Hy Lạp hứa hẹn gì với châu Âu?

Thứ Ba, 03/03/2015, 17:25
Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cam kết về một kế hoạch cải cách với Liên minh châu Âu (EU) để tránh tình trạng tắc nghẽn tài chính. ngoài sự tin tưởng vào những cam kết của ông vì lợi ích của người dân và đất nước Hy Lạp, cũng có không ít người đặt câu hỏi rằng, Alexis Tsipras thực sự là ai khi mà bỗng nhiên ông trở thành đối thủ lớn của EU.

Yếu tố chủ đạo: Giúp đỡ người nghèo

Ngày 24/2 vừa qua Hy Lạp đã chuyển cho Ủy ban châu Âu một danh sách các cam kết về những cải cách mà chính phủ sẽ thực hiện.

Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Tài chính khu vực Euro chấp thuận, đồng ý gia hạn đến mùa hè chương trình tài trợ nhằm tránh cho đất nước này không bị kiệt quệ tài chính.

Trong danh sách các cam kết này nhiều lần nhấn mạnh đến "sự đồng thuận với các định chế" (Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế) trong việc soạn thảo chi tiết những dự án, tinh thần những cam kết này là nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng và đề ra nhiều biện pháp tăng cường tính hiệu quả của cơ quan thuế vụ và cơ cấu chính phủ.

Mức lương tối thiểu: "Quy mô và lộ trình của việc tăng lương tối thiểu, lời hứa hẹn chủ đạo của chính phủ, sẽ được thực hiện sau khi tham vấn các đối tác xã hội cùng những định chế châu Âu và quốc tế, làm thế nào để vẫn duy trì tính cạnh tranh và viễn cảnh của việc làm" - tài liệu cho biết. Mức lương 751 euro vào thời điểm năm 2016 lại không được xác định rõ ràng trong tài liệu. 

Cho công nhân viên làm việc lâu hơn: Hy Lạp muốn "xóa bỏ các áp lực xã hội và chính trị khiến người ta nghỉ hưu sớm, đặc biệt là "đề ra một chính sách hỗ trợ người ăn lương từ 50 đến 65 tuổi".

Giúp đỡ người nghèo: Là yếu tố chủ đạo trong chương trình của đảng cánh tả Syriza của Thủ tướng Tsipras, nó được nêu ra ở cuối tài liệu dưới tiêu đề "Khủng hoảng nhân đạo".

Hy Lạp muốn đề ra những biện pháp "có mục tiêu" nhằm cải thiện sự trợ giúp xã hội, tiếp cận y tế, cung cấp năng lượng, tiếp cận nhà ở và thực phẩm của người nghèo, chẳng hạn như phiếu thực phẩm và vận chuyển.

Trước kỳ bầu cử Quốc hội 25/1 vừa qua, đảng Syriza đã ước tính toàn bộ các biện pháp trên sẽ tốn khoảng 1,8 tỉ euro.

Trong chương trình còn có việc không truy cứu hình sự đối với các đối tượng không thể thanh toán các món nợ nhỏ, hỗ trợ những người nghèo khó nhất không thể trả nợ và hợp tác với các ngân hàng để "tránh việc bán đấu giá nhà ở chính dưới một ngưỡng nào đó khi vỡ nợ".

Chống nạn trốn thuế: Do các đối tác yêu cầu, Chính phủ Hy Lạp cam kết sẽ "nỗ lực tối đa" trong việc thu thuế và chống nạn trốn thuế "bằng cách sử dụng triệt để những phương tiện điện tử và các kỹ thuật mới khác".

Tất cả "đều đặc biệt nhắm đến những người giàu có nhằm cho họ tham gia đúng đắn vào việc tài trợ các chính sách công và không gây tác động tiêu cực đến công lý xã hội".

Luật thuế vụ phải được hiện đại hóa, sự độc lập của ngành thuế trung ương được củng cố, các phương tiện được mở rộng.

Chính phủ cũng dự trù một biện pháp chống buôn lậu xăng dầu và thuốc lá, kiện toàn cuộc đấu tranh chống tham nhũng và đề ra một hệ thống giúp những người trễ thuế và đóng góp an sinh xã hội được chi trả nhanh chóng.

