Hệ thống ngân hàng Thuỵ Sĩ có thể bị chao đảo

Thứ Hai, 18/08/2008, 09:00
Ông Bradley Birkenfeld vốn là nhà quản lý của ngân hàng UBS tiết lộ những chiêu làm ăn trốn thuế mờ ám của ngân hàng này.  Nước  Mỹ buộc  UBS phải cung cấp các dữ liệu liên quan đến hàng nghìn khách hàng, Thụy Sĩ lo sợ bí mật ngân hàng của họ bị phanh phui.

Ông Birkenfeld, công dân Mỹ, 43 tuổi, quan chức tại Schweizer Grobank UBS  và từng là Giám đốc của UBS đã thú nhận có sự tiếp tay vào một loạt vụ trốn thuế. Các cơ quan có thẩm quyền Mỹ dựa vào nhân chứng chủ chốt này buộc Ngân hàng UBS công khai hàng nghìn dữ liệu về khách hàng của mình.  UBS là ngân hàng quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Đây là đòn tấn công của Mỹ đánh trúng huyệt của giới tài chính Thụy Sĩ:  bí mật ngân hàng.

Trong một bản tường trình 7 trang  “Statement of Facts”, ông Birkenfeld khai với cơ quan tư pháp Mỹ về  việc UBS đã hướng dẫn cho khách hàng của mình các mánh lới để trốn thuế lên đến hàng triệu USD! Bản tường trình chi tiết không những  đe dọa tương lai của UBS,  mà còn đe dọa cả lợi thế về vị trí  mà đất nước này  đã trở nên giàu có từ những năm 30 của thế kỷ trước. Nếu các nhà điều tra Mỹ nhờ sự ăn năn của viên cựu Giám đốc Ngân hàng UBS chứng minh được Ngân hàng UBS đã lừa đảo một cách có hệ thống đối với nước Mỹ,  thì có nhiều nguy cơ “Swiss Banking” mất hẳn thị trường Hoa Kỳ đầy béo bở này.

Ngân hàng UBS cũng như nhiều ngân hàng khác ở Thụy Sĩ rất  nổi tiếng  và được  tín nhiệm trong việc quản lý tài sản của những người giàu có bậc nhất thế giới.  Các ngân hàng ở Thụy Sĩ hoạt động trong một lĩnh vực rất  khó phân biệt đúng, sai:  tại nước này người ta phân biệt rạch ròi giữa trốn thuế và lừa đảo về thuế.  Tiếp tay  để trốn thuế là bị cấm, nhưng chỉ bị phạt hành chính khá nhẹ nhàng. Nhưng tiếp tay  cho hành động lừa đảo thuế thì lại bị xử lý rất nặng. Trường hợp làm hồ sơ, tài liệu giả mạo  hoặc ký hợp đồng giả  khi bị cơ quan tài chính phát hiện sẽ bị cơ quan pháp luật Thụy Sĩ trừng trị đích đáng.

Sự phân biệt khá mong manh giữa trốn thuế và lừa đảo về thuế  làm cho các trung tâm tài chính Zurich và Gèneve sôi động.  Các ngân hàng ở đây có sức hút như nam châm đối với tài sản của toàn thế giới, trong khi các vị chủ nhân tham lam của khối lượng tài sản này lại  chỉ muốn thoát khỏi vòng kiểm soát của cơ quan thuế vụ nước mình. Người bị thua thiệt chính là các quốc gia mà tiền của bị trôi dạt sang các ngân hàng ở nước ngoài. 

Trong khi các ngân hàng Thụy Sĩ luôn tỏ ra trong sạch.  Mỗi khi xảy ra tranh chấp khốc liệt họ sẵn sàng chia tay với các nhà tư vấn khách hàng của mình chứ không bao giờ thừa nhận lỗi lầm. Quan điểm chính thức của Ngân hàng UBS cũng như các ngân hàng khác là ngân hàng luôn tuân thủ pháp luật, nếu xảy ra những sai phạm thì đó là lỗi của nhân viên. Ngân hàng không bao giờ sai, mà trước pháp luật nhân viên thừa hành phải lãnh đủ tội.

