Hệ thống thông báo quốc tế của Interpol

Thứ Tư, 28/09/2005, 07:52
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) được thành lập từ năm 1923 nhằm mục đích tập hợp lực lượng cảnh sát các nước thành viên trên thế giới hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, đặc biệt là những loại tội phạm nguy hiểm xuyên quốc gia.

Một trong những nhiệm vụ chính của Interpol là giúp lực lượng cảnh sát của các nước thành viên trao đổi thông tin về tội phạm. Trong những thông tin trao đổi có thông tin về đối tượng đang bị truy nã, tội phạm chiến tranh, tội phạm khủng bố, người mất tích...

Căn cứ theo đề nghị của Tổng hành dinh Interpol  tại Lyon (Pháp) và phù hợp với điều 3 của Hiến chương Interpol, Tổng thư ký Interpol sẽ ký Lệnh thông báo quốc tế với một đối tượng nào đó. Thông báo quốc tế được phát ra bằng bốn thứ ngữ chính thức của tổ chức Interpol là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Arập. Có 6 loại thông báo quốc tế được phát ra theo từng loại màu. Mỗi loại màu thông báo có ý nghĩa khác nhau.

Mục đích của 6 loại thông báo quốc tế là trợ giúp cho lực lượng hành pháp và cảnh sát các nước giải quyết những vụ án các loại hoặc tìm người quan trọng mất tích, trong đó: Thông báo đỏ được dùng để truy nã những đối tượng phạm tội nguy hiểm; Thông báo vàng dùng để truy tìm hoặc xác định một người bị mất tích hoặc chưa được nhận dạng; Thông báo xanh da trời dùng để thu thập thông tin về nhân dạng của một người hoặc các hành vi bất hợp pháp liên quan đến tội phạm; Thông báo đen dùng để tìm kiếm thông tin chính xác về xác chết chưa được nhận dạng; Thông báo xanh lá cây dùng cảnh báo hoặc thông báo thông tin tình báo về một đối tượng tội phạm quốc tế đã gây án ở một quốc gia và đang tìm cách thực hiện tiếp hành vi tội phạm ở một quốc gia khác; Thông báo màu da cam dùng để cảnh báo lực lượng cảnh sát và các tổ chức quốc tế về mối đe dọa tiềm ẩn của các loại vũ khí mới, khả năng bị đánh bom...

Chỉ một thời gian ngắn sau khi được thành lập, Interpol đã bắt đầu gửi lệnh truy nã quốc tế thông qua Tạp chí Cảnh sát Hình sự quốc tế hoặc website chính thức  của Interpol. Theo thời gian, phương thức này đã chứng minh không đem lại nhiều hiệu quả. Do vậy, vào năm 1946, Interpol đã bắt đầu áp dụng hệ thống thông báo  quốc tế và thông báo truy tìm người mất tích đầu tiên được phát ra vào năm 1949.

Thực tế cho thấy, các thông báo truy nã quốc tế của Interpol đã và đang được nhiều nước thành viên coi là tài liệu pháp lý trong việc truy bắt tội phạm bỏ trốn. Các thông báo truy nã này định kỳ hàng tháng sẽ được bộ phận phụ trách công tác truy nã quốc tế của Interpol phát hành theo yêu cầu của từng quốc gia thành viên sau đó được gửi đến tất cả quốc gia thành viên của Tổ chức Interpol để phối hợp rà soát và truy bắt các đối tượng. Cơ sở pháp lý của thông báo đỏ là lệnh truy nã của cảnh sát nước sở tại. Rất nhiều quốc gia thành viên của Interpol coi thông báo đỏ là một trong những căn cứ để thực hiện hiệp ước dẫn độ song phương.

Mặt khác, Interpol được coi là một kênh thông tin chính thức để thông báo yêu cầu dẫn độ của rất nhiều nước tham gia các hiệp định dẫn độ song phương hoặc đa phương như Hiệp ước dẫn độ trong phạm vi châu Âu, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS)...

Khi nhận được thông báo đỏ, cảnh sát các quốc gia thành viên sẽ tiến hành biện pháp điều tra, truy tìm tội phạm và khi bắt được sẽ báo cáo về Tổng hành dinh Interpol để ra thông báo về kết quả và thời gian thực hiện việc dẫn độ tội phạm.

Hiện nay, Tổng hành dinh Interpol đang có một hệ thống để thu thập thông tin, phân tích, cập nhật và truyền tải cực nhanh và chính xác các loại thông báo của Tổng thư ký tới các quốc gia thành viên, đó là hệ thống thông tin I–24/7. Hệ thống này đã được triển khai tới Văn phòng Interpol các quốc gia thành viên và là kênh liên lạc quốc tế hữu hiệu trong nội bộ Interpol.

Bằng việc hệ thống và điện tử hóa các loại thông báo của mình, Interpol đang dần xã hội hóa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và những vấn đề liên quan đến trật tự xã hội, góp phần đắc lực cho cảnh sát gần 200 quốc gia thành viên hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, đồng thời, góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu hiện nay

Nguyễn Hoàng Đoàn
.
.