Cắt giảm chi tiêu công: Việc chi tiêu của chính phủ sẽ bị cắt giảm. Số lượng các bộ giảm từ 16 xuống 10 bộ, giảm bớt tiền thưởng và phụ cấp của các bộ trưởng, dân biểu, cán bộ, xem lại mức lương của ngành công chức.

Chính phủ cũng thu "theo giá thị trường" việc sử dụng tần số vô tuyến của ngành truyền thanh truyền hình và điều chỉnh quy tắc phân phối các thị trường công.

Không xét lại những thành phần tư hữu hóa: những công trình tư hữu hóa đã hoàn tất sẽ không bị xem xét lại.

Còn đối với các dự án đang triển khai, chính phủ sẽ tuân thủ tiến trình đúng theo luật pháp. Những dự án đang đề ra sẽ được xem xét với mục tiêu là tối đa hóa lợi ích về lâu dài cho đất nước.

Ít lâu sau khi đắc cử, nhiều bộ trưởng trong chính phủ đã tuyên bố ý định xét lại nhiều dự án mua bán đang tiến hành, chẳng hạn như khu đất của sân bay Athens cũ và 14 sân bay địa phương.

Chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng: Ủy ban châu Âu nhận định rằng "danh sách các cải cách này là một khởi đầu có giá trị" để Hy Lạp và các chủ nợ thông hiểu nhau về ý định tiếp tục tài trợ cho Hy Lạp.

Liên minh châu Âu (EU) cũng nhận thấy sự cam kết chống trốn thuế của Hy Lạp là đáng phấn khởi. Chính phủ Hy Lạp sẽ có thời hạn đến cuối tháng 4 tới để hoàn tất lộ trình, đổi lại nước này muốn có được sự mềm dẻo hơn trong chính sách thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn nhận được gói tài trợ 3,5 tỉ euro từ EU.

"Chính phủ Hy Lạp rất nghiêm túc trong mong muốn cải cách. Nhưng đây chỉ là bước khởi đầu, việc hoàn tất những cải cách do Hy Lạp đề ra sẽ được thực hiện cùng sự hợp tác chặt chẽ với các chủ nợ" - Chủ tịch khu vực Euro Jeroen Dijsselbloem nhận định.

Ngày 24/2, Thủ tướng Tsipras đã mở cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng để nghiên cứu việc thực hiện chương trình này. Các chủ nợ đòi hỏi chương trình này không được làm mất ổn định nền tài chính công và không phá vỡ những sự cải cách của các chính phủ tiền nhiệm.

Sự nghiệp sinh ra từ cuộc khủng hoảng đồng euro

Tsipras là một nhân vật có sự nghiệp được sinh ra từ cuộc khủng hoảng đồng euro - đồng tiền được thiết kế để thống nhất châu Âu và cũng là công cụ chia rẽ người dân châu lục này một cách hiệu quả.

Nếu xét trên căn nguyên lịch sử, euro không chỉ là một định chế tài chính, một đơn vị tiền tệ mà là một cam kết để hàn gắn những rạn nứt do chiến tranh và chủ nghĩa dân tộc mù quáng ở châu Âu tạo ra.

Khi Thủ tướng Đức lúc đó là Helmut Kohl ký kết Hiệp ước Maastricht vào ngày 7/2/1992, ông đã hy vọng đồng tiền chung chắc chắn sẽ thống nhất châu lục.

Giờ đây, đồng euro dường như đang khuấy động chính những cảm xúc đối kháng mà nó đáng ra phải loại bỏ.

Tại Hy Lạp, cuộc khủng hoảng đã đưa một chính phủ lên nắm quyền có đặc điểm là sự kết hợp hoàn toàn mới giữa những phần tử cấp tiến cánh tả và những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu, mà điểm chung duy nhất giữa họ là cuộc đấu tranh chống lại mệnh lệnh "thắt lưng buộc bụng" của Thủ tướng Đức Merkel, một trong những kiến trúc sư của chính sách khắc khổ nhằm đưa châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.