Nếu đúng như những trường hợp xảy ra hiện nay, Ngân hàng UBS  khó có thể đứng vững: trong bản tường trình của mình tại Tòa án Fort Lauderdale (Florida), ông Birkenfeld công khai chỉ trích các đồng nghiệp cũng như những người từng lãnh đạo mình tại Ngân hàng UBS: “Những người lãnh đạo ngân hàng động viên ông cùng các nhà tư vấn khách hàng sang Mỹ để tìm khách hàng mới và chăm lo phục vụ số khách hàng hiện có”. Birkenfeld và các nhân viên khác của UBS đã cùng với các khách hàng người Mỹ của họ  nộp những tờ khai về thuế  “sai lệch và dễ nhầm lẫn”.

Nay ông Birkenfeld  hy vọng được hưởng khoan hồng và chỉ phải chịu án tù  cao nhất là 5 năm. Và triển vọng đối với UBS  không mấy sáng sủa.

Cái giá phải trả cho UBS: Năm  2001 UBS đã ký với Hoa Kỳ một hiệp định mang tên  “Qualified Intermediary” (QI) trong đó quy định rõ việc khai báo và đánh thuế đối với khách hàng người Mỹ. Trong Hiệp định Ngân hàng, UBS cũng chấp nhận cung cấp danh tính những khách hàng người Mỹ mà ngân hàng này nhận chăm sóc từ Thụy Sĩ, nếu họ không đồng ý thì ngân hàng sẽ từ chối mọi sự tư vấn cũng như không nhận quản lý mọi giấy tờ có giá của họ dưới bất cứ hình thức nào.

Thế nhưng qua vụ Birkenfeld có thể thấy UBS không giữ đúng cam kết. Hè 2001 Birkenfeld làm việc cho chi nhánh Ngân hàng Thụy Sĩ trong Ngân hàng Barclays của Anh. Sau khi Barclays cũng ký hiệp định QI với Mỹ thì Anh quyết định từ chối không chăm sóc khách hàng Mỹ từ nước ngoài vì Barclays e rằng khó có thể thực hiện được  các quy định -  QI cực kỳ chặt chẽ này.

Trong khi đó UBS bất chấp hiệp định QI vẫn quyết định tiếp tục triển khai  Offshore-Banking với khách hàng người Mỹ vì loại dịch vụ này mang lại một nguồn thu béo bở. Ngân hàng  UBS quản lý từ Thụy Sĩ một lượng tài sản trị giá 20 tỉ USD của khách hàng Hoa Kỳ và thu mỗi năm 1%, tức 200 triệu USD.

Các nhà điều tra Mỹ muốn chứng minh rằng, giới lãnh đạo chóp bu của UBS dung túng cho hoạt động lừa đảo và trốn thuế của nhân viên ngân hàng này. Theo lời tự thú của  cựu Giám đốc UBS Birkenfeld thì các nhà quản lý và những người tư vấn khách hàng biết rất rõ về những việc mà họ đã làm.

Hiện nay Ngân hàng UBS không bày tỏ thái độ về vụ Birkenfeld. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm của Ngân hàng UBS  tuyên  bố rất coi trọng cuộc điều  tra và đang chuẩn bị mọi tài liệu, hồ sơ cần thiết để tìm một lối thoát cho vụ này.

Vụ Birkenfeld không còn là vụ việc chỉ liên quan đến Ngân hàng UBS và có thể là một cú đánh trúng tim  nền kinh tế Thụy Sĩ. Chính phủ Thụy Sĩ  đã cử một đoàn quan chức tài chính Thụy Sĩ lên đường sang Mỹ để xử lý vấn đề này

V.P (Theo Spiegel)
.
.