Hai “Sáng kiến”, một cuộc cạnh tranh

Thứ Hai, 13/08/2018, 15:45
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng tốc triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng sáng kiến “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” nhằm cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào mùa thu năm 2013, một chiến lược mới của Trung Quốc với tên gọi sáng kiến “Vành đai và Con đường” - BRI là một nỗ lực dài hạn của Bắc Kinh nhằm kết nối các khu vực của châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu thông qua việc xây dựng cảng, đường ray, đường bộ, đường ống dẫn, các mạng viễn thông và các loại hình cơ sở hạ tầng khác.

Về mặt địa lý, BRI bao gồm các quốc gia chiếm 65% dân số thế giới và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới. Trung Quốc có kế hoạch dành hơn 1.000 tỷ USD để hỗ trợ cho sáng kiến này, hiện bao gồm 2 phần chính: “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” kéo dài từ Đông Nam Á qua Ấn Độ Dương tới biển Địa Trung Hải; và “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” trải dài khắp khu vực Á-Âu với các nhánh kết thúc ở Pakistan, châu Âu và các địa điểm tiềm năng khác.

Một “Con đường tơ lụa kỹ thuật số mới” bao phủ cả hành lang trên biển và trên đất liền với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin liên lạc có thể cuối cùng sẽ trở thành phần chính thứ 3 của BRI.

Phía Mỹ nhận định, tầm ảnh hưởng của BRI là rất lớn. Ngay cả khi nhiều dự án chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ, nó vẫn có thể định hình lại bối cảnh kinh tế và địa chính trị theo những cách có thể gây ra một thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc hiện nay.

Trước kia, phản ứng của Mỹ trước BRI liên tục thay đổi. Chính quyền B.Obama chưa bao giờ chính thức hóa một quan điểm đối với BRI. Trong khi đó, chính quyền D.Trump đã bày tỏ những quan điểm rõ ràng hơn về BRI, bày tỏ lo ngại về tác động của nó đối với các tiêu chuẩn toàn cầu và khả năng thúc đẩy các lợi ích địa chính trị của Trung Quốc.

Không giống như những người tiền nhiệm thời cựu Tổng thống Obama, các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công khai nói về BRI. Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thẳng thắn nhận xét: “Trong một thế giới toàn cầu hóa, có nhiều vành đai, nhiều con đường và không quốc gia nào có thể tự cho mình quyền tuyên bố về một vành đai, một con đường”.

Phát biểu tại Diễn đàn Quỹ Hội đồng Đại Tây Dương - Hàn Quốc năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã công khai chỉ trích BRI: “Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, theo quan điểm của chúng tôi, cần diễn ra trong hệ thống các quy tắc và chuẩn mực quốc tế và “Một vành đai, một con đường” dường như muốn xác định các quy tắc và chuẩn mực của riêng nó”.

Thủ tướng Ấn Độ N.Modi và Tổng thống Mỹ D.Trump. Ảnh: Moneycontrol.

Sự hoài nghi phổ biến bên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump về các ý định của Bắc Kinh cùng những lo ngại về hệ quả lâu dài của BRI có thể lý giải cho việc vị trí của nó đã được nâng cao trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Chính quyền ông Trump bắt đầu hành động theo các mối lo ngại này.

Ông Trump đã tuyên bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp APEC rằng Mỹ sẽ cải tổ lại các thể chế tài chính dành cho phát triển của nước này để tạo động lực mới cho đầu tư. Khía cạnh hứa hẹn nhất trong phản ứng đang gia tăng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với BRI là sự hợp tác ngày càng tăng với các đồng minh và đối tác.

BRI dường luôn là một chủ đề thảo luận trong các cuộc họp cấp cao gần đây với Ấn Độ, cũng như các cuộc đàm phán 4 bên Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ, được gọi là Bộ tứ. Nhìn chung, chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như có xu hướng phát triển một cách đối phó chiến lược mạnh mẽ đối với BRI.

Thực tế, mặc dù không nhắc đích danh BRI, chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump thừa nhận một sự “cạnh tranh địa chính trị giữa tầm nhìn tự do và hà khắc về trật tự thế giới đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Theo Sáng kiến Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ, Ấn Độ và một số nước có cơ hội để cùng xác định và triển khai một tầm nhìn địa kinh tế cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên các giá trị chung về tính tự do và minh bạch, bởi cả Washington và New Delhi đều bày tỏ lo ngại trước BRI.

Mỹ cần sự hợp tác với Ấn Độ, bởi không bên nào có đủ nguồn lực để định hình nó một cách hiệu quả và chắc chắn không đưa ra được một phương án thay thế thuyết phục. Chỉ bằng cách hợp tác cùng nhau - và với các đối tác chung tư tưởng khác - Mỹ và Ấn Độ mới có thể phát triển một cách ứng phó hiệu quả với BRI, với mục tiêu cuối cùng là củng cố trật tự thế giới.

Để liên kết các cách tiếp cận tương ứng đối với BRI, Mỹ và Ấn Độ đang thực hiện một loạt hành động đơn phương, song phương và đa phương để hình thành một trung tâm phát triển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ có kế hoạch phát động một sáng kiến liên ngành tập hợp các nhân vật quan trọng, các công cụ và nguồn lực từ Mỹ để tập trung vào cơ sở hạ tầng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tăng cường hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sử dụng sáng kiến Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương như một cách thúc đẩy sự kết nối trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Gia tăng các dự án cụ thể trên các lĩnh vực. Quảng bá các mô hình tăng trưởng doanh nghiệp. Phối hợp trong bất cứ lĩnh vực nào có thể, Mỹ và Ấn Độ cần khởi động một loạt diễn đàn doanh nghiệp cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để cung cấp cho họ một mô hình tăng trưởng bền vững.

Bước đi tiếp theo, Mỹ và Ấn Độ xúc tiến việc đưa Ấn Độ trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Kết hợp các khoản đầu tư chiến lược giữa Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản-Australia. Theo các chuyên gia chính trị của Mỹ, Ấn Độ và Mỹ cần phải làm việc cùng nhau để tạo ra một khuôn khổ chiến lược nhằm xác định các khu vực địa lý và các dự án chủ chốt trong khu vực, đảm bảo các khoản đầu tư ưu tiên dựa trên sự kết hợp các tiêu chí về kinh tế, phát triển và quân sự.

Để thúc đẩy mối quan tâm chung này, 2 nước cần kết hợp các cách tiếp cận của họ đối với BRI, tận dụng tất cả công cụ sức mạnh quốc gia để định hình sáng kiến này khi có thể, hợp tác với Trung Quốc khi thích hợp và cạnh tranh khi cần thiết.

Huyền Hoa
.
.