miền Bắc Syria đã đặt TNK lên tuyến đầu. Dù chưa can thiệp nhưng quân đội TNK đã được sự cho phép của Quốc hội để hành quân tại Syria và Iraq trong khi Mỹ và các đồng minh khác không chấp nhận triển khai quân trên bộ.

Đối mặt với tình hình đáng lo ngại tại miền Bắc Syria và thành phố Kobani, sáng kiến của TNK muốn lập ra một vùng đệm đã được sự ủng hộ của Chính phủ Pháp. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho rằng, ý tưởng này đáng để suy ngẫm. Tổng thống TNK Erdogan từng nhiều lần gợi ra  giải pháp thành lập một vùng đệm cộng với một vùng cấm bay ở miền Bắc Syria để bảo vệ các khu vực do phe chống Chính phủ Syria kiểm soát và những người tị nạn. Vùng đệm này có thể ngăn được những vụ tàn sát dân thường. Đây là một sáng kiến không mới nhưng việc thực hiện có thể gặp rất nhiều trở ngại.

Thật ra đây là sự nhắc nhớ lại một ý tưởng của Chính phủ Pháp từ năm 2012. Lúc ấy, Paris muốn lập ra tại các "vùng giải phóng" ở Syria một chính phủ lâm thời theo kiểu của người Libya tại Benghazi trước khi lật đổ Tổng thống Gaddafi. Nhưng Mỹ đã bác bỏ đề nghị này vì cho rằng phe chống đối còn quá yếu so với phe thánh chiến nên không thể áp đặt quyền hành tại những vùng đó. Thật ra vùng đệm sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề. Để bảo vệ, nó phải được kèm theo một vùng cấm bay, nhưng như thế lại cần phải có một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Và tất nhiên Nga sẽ không đồng ý về một khu vực cấm bay làm mạnh thêm cho phe đối lập Chính phủ Syria.

Giải pháp khác là lập ra một vùng đệm không cần nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trên một lãnh thổ hạn chế, chẳng hạn như quanh thành phố Kobani chứ không phải một vùng đất rộng lớn dọc theo biên giới TNK. Nhưng ai sẽ đảm trách việc bảo vệ? Một mình TNK ư? Hay các thành viên trong liên minh?

Thế nhưng Chính phủ TNK e ngại rằng, một khi IS thất thủ, vùng đệm đó sẽ là cứ điểm cho một lực lượng chiến binh Kurd vững chắc. Giải pháp khác là TNK sẽ quản lý Kobani trong khi các quốc gia Arập trong liên minh sẽ hỗ trợ cho các phiến quân ôn hòa tại những khu vực khác trong vùng đệm.

Sau hàng trăm vụ không kích tại Iraq và Syria, các kết quả thu được thật khiêm tốn. Hình ảnh các chiến binh Peshmerga cố bảo vệ Kobani trước sức tiến công dữ dội của phe thánh chiến là minh chứng rõ nét nhất cho sự hạn chế của các trận oanh kích mà Tổng thống Obama muốn là trọng tâm của cuộc chiến. Hôm 8/10, Lầu Năm Góc đã thừa nhận rằng, những trận tấn công đó không thể cứu vãn thành phố.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói đến một "tình hình khủng khiếp" và lo sợ cho số phận của dân thường, nhưng các quan chức Mỹ thổ lộ rằng, Kobani không phải là mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Nhiều quan chức giấu tên cho báo chí biết, Mỹ sẽ không làm được gì hơn khi chưa có một lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria có thể hướng dẫn các cuộc không kích. Một lực lượng như thế đang được thành lập tại Arập Xêút và Jordan nhưng chỉ sẵn sàng sau vài tháng nữa. Mỹ chỉ còn cách là thúc ép TNK mà sự thụ động đã tạo căng thẳng giữa 2 nước. Quân đội TNK đã triển khai quân tại biên giới nhưng không hề hành động.

Một quan chức Mỹ đã bất mãn bày tỏ trên tờ New York Times: "Đó không phải là phương cách hành động của một đồng minh NATO khi địa ngục diễn ra chỉ cách đó vài bước chân".

Tình hình chiến cuộc dữ dội tại Kobani đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích nhắm vào những "biện pháp nửa vời" và sự tránh né can thiệp trên bộ của Tổng thống Obama tại Iraq. Tất nhiên, phe Cộng hòa công kích mạnh mẽ nhất, nhưng làn sóng phê bình gay gắt cũng nổi lên trong phe Dân chủ của Tổng thống.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta lên án Tổng thống Obama "hành xử giống một giáo sư hơn là Tổng thống". Ông Panetta cho rằng, Tổng thống đã không cố gắng duy trì một lực lượng tại Iraq và đã sai lầm khi bác bỏ việc triển khai các đơn vị đặc nhiệm sang Iraq

Minh Luân (tổng hợp)
.
.