Xung quanh cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ:

Hy vọng nào sẽ trở thành hiện thực?

Thứ Năm, 05/07/2018, 13:50
Ngày 27-6, Moskva và Washington đã đi đến thỏa thuận về một cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động thái này vừa gây lo ngại cho một số đồng minh của Mỹ, vừa vấp phản ứng mạnh từ giới chỉ trích ông Donald Trump trong nước Mỹ.

“Theo thỏa thuận đã đạt được, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ diễn ra vào ngày 16-7-2018 tại Helsinki, Phần Lan” - bộ phận quan hệ truyền thông của Văn phòng Tổng thống Nga ngày 27-6 cho biết.

Vào ngày 27-6, ông John Bolton - Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ - đã đến Moskva, gặp gỡ và đàm luận với một số quan chức cao cấp của nước sở tại, đồng thời cũng được nhà lãnh đạo Nga tiếp kiến trong điện Kremlin. Sau chuyến thăm này, ông Bolton nói rằng để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, một cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao hai nước, Sergei Lavrov và Michael Pompeo, có thể sẽ được tổ chức.

Trợ lý tổng thống Nga, Yuri Ushakov, nói với các nhà báo rằng cuộc họp giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ có thể sẽ thông qua một tuyên bố chung, trong đó “phác thảo đầy đủ và cụ thể các bước tiếp theo của hai bên về việc cải thiện quan hệ song phương, về hành động chung trên trường quốc tế, đồng thời cùng nhau hợp tác trong việc duy trì sự ổn định và an ninh trên toàn thế giới”.

Thông cáo báo chí của Điện Kremlin cũng nói rõ, trong cuộc hội đàm lần này, hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc sẽ thảo luận về tình trạng hiện tại của mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Hoa Kỳ, triển vọng cho sự phát triển của mối quan hệ này, đồng thời hai bên cũng sẽ bàn về các vấn đề quốc tế hiện tại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11-2017.

“Chúng tôi [Mỹ] sẽ nói về Ukraina, về Syria, về cuộc bầu cử... Chúng tôi không muốn bất cứ ai can thiệp vào chuyện bầu cử của nước Mỹ. Chúng tôi sẽ nói về các sự kiện trên thế giới, sẽ nói về hòa bình...” - ông Donald Trump nói với các phóng viên trên máy bay trên đường đến New Jersey ngày 30-6.

“Chúng tôi thậm chí có thể nói về chuyện làm thế nào để tiết kiệm hàng triệu đôla vũ khí. Với sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga, chúng ta có thể làm dịu tình hình thế giới. Điều đó sẽ rất tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng thiết lập được mối quan hệ tốt với Trung Quốc và Nga là điều cần thiết” - người đứng đầu Nhà Trắng nói tiếp.

Khi các nhà báo hỏi rằng ông có kế hoạch dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt chống lại Nga hay không, ông Trump trả lời: “Chúng ta sẽ quan sát những bước tiếp theo của Nga và căn cứ vào đó để có những hành động phù hợp. Chúng ta sẽ thảo luận với Nga về rất nhiều vấn đề”.

Ông Trump cũng cho biết, ông có ý định thảo luận về Crimea: “Chúng tôi có thể nói chuyện [với Putin] về những gì mà ông Barack Obama từng né tránh, mặc dù ông ấy [Obama] đã để mặc cho chuyện này [Crimea về lại với nước Nga] xảy ra”. Khi được hỏi liệu Mỹ có sẽ công nhận Crimea là của Nga hay không, ông Trump chỉ trả lời vắn tắt: “Để còn xem...”.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này có thể gây bực bội cho các đồng minh của Washington, vốn muốn cô lập ông Putin. Trong số các đồng minh đó có Anh và một số nước khác lo ngại về thái độ quá thân thiện của ông Trump đối với nhà lãnh đạo Nga. Hội nghị này còn có khả năng vấp phải sự chống đối của những người chỉ trích vẫn hoài nghi về cam kết của ông Trump đối với liên minh NATO và lo lắng vì ông nhất mực muốn xây dựng lại các quan hệ với Moskva, bất chấp Washington đang siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons nói trong một tuyên bố: “Một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga có tính xây dựng hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng tôi rất lo ngại là sau những gì xảy ra hồi gần đây tại hội nghị G7 ở Canada, Tổng thống Trump một lần nữa có thể xung khắc với các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại thượng đỉnh NATO, để rồi sau đó tỏ ra nịnh nọt Putin, muốn chụp hình với ông”.

