Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20: Luật chơi được thỏa hiệp

Thứ Bảy, 26/02/2011, 14:45
Cái gì cho phép đánh giá nền kinh tế thế giới sắp lâm nguy? Đó là câu hỏi cũng là nội dung chính của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa diễn ra tại Pháp.

Tiền đề của hội nghị lần này là cuộc họp thượng đỉnh ở Seoul tháng 11 năm ngoái. Tại đây, nhóm G20 đã thống nhất với nhau là từ đây đến giữa năm 2011 sẽ đề ra một danh sách các chỉ báo để đo lường mức độ mất cân đối kinh tế của các nước thành viên. Cũng theo dự trù, trong 6 tháng cuối năm nay, nhóm G20 sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn và đưa ra các khuyến cáo về chính sách kinh tế cho những nước bị xem là có quá nhiều khác biệt so với con đường tăng trưởng tối ưu đối với cộng đồng quốc tế.

Nói cụ thể hơn thì đó là việc xác định những chỉ số đánh giá về tình trạng mất cân đối của nền kinh tế thế giới, hay một cách dễ hiểu hơn thì dựa vào đâu người ta biết được nền kinh tế toàn cầu lâm trọng bệnh, khỏe khoắn hay đang hắt hơi sổ mũi. Để từ đó soạn thảo ra những hướng dẫn giúp các nước dựa vào đó mà đánh giá, mà đi sao cho đừng lệch hướng, giúp thế giới đừng rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế như kiểu năm 2008 vừa qua mà dư âm của nó vẫn còn bao phủ khắp nơi.

Có 4 loạt chỉ số được các phái đoàn đem ra thảo luận tại Paris lần này. Hai loạt chỉ số đo mức mất cân đối bên trong một nền kinh tế, đó là thâm hụt tài chính công, nợ công, tiết kiệm và nợ tư nhân. Hai loạt chỉ số khác đo mức mất cân đối của nền kinh tế đối với bên ngoài, đó là cán cân thanh toán hoặc cán cân thương mại, dự trữ ngoại tệ và tỉ giá thực.

Việc đem ra mổ xẻ 4 nhóm chỉ số trên đồng nghĩa với việc động chạm tới quyền lợi của các nước trong nhóm G20, tới những vấn đề tồn đọng giữa các quốc gia. Phái đoàn Trung Quốc phản đối sử dụng chỉ số cán cân thanh toán và chỉ muốn dùng cán cân thương mại. Trung Quốc và Đức, 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, không muốn bị chê trách là có mức thặng dư mậu dịch quá lớn. Đồng thời, Bắc Kinh không muốn nhắc tới vấn đề dự trữ ngoại tệ và tỉ giá. Bởi vì Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ khổng lồ. Trong khi đó, Brazil và Nga chống lại việc sử dụng chỉ số về dự trữ ngoại tệ.

Một vấn đề khác gây bất đồng nữa đó là xác định các số liệu đi kèm với các chỉ báo như bao nhiêu phần trăm GDP bị coi là mất cân đối cán cân thanh toán vãng lai. Đối với Liên minh châu Âu, điểm này rất quan trọng để có thể xác định đến mức độ nào, cần phải thi hành các biện pháp điều chỉnh. Tuy nhiên, nhiều nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc, không chấp nhận đề nghị đó. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ben Bernanke, đã lên tiếng bảo vệ chính sách tiền tệ nới lỏng của nước này, còn Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mervyn King, kêu gọi các nước tiến hành cải cách tiền tệ.

Ông Bernanke đã phản bác các ý kiến chỉ trích rằng chính sách tiền tệ của Mỹ đã thổi bùng ngọn lửa lạm phát, gây bất ổn ở các nền kinh tế đang phát triển; thừa nhận các luồng tín dụng nóng, trong đó có gói kích cầu đợt hai trị giá 600 tỉ USD của FED, đã góp phần tạo ra những hiệu ứng tiêu cực ở nơi khác. Những chỉ trích tại Brazil và các nơi khác nói rằng, hành động này của Mỹ gây khó khăn hơn cho các nước đang phát triển khi xuất khẩu hàng hóa tới thị trường thế giới bởi vì hành động đó làm cho đồng USD yếu đi. USD yếu hơn khiến cho các sản phẩm chế tạo tại Mỹ được lợi về giá cả trên các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, thủ phạm của tình trạng này bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có chính sách tỉ giá cứng nhắc ở các nước đang phát triển.

Theo ông Bernanke, các nước có thặng dư thương mại lớn và không ổn định cần cho phép tỉ giá phản ánh sát hơn trước những vận động của thị trường và gia tăng nỗ lực kích cầu trong nước. Về phần mình, ông Mervyn King cho rằng thế giới đang đứng trước nguy cơ tái diễn tình trạng bảo hộ thương mại và khủng hoảng tài chính, vì vậy các nước cần hợp tác trong chính sách tiền tệ và tỉ giá, nếu không muốn đối mặt với tình trạng hồi phục yếu kém và có thể sẽ gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới trong tương lai.

Với những bất đồng căn bản và sâu sắc trên, ngày đầu tiên của hội nghị đã không thu được kết quả nào. Khi đó người ta đã dự báo hội nghị 2 ngày này sẽ thất bại. Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Christine Lagarde, có một điều mong muốn chung của tất cả các phái đoàn tới Pháp lần này là một nền kinh tế thế giới khỏe mạnh vì cuộc khủng hoảng năm 2008 làm hại tới toàn thế giới chứ không hề làm lợi cho riêng ai. Chính điều này đã giúp ngày thứ hai của hội nghị, ngày 19-2, vào giờ phút chót, đã thu được chút kết quả.

Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 đã đạt được một thỏa thuận về danh sách các chỉ số cho phép đo lường được các mất cân đối của nền kinh tế. Trong thỏa thuận đạt được, Bộ trưởng Tài chính G20 chấp nhận là các mất cân đối bên ngoài được đo một cách gián tiếp, xuất phát từ cán cân thương mại, luồng thu nhập đầu tư ròng và những chuyển giao, có tính tới một cách đầy đủ vấn đề tỉ giá và các chính sách ngân sách, tiền tệ. Như vậy, trước sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Brazil, vấn đề dự trữ ngoại tệ bị gạt bỏ khỏi danh sách chỉ tiêu đánh giá.

Theo giới quan sát, kết quả này không thể được xem như là một thất bại, nhưng nó làm nổi rõ một điều. Đó là rất khó đạt đến một sự đồng thuận trong nhóm G20, trong khi cần phải có sự đồng thuận này nếu muốn đề ra các phương thuốc để chữa trị sự mất cân đối của kinh tế thế giới và ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng mới

Sỹ Tuấn (tổng hợp)
.
.