Hội nghị thượng đỉnh G7: Rời rạc vì khác biệt lợi ích

Thứ Tư, 13/06/2018, 09:09
Rạng sáng 10-6 (giờ Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Canada đã bế mạc và ra tuyên bố chung, trong đó đề cập hàng loạt vấn đề cấp bách của thế giới như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu và quan hệ giữa phương Tây với Nga.

Bất chấp một số “trục trặc”, Thủ tướng Canada  Justin Trudeau khẳng định, hội nghị đã thành công với tuyên bố chung đầy “tham vọng”.

Thế giới cần một nền thương mại tự do, công bằng và cùng có lợi

Ban đầu là G7, sau đó là G8 (khi có thêm Nga) và tới ngày 10-6-2018 thì nó chỉ còn là G6+1 khi nước Mỹ đã không ký vào tuyên bố chung của hội nghị. Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã trao đổi rất gay gắt về quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác khác trong nhóm sau khi Washington áp mức thuế mới đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Lãnh đạo 6 nước còn lại trong G7 muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại và cố thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng việc áp các thuế mới sẽ gây tác hại cho chính nền kinh tế Mỹ và cho tăng trưởng thế giới. Tổng thống Trump vẫn kiên quyết đòi các nước đối tác phải nhập hàng hóa của Mỹ nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, nước chủ nhà cũng làm hết sức để ra được Tuyên bố chung.

Ngày 10-6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không tán thành tuyên bố chung của Nhóm đã hủy hoại sự tin tưởng của các đối tác. Điều này cũng khiến các nước châu Âu càng cảm thấy cần thiết phải đoàn kết và hành động một cách kiên định để bảo vệ lợi ích của mình.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ở Charlevoix, tỉnh Quebec, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định các nước G7 đã nhất trí về một tuyên bố chung với “những cam kết mạnh mẽ về các hành động cần thực hiện”.

Tuyên bố chung dài 8 trang của G7 khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy định, nêu rõ sự cần thiết của một nền thương mại toàn cầu “tự do, công bằng và cùng có lợi”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hiện đại hóa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm nhất có thể và “nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ”.

Về vấn đề hạt nhân Iran, các nhà lãnh đạo G7 cam kết đảm bảo Iran “sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triển hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân”. Về quan hệ với Nga, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí sẽ tiếp tục “can dự với Nga để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực và thách thức toàn cầu”, những nơi và G7 có lợi ích.

Các lãnh đạo G7 thừa nhận đã thất bại trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận với Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại trong nội bộ phương Tây?

Thành công lớn nhất chính là việc các nhà lãnh đạo đã ngồi lại với nhau để tìm kiếm đồng thuận trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu. Thủ tướng Trudeau cũng thông báo, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời hội nghị sớm hơn kế hoạch, nhưng điều đó không ngăn cản các nước G7 có tiếng nói chung.

Phát biểu họp báo của các nhà lãnh đạo G7 sau hội nghị cho thấy các nước trong nhóm hiện chia rẽ sâu sắc về hàng loạt vấn đề. Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau cho biết dù đã có những cố gắng nhưng vẫn tồn tại nhiều khác biệt giữa lãnh đạo các nước với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giới lãnh đạo các nước châu âu không che giấu những bất đồng khiến giới quan sát gọi hội nghị lần này là G6+1. Ảnh: Sputnik International.

Cùng thời điểm trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố yêu cầu các đại diện của Mỹ không tán thành tuyên bố chung của G7. Lý do mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra liên quan tới việc Thủ tướng Canada Trudeau tại cuộc họp báo sau hội nghị chỉ trích “thuế của Mỹ như một sự xúc phạm”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo rằng việc đánh thuế là đòn đáp trả mức thuế 270%  mà Canada áp vào mặt hàng bơ sữa.

Mặc dù được đánh giá là khá thành công, song, các nước thuộc nhóm “G6” (không có Mỹ) cáo buộc nước Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump đang tìm cách làm suy yếu trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ” riêng. Và không biết có phải những cuộc tranh cãi nảy lửa khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump rời hội nghị sớm hơn kế hoạch. Báo chí phương Tây ngay lập tức phân tích và cho rằng, nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại trong nội bộ G7 đang dần trở thành sự thật.

Những bình luận qua lại trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Trump gần như đã kích “ngòi nổ” phá tung mối quan hệ với các nước khác trong G7 mà Mỹ đã dẫn dắt trong hơn 40 năm qua, đồng thời tuyên bố một cuộc chiến chính trị, thương mại công khai với Canada, quốc gia láng giềng gần gũi nhất của Mỹ.

Trang mạng CNN nói rằng sự bày tỏ tinh thần đoàn kết mong manh tại Hội nghị G7 đã “tan thành mây khói” khi Mỹ tách biệt khỏi nhóm 6 nước còn lại sau khi Tổng thống Donald Trump không tán thành tuyên bố chung, cáo buộc Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có “tuyên bố sai trái”.

CNN bình luận: lời kết chua cay của Tổng thống Donald Trump đối với G7 cho thấy thực tế mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương chưa từng bị chia rẽ như hiện nay. Còn theo New York Times, sự đổ vỡ mối quan hệ này đã khiến Washington rời xa các nước đồng minh của mình hơn nữa. Sự đổ vỡ, ít nhất tại thời điểm này, khó có thể được hàn gắn.

Theo RFI, cuộc họp thượng đỉnh G7 năm nay bỗng giống như một trận đấu giữa riêng Tổng thống Trump và 6 lãnh đạo khác trong nhóm. Sau việc đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền ông Donald Trump đánh thuế vào thép, nhôm nhập từ các nước đồng minh, bất chấp phản đối của những nước này. Điều này chẳng khác nào Mỹ đã đánh vào chính nền tảng của G7, vốn được coi là một định chế bảo đảm cho chủ nghĩa thương mại thế giới đa phương, có trách nhiệm và minh bạch.

Giới lãnh đạo châu Âu không che giấu những bất đồng trên, khiến giới quan sát gọi hội nghị lần này là G6+1. Sự đổ vỡ mối quan hệ này ngày một lún sâu khi Tổng thống Mỹ bất ngờ kêu gọi các nước G7 để Nga tái nhập với tư cách thành viên khối mà không hề đưa ra bất kỳ điều kiện nào.

Hoa Huyền
.
.