Trong bối cảnh cuộc gặp sắp tới giữa Trump và Putin, báo chí phương Tây bắt đầu đẩy mạnh một chiến dịch tuyên truyền chống Nga. Giới truyền thông Nga cũng chẳng chịu một bề thúc thủ. Càng tới gần thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, cuộc chiến truyền thông này càng trở nên quyết liệt.

Mọi luận điểm, luận cứ, luận chứng mà truyền thông phương Tây đưa ra chỉ nhằm dẫn tới một kết luận có thể diễn giải như sau (dẫn lời CNN): “Những gì mà Mỹ mong muốn ở Moskva - đó là trả lại Crimea, buông bỏ Syria và tốt hơn hết là nước Nga suy yếu hẳn. Nhưng ông Putin không đời nào cho phép xảy ra những chuyện đó. Như vậy, đi gặp ông ấy là vô ích...”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp ông John Bolton - Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ - tại Moskva ngày 27-6.

Đáp lại, giới truyền thông của Nga cũng có những ý kiến tương tự, nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán là vô ích hoàn toàn, tóm lại bất kỳ cuộc đàm phán nào với người Mỹ cũng đều không mang lại kết quả. Tuy nhiên, tình hình thực tế bao giờ cũng phức tạp hơn nhiều so với trên mặt trận truyền thông. Hơn nữa, ông Trump mặc dù là một vị tổng thống rất cá tính nhưng lại là một nhà đàm phán cao tay, với tất cả những logic chặt chẽ của riêng mình.

Thực tế đã cho thấy ông đã khéo léo đẩy vấn đề Crimea sang cho cựu Tổng thống Obama và thậm chí tại hội nghị thượng đỉnh G7, ông đã bóng gió rằng gần như 100% cư dân Crimea là người nói tiếng Nga... Tóm lại, ông ngụ ý rằng dù có là Tổng thống Mỹ đi nữa thì cũng sẽ không thể muốn gì được nấy.

Một chuyên gia Nga đánh giá cuộc hội kiến là cơ hội quan trọng để Điện Kremlin “bắt mạch” ông Donald Trump, để nước Nga “đặt mình vào tư thế của một đối tác không thể thiếu” đối với Mỹ.

Về câu hỏi Tổng thống Putin đánh giá thế nào về 18 tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, báo Le Monde (Pháp) ra ngày 30-6 trả lời: Nhà Trắng dưới thời đại ông Donald Trump không ngừng gây sự với các đồng minh châu Âu, từ quân sự, khi coi NATO là một gánh nặng tài chính của Mỹ, cho tới thương mại. Chỉ riêng hai điểm này, cũng đủ khiến ông Putin hài lòng.

Theo ông John Bolton, Washington không mong đợi một bước đột phá lớn, bởi vì các cuộc đàm phán cấp cao đã không được tổ chức thường xuyên kể từ ngày hai tổng thống gặp nhau vào tháng 7-2017 và từ đó đến nay các vấn đề khó khăn phức tạp trong mối quan hệ song phương đã tích lũy khá nhiều. Tuy vậy, bản thân ông không loại trừ khả năng cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ mang lại kết quả khả quan, cụ thể.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ còn được cho là sẽ tạo cơ hội để Tổng thống Donald Trump “đánh bóng” danh tiếng của mình trên trường quốc tế. Sau thành công mang tính biểu tượng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6, ông Trump tiếp tục đà tiến bằng cách thúc đẩy một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga Putin.

CNBC cũng dẫn lời ông Mathieu Boulegue, nghiên cứu viên tại Viện Chính sách độc lập Chatham House: “Chúng ta có thể trông đợi những tuyên bố bóng bẩy từ cả hai phía, nhưng về cơ bản nó chỉ mang tính biểu tượng”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều đó không có nghĩa rằng cuộc gặp Trump-Putin sẽ phần nhiều chỉ mang tính hình thức hay đơn giản là cơ hội quảng bá hình ảnh. Trên thực tế, hội nghị này có thể sử dụng như một bàn đạp để làm tan băng trong quan hệ hai nước.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã nhiều lần khen ngợi nhà lãnh đạo Nga và hiếm khi đưa ra lời chỉ trích đối với cá nhân ông Putin. Giới phân tích nhận định, Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ tiếp tục phát triển quan hệ cá nhân với ông Putin khi mà nhiều cố vấn và quan chức trong Chính phủ Mỹ vẫn tỏ ra cứng rắn với Nga.

Ông Trump sẽ tiếp tục tìm cách đánh bóng danh tiếng của mình như một nhà thương thuyết hiệu quả, tương tự như cách ông thể hiện trong cuộc gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

M.T. (tổng hợp)
.
.