Hội nghị Trung Đông: Những lợi ích đan xen
- Israel ra mắt siêu tên lửa đánh chặn tốt nhất Trung Đông giữa lúc căng thẳng
- Mỹ theo đuổi chính sách gì ở Trung Đông?
- Trung Đông “nổi bão” sau quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ
Hội nghị quy tụ ngoại trưởng của 60 nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia và tổ chức không mặn mà chỉ cử phái đoàn cấp thấp tới tham dự, đặc biệt là nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức. Lãnh đạo ngoại giao EU Federica Mogherini vắng mặt. Điều này cho thấy mối bất đồng lớn giữa Liên minh châu Âu và Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tái lập các trừng phạt Tehran. Các nước châu Âu vẫn duy trì thỏa thuận này bất chấp đe dọa trừng phạt từ phía Washington.
Một quan chức ngoại giao cao cấp Mỹ cho hãng tin AFP biết mục tiêu của hội nghị là bàn về “ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, về cách thức góp phần đưa Iran đi theo hướng tốt nhất và cùng đẩy lùi một số hoạt động gây mất ổn định của Iran trong vùng”. Chiến lược tăng áp lực tối đa với Iran của Mỹ dường như không được nhiều nước hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài Israel, một số nước Arab địch thủ của Iran và Mỹ, hầu hết các các nước khác đều ủng hộ thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015.
Các nhà phân tích đánh giá mục tiêu chiến lược của hai đồng minh Ba Lan và Mỹ là nguy hiểm có thể gây thêm xáo trộn địa chính trị trên thế giới và khoét sâu thêm mâu thuẫn trong phương Tây.
Robert Malley, Chủ tịch International Crisis Group, đánh giá việc chính quyền Tổng thống Trump gia tăng áp lực không ngừng với Iran là một chiến lược nguy hiểm: “Tôi không biết hội nghị này ăn nhập với cái gì. Nếu ý tưởng là để gây thêm áp lực với Iran thì mục đích đạt được là gì và có nguy hiểm thế nào? Cần phải suy nghĩ, nếu như các lãnh đạo tình báo Mỹ cho rằng nguy hiểm lớn nhất hiện nay là cuộc chạy đua hạt nhân thì đó chính là do Hoa Kỳ vi phạm thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nguy hiểm hiện nay là khi càng bị sức ép về kinh tế, chính trị, ngoại giao thì Iran lại càng tăng gấp bội các hoạt động trong vùng.
Đại biểu tham dự hội nghị về Trung Đông ở Ba Lan chụp ảnh lưu niệm. |
Bằng chứng là cùng lúc với hội nghị Warsaw, tại Tehran, Iran đã có ngay động thái thách thức bằng cuộc triển lãm rầm rộ các loại vũ khí hặng nặng, trong đó đặc biệt có những tên lửa tầm xa. Vậy người ta có thể duy trì sức ép với Iran nhưng đó không phải là vấn đề. Điều cần thiết là phải trở lại theo như thỏa thuận hạt nhân. Châu Âu cố gắng để có thể tiếp tục trao đổi buôn bán với Iran là điều tốt.
Cần phải theo đuổi đối thoại nghiêm túc với Iran, yêu cầu họ những điều cụ thể đồng thời với việc tạo cho họ có mối quan hệ ngoại giao riêng. Người ta đang theo chiến lược gây sức ép một chiều với vô số mục tiêu phi thực tế và nguy hiểm”.
Robert Czulda, chuyên gia về Iran thuộc Đại học Lodz, cho rằng Ba Lan đứng trước 2 bên, một bên là Mỹ, một bên là Liên minh châu Âu. Cả hai phe đều đặt cho Ba Lan một câu hỏi về chính sách Iran là gì? Đến lúc Mỹ yêu cầu Ba Lan phải lựa chọn, tất nhiên Warsaw chọn Washington vì không phải EU bảo đảm an ninh cho Ba Lan mà là NATO trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò chính.
