Hãy cẩn trọng với những bản tin “đột phá y học mới”

Thứ Hai, 29/08/2005, 07:47

Các chuyên gia y học tại Australia vừa lên tiếng cảnh báo nạn thông tin quá thổi phồng về những thành tựu mới trong y học - đặc biệt là điều trị bệnh ung thư. Hồi cuối năm 2003, một chuyên gia đầu ngành Y công bố rằng, trong 31 "đột phá" từng đăng rộng rãi trên báo chí, chỉ có 8 thông tin thực sự sẽ được ứng dụng trong tương lai...

Tuần đầu tháng 8 vừa qua đã mang lại nhiều hy vọng cho những bệnh nhân ung thư thông qua 3 bản tin đột phá mới trong chữa trị bệnh này theo nghiên cứu mới. Không có gì vui hơn khi chính những bệnh nhân ấy tin tưởng rằng, một ngày không xa, họ sẽ được chữa khỏi căn bệnh quái ác từng cướp đi bao sinh mạng mỗi năm. Nhưng ông Simon Chapman, giáo sư về sức khỏe cộng đồng Trường đại học Sydney, khẳng định lại rằng chúng ta không nên quá vội tin những thành tựu ấy.


Hồi tháng 12/2003, chính giáo sư Simon Chapman công bố một bài nghiên cứu trên chuyên san Medical Journal of Australia, trong đó có phân tích kỹ về những “đột phá mới có thể giúp chữa trị bệnh ung thư” đăng rải rác trên các báo trong vòng 10 năm trước đó. Trong số 31 “đột phá” trích dẫn, chỉ có 8 thông tin thực sự “có cửa” được ứng dụng trong tương lai. Rồi ông kết luận - vẫn đúng cho đến tận bây giờ - rằng người bệnh dường như nhận quá nhiều thông tin, một viễn cảnh quá lạc quan, về những tiến bộ trong cuộc chiến chống ung thư.

Chỉ mới 2 tháng trước đây, trị liệu tiểu cầu cho ung thư gan  được phóng đại thành “đột phá”, tương tự là thuốc Cesium 131  dùng điều trị ung thư tuyến tiền liệt, hay một công ty dược Na Uy tuyên bố như đinh đóng cột rằng họ có thể phát hiện ung thư vú trước khi khối u xuất hiện thông qua một cuộc thử máu đơn giản. Tổng giám đốc Trung tâm Tư vấn Ung thư bang New South Wales, tiến sĩ Andrew Penman cho biết: “Hậu quả của những loan báo đột phá bị thổi phồng quá lố ấy đã tạo ra sự hy vọng hão huyền trong công chúng". Thậm chí tiến sĩ Andrew nói rằng, ông đủ cơ sở để tin rằng hệ thống nghiên cứu ung thư chưa làm hết trọng trách của mình, có nghĩa là từ phát hiện sang thí nghiệm lâm sàng rồi đến áp dụng chữa trị cho người là một quá trình lâu dài cần sự thực nghiệm kỹ lưỡng.

Chẳng hạn như thuốc Herceptin, thực sự là một đột phá cho những phụ nữ bị ung thư vú tiến triển, phải mất gần 25 năm phát triển hoàn chỉnh. Vậy mà theo ông, vẫn chưa đủ để loại trừ các nguy cơ tác dụng phụ không mong đợi. Trong điều trị, những thực nghiệm thời gian tính mới có giá trị bền lâu. Giáo sư Simon Chapman cho rằng: "Các báo cáo thông tin y học mới khiến cho công chúng hiểu lệch lạc về tất cả tiến trình các nhà nghiên cứu trải qua trước khi có thể gọi một phát hiện đột phá. Chúng ta có thể giảm ung thư ngay bây giờ, nếu mọi người cùng nhau bỏ hút thuốc lá, tập thể dục nhiều hơn, cẩn trọng với nắng hơn, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và kiểm tra các loại ung thư thường xuyên hơn. Nên nhớ hiểu và biết phòng ngừa cái gì để không mắc bệnh ung thư mới là đột phá thật của chúng ta"

Minh Nhựt (Theo Telegraph)
.
.