Hệ thống an ninh Hoa Kỳ

Thứ Hai, 21/11/2005, 08:20

Ngay khi vừa lên nhậm chức, tháng 2/2001, Tổng thống Mỹ thứ 42 George Bush đã chuẩn bị xong đội hình riêng chịu trách nhiệm về an ninh cho nước Mỹ.

Trước đó, vị Tổng thống thứ 41 Bill Clinton cũng đã kịp làm thay đổi tương quan lực lượng giữa hai cơ quan an ninh lớn nhất Hoa Kỳ là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) bằng cách lập ra thêm một cơ quan mới cũng hoạt động trong lĩnh vực an ninh: Hội đồng Quốc gia về phản gián.

Đặc biệt sau sự kiện 11/9/2001, hệ thống an ninh Hoa Kỳ đã phải chịu nhiều biến đổi. Ngày 8/10/2001, Tổng thống Mỹ George Bush đã chính thức tuyên bố cơ quan an ninh mới có nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ thoát khỏi những mối đe dọa bị khủng bố - đó là Bộ An ninh Nội địa. Tới tháng 7/2003 ở Mỹ đã lập ra chức Lãnh đạo Cơ quan Phản gián quốc gia. Tháng 8/2004, Tổng thống Bush theo đề nghị của Ủy ban 11/9 đã gửi lên Thượng viện kế hoạch lập ra chức Giám đốc Quốc gia về tình báo. Ngoài ra, cũng theo khuyến cáo của ủy ban trên, tại Mỹ sẽ lập ra Trung tâm Chống khủng bố quốc gia...

Cho đến thời điểm hiện tại, phân bố lực lượng trong hệ thống các cơ quan an ninh Hoa Kỳ đại để như sau:

- Hội đồng An ninh quốc gia (National Security Council).
- Tổng giám đốc về các chương trình tình báo (Senior Director for Intelligence Programs).
- Người phối hợp quốc gia về an ninh, bảo vệ hạ tầng cơ sở và chống khủng bố (National Coordinator  for Security, Infrastructure Protection and Counter -Terorism).
Trực thuộc Tổng thống Mỹ có các cơ quan sau:
- Hội đồng tư vấn về hoạt động phản gián trực thuộc Tổng thống;
- Hội đồng quốc gia về phản gián.
Bên cạnh đó còn có Cục Ngân sách hành chính.
Hiện nay, trong hệ thống cộng đồng tình báo Mỹ có sự tham gia của 15 cơ quan, trong đó có những bộ phận chủ yếu như sau:

1. Cục Tình báo Trung ương (Central Intelligence Agency, CIA). Giám đốc hiện nay là ông Porter Goss.

2. Bộ An ninh Nội địa (Department of Homeland Security). Bộ trưởng đương nhiệm là ông Michel Chertoff.

3. Bộ Quốc phòng (Department of Defense). Bộ trưởng Donald Rumsfeld. Trong Bộ Quốc phòng có 4 cơ quan Cục cấp 1 và 4 cơ quan Cục cấp 2 hoạt động trong lĩnh vực an ninh, tình báo. Cụ thể 4 cơ quan Cục cấp 1 gồm có Cục Tình báo Quốc phòng (Defense Intelligence Agency, DIA. Cục trưởng là Thomas Wilson); Cục An ninh quốc gia (National Security Agency, NSA. Cục trưởng là Trung tướng Michael Hayden); Cục Quốc gia Hoa Kỳ về do thám mặt đất (The National Geospatial-Intelligence Agency, NGA); Trung tâm do thám quốc gia (National Reconnaissance Office, NRO). Bốn cơ quan Cục cấp 2 gồm có: Tình báo Quân đội (Army Intelligence, AMI); Tình báo Hải quân (Office of Naval Intelligence); Tình báo Không quân (Air Force Intelligence, AIA);  Tình báo lính thủy đánh bộ (Marine Corps. Intelligence).

4. Bộ Tư pháp (Department  of Justice). Trong hệ thống của Bộ Tư pháp Mỹ có Cục Điều tra liên bang (FBI).

5. Bộ Tài chính (The Treasury Department). Trong hệ thống của Bộ Tài chính Mỹ có Cục Hỗ trợ tình báo (Office of Intelligence Surpport), chịu trách nhiệm về việc thu thập và phân tích thông tin tình báo thông qua các khả năng của Bộ Tài chính, cũng như việc phối hợp với các thành viên khác của cộng đồng an ninh tình báo Mỹ. Được thành lập từ năm 1977.

Cơ quan Phục vụ bí mật (United State Secret Service) cũng nằm trong hệ thống của Bộ Tài chính. Đảm nhận trách nhiệm bảo vệ Tổng thống và Phó Tổng thống, các thành viên trong gia đình của họ, các vị khách chính thức của chính phủ, các công sở của chính phủ. Cơ quan Phục vụ bí mật có khoảng 1,5 nghìn nhân viên, có trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và phản gián về tất cả tổ chức của Mỹ và nước ngoài cũng như về những phần tử có thể gây nguy hại cho việc bảo vệ các nhân vật và trụ sở cần thiết.

6. Bộ Ngoại giao Mỹ (Department of State). Ngoại trưởng hiện nay là bà Condoleeza Rice. Trong bộ máy của Bộ Ngoại giao Mỹ có Cục Phản gián và nghiên cứu (The Bureau Intelligence and Research, viết tắt là INR). Theo Sắc lệnh số 12333, INR có nhiệm vụ bằng các biện pháp công khai thu thập tin tức cần thiết cho việc tiến hành chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ, chuẩn bị và phân phối các thông tin tình báo. Đồng thời, INR phối hợp với các thành viên khác của hệ thống an ninh tình báo thu thập thông tin, tham gia chuẩn bị các chiến dịch bí mật. INR có nhiệm vụ trò chuyện với các nhân viên ngoại giao sau mỗi chuyến công tác của họ ra nước ngoài để khai thác những thông tin tình báo. INR cũng tham gia vào việc xây dựng chương trình tình báo quốc gia..

Minh Huyền (Tổng hợp theo tư liệu nước ngoài)
.
.