Mỹ dường như đã lôi kéo được Ba Lan đứng về phía mình trong chiến lược gây sức ép với Iran. Nhưng đổi lại, Ba Lan cũng có “thâm ý” của mình. Đó là xây dựng chiến lược xa hơn, tạo vị thế đặc biệt trong chính sách châu Âu cũng như chính sách Nga của Mỹ. Có thể Ba Lan kỳ vọng nhờ vào Mỹ để có được thanh thế của một nước lớn trong EU, NATO hay Warsaw chơi kế sách “cáo mượn oai hùm” để đối phó với Nga.
Trong cuộc họp báo chung rất hạn hẹp với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz chủ yếu tập trung vào “kẻ thù chung” của hai nước là Nga. Hai ông phản đối dự án Nord Stream 2, dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu. Ông Mike Pompeo cho rằng dự án này không có lợi cho an ninh châu Âu. Dự án này chỉ mang lại cho Nga tiền, điều đó khiến cho an ninh trên lục địa bị suy yếu.
Đường ống này dự trù do Nga và Đức cùng xây dựng, sẽ chuyển khí đốt từ vùng biển Baltic về Đức rồi sau đó phân phối cho các quốc gia châu Âu khác nhưng hoàn toàn tránh không đi qua các quốc gia Đông Âu như Ba Lan và Ukraine. Thời gian gần đây, Ba Lan đã ký hợp đồng mua khí đốt của Mỹ để đổi lấy được bảo vệ về mặt quân sự.
Về phần mình, người đồng nhiệm Ba Lan cũng ca ngợi quan hệ đồng minh Ba Lan - Mỹ. Ông Czaputowicz tuyên bố: “Tôi muốn cảm ơn ngài ngoại trưởng về sự phục vụ của binh sĩ Mỹ trên đất Ba Lan. Nhờ họ, chúng tôi cảm thấy được an toàn hơn trong đất nước mình. Hai chúng tôi đã bàn về kế hoạch phát triển, củng cố sự có mặt của Mỹ tại Ba Lan”.
Ba Lan luôn có mối thâm thù với Nga, coi Nga như là mối đe dọa an ninh chủ yếu. Warsaw muốn chiều theo Mỹ, tổ chức hội nghị để phục vụ chiến lược riêng là có được một căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan. Washington sẽ quyết định về vấn đề này trong tháng tới. Ngày 13-2, Reuters dẫn lời ông Eric Pahon, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ vẫn chưa thống nhất về bất kỳ kế hoạch tăng cường lực lượng quân đội ở Ba Lan và hai nước vẫn đang đàm phán về vấn đề này.
Vào năm ngoái, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang xem xét yêu cầu từ Ba Lan về kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này, đồng thời thừa nhận rằng ông chia sẻ mối lo lắng của Ba Lan về vai trò của Nga trong khu vực.
Ông Pahon cho biết thêm rằng những suy đoán về việc Mỹ tăng số lượng binh lính tại Ba Lan ở thời điểm này là chưa có căn cứ, đồng thời khẳng định sẽ thông báo kết quả các cuộc đàm phán vào thời điểm thích hợp. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher trả lời báo Financial Times rằng, số lượng binh lính Mỹ chắc chắn sẽ được bổ sung và số lượng sẽ tăng thêm đáng kể.
Nhưng việc Mỹ mở căn cứ tại Ba Lan không phải là mong muốn của toàn khối EU. Châu Âu đã chứng kiến mỗi khi có động thái NATO hay EU mở rộng vòng ảnh hưởng về biên giới phía Đông là Nga đã phản ứng ra sao. Những biến động ở Ukraine là ví dụ điển hình. Một căn cứ quân sự Mỹ đặt ở Ba Lan, tất nhiên Nga sẽ không để yên. Đó sẽ là nước cờ nhiều rủi ro cho Ba Lan và châu Âu.