Nhưng ông Tsipras cũng là sáng tạo ngoài ý muốn của bà Merkel. Sự thăng tiến tới đỉnh cao quyền lực của ông không thể được giải thích mà không có một sự hiểu biết sâu sắc về những thất vọng từ chính sách "thắt lưng buộc bụng" của châu Âu đã châm ngòi.

Điều này nghe có vẻ phi lý. Xét cho cùng, chính Hy Lạp đã tích lũy một khoản nợ lớn đến mức nước này không thể gánh vác được nữa từ tháng 4/2010.

Nhưng bằng việc biến bà Merkel thành một bà chủ của chính sách “thắt lưng buộc bụng”, ông Tsipras đã tạo ra hình nhân mà ông có thể hướng mọi cảm xúc tiêu cực của người Hy Lạp vào đó.

Khi bà Merkel và ông Tsipras nói về sự đoàn kết, họ đang nói tới hai điều khác nhau. Từ "thắt lưng buộc bụng", mà một nửa châu Âu sử dụng như là từ đồng nghĩa cho các biện pháp tiết kiệm bị cho là nhẫn tâm của bà Merkel, không được chính Thủ tướng Đức sử dụng. Bà thích nói về các cải cách cấu trúc hơn.

Hai chính trị gia, bà Merkel và ông Tsipras, hình thành hai cực đối lập nhau trong EU. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ít người ở châu Âu sẵn sàng công khai đứng về phía Thủ tướng mới tại Athens.

Giọng điệu của ông quá ầm ĩ và các đối tác liên minh của ông có nhiều vấn đề. Panos Kammenos, một chính trị gia cánh hữu và là Bộ trưởng Quốc phòng mới, đã thu hút sự chú ý khi ông này mới đây khẳng định rằng người Do Thái tại Hy Lạp không đóng thuế.

Châu Âu đang mất quyền kiểm soát?

Trong một thời gian, cuộc khủng hoảng đồng euro có vẻ như phần nào đã được giải quyết  khi nó dần biến khỏi trên các mặt báo trong hơn 2 năm qua.

Nhưng với chiến thắng của Tsipras trong cuộc bầu cử, cuộc khủng hoảng đã quay trở lại chương trình nghị sự với một khúc quanh mang tính cấp tiến.

Phản ứng đã vượt ra ngoài các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà nhà lãnh đạo Hy Lạp có ý định từ bỏ.

Với việc lựa chọn đối tác liên minh của mình, Tsipras đã lập ra một đường lối mà về cơ bản đặt ra câu hỏi liệu ông có chia sẻ những giá trị của EU không. Ông đã từ bỏ những tiêu chuẩn chính trị của châu Âu.

Chiến thắng của đảng Syriza trong cuộc bầu cử tại Hy Lạp đã gửi một thông điệp tới phần còn lại của châu Âu. Nó đánh thức hy vọng trong các phong trào có cương lĩnh chính trị tương tự ở nhiều nước châu Âu, bao gồm Mặt trận Quốc gia tại Pháp và Podemos tại Tây Ban Nha.

Tại Bồ Đào Nha, các đảng phái cánh tả - đảng Xã hội PS, đảng Cộng sản PC và đảng theo chủ nghĩa Marx Bloco de Esquerda (BE) - đều ăn mừng chiến thắng của Syriza.

Nhiều người hy vọng rằng chiến thắng này sẽ thay đổi đường lối ở châu Âu, các đề xuất tổ chức một hội nghị nợ cho các nước Nam Âu cùng việc đưa ra các kế hoạch tái thiết cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nợ công sẽ được đem ra tranh luận tại Brussels.

Các đối sách của ông Tsipras có thể giúp các nhà lãnh đạo châu Âu đang hy vọng thay đổi các chính sách hiện nay của EU, ngay cả khi họ không hứng thú với việc đáp ứng các yêu cầu cắt giãn nợ của Hy Lạp. Dẫn đầu nhóm là Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Italia Renzi.

Quả thực, trong chiến dịch tranh cử của mình vào năm 2011, ông Hollande đôi khi rất giống với ông Tsipras khi tuyên bố ông muốn "tái định hướng châu Âu" và giải phóng người dân châu Âu khỏi chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Mê Linh - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.