Indonesia: Mối đe dọa thánh chiến vẫn hiện hữu

Thứ Bảy, 06/09/2014, 10:30

Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo"(IS) đang gây lo ngại sâu sắc cho toàn thế giới khi nó ngày càng lớn mạnh và tàn bạo hơn. Là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, Indonesia cũng đang bị những tư tưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tác động trực tiếp và gây ra những tổn thương nghiêm trọng.

Tác động tiêu cực từ bên ngoài 

Ngày 23/8/2014, theo tờ Straits Times, Cảnh sát Indonesia đã phải phối hợp với lực lượng quân đội và cơ quan tình báo nước này tăng cường các biện pháp bảo vệ cho công trình Phật giáo Borobudur, thu hút đông đảo khách du lịch ở Java.

Mối đe dọa nhằm vào Borobudur xuất hiện vào ngày 15/8/2014 trên trang  Facebook có tên "Chúng ta - Nhà nước Hồi giáo", các phần tử Hồi giáo cực đoan tuyên bố sẽ cho nổ tung Borobudur. Tác giả của lời đe dọa này tự nhận có liên hệ với IS.

Trước đó, vào ngày 3/8/2014, một quả bom đã phát nổ tại ngôi chùa Ekayana ở Jakarta. Ở Indonesia, những "lời tuyên bố" trước như vậy được thực hiện "rất nghiêm túc". Đặc biệt, người ta vẫn chưa quên cuộc  khủng bố đẫm máu ở Bali vào năm 2002.

Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất trên thế giới, hơn 88% dân số ở quốc đảo này theo đạo Hồi. Không giống như ở nhiều quốc gia Hồi giáo khác, nhờ tuân theo tư tưởng của lòng nhân ái, công bằng, văn minh được hình thành từ năm 1945 với việc thành lập Nhà nước Cộng hòa độc lập, Indonesia đã duy trì được lòng khoan dung tôn giáo trong một thời gian dài.

Nhưng tình trạng bất ổn chung trong thế giới Hồi giáo đã và đang tác động trực tiếp đến Indonesia. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 của Al-Qaeda ở Mỹ, những kẻ cực đoan thuộc tổ chức Jemaah Islamiyah ở Indonesia đã quyết chiến với những "người Do Thái và Thiên Chúa".

Ngày 12/10/2002, một vụ đánh bom khủng bố do tổ chức này thực hiện tại một hộp đêm trên đảo Bali đã giết chết 202 người, trong đó có 164 người nước ngoài. Sau đó, các thủ lĩnh cực đoan đã bị bắt và kẻ trực tiếp tổ chức các cuộc tấn công khủng bố, được biết đến với biệt danh Dulmatin, đã bị tiêu diệt vào ngày 9/3/2010 tại thị trấn Pamulang.

Các thành viên không khoan nhượng nhất của Jemaah Islamiyah đã ôm súng chạy vào rừng. Ở đó, chúng thành lập một nhóm mới gọi là "Chiến binh Thánh chiến Indonesia", thủ lĩnh của nhóm này Sheikh Abu Varda Santoso, tự xưng là Abu Musab al-Zarqawi al-Indonezi để tưởng nhớ thủ lĩnh của chi nhánh Al-Qaeda ở Iraq Abu Musab al-Zarqawi.

Những chiến binh thánh chiến của Santoso, cơ sở của chúng nằm sâu trong các khu rừng trên đảo Sulawesi, đã tiến hành cuộc chiến tranh du kích theo kiểu ở Iraq, chúng thường tổ chức các cuộc phục kích cảnh sát… Tuy nhiên, "sự lãng mạn hoang dã" của các tay súng này đã không lôi cuốn được nhiều người. Thực tế cho thấy, người Hồi giáo Indonesia là những cư dân thành phố khá hiện đại, không thích hợp với cuộc sống trong những khu rừng nhiệt đới và đầm lầy, họ khác với các du kích Colombia và phiến quân Hồi giáo Philippines.

Cuộc nội chiến ở Syria đã tiếp thêm cho chủ nghĩa cực đoan ở Indonesia một động lực mới. Hay nói đúng hơn, những thành tích chấn động thế giới trong một thời gian rất ngắn của IS và của nhóm Dzhabhat al-Nusra có liên hệ chặt chẽ với Al-Qaeda trong cuộc chiến ở Syria đã khích lệ các tay súng thánh chiến ở quốc gia Đông Nam Á này.

Năm 2013, Abu Bakar Bashir, thủ lĩnh tinh thần của tổ chức Jemaah Islamiyah đang ngồi tù, đã kêu gọi những người ủng hộ mình tham gia vào cuộc chiến ở Syria.

Theo thông tin tình báo Indonesia, như tờ The Jakarta Post đã viết vào ngày 14/1, có khoảng 50 công dân nước này đã thực hiện theo lời kêu gọi thánh chiến của Abu Bakar Bashinr. Một số nhà nghiên cứu phương Tây còn đưa ra con số rất lớn: 200 tình nguyện viên Indonesia có mặt ở Syria.

Áo phông hiệu Rezji Militant.

Khuyến khích tư tưởng thánh chiến tại Indonesia còn có sự đóng góp của thương hiệu Rezji Militant. Một loạt sản phẩm của thương hiệu này đã được bán công khai trên thị trường. Trong đó, đáng chú ý nhất là loại áo phông có in hình ảnh của "các chiến binh thánh chiến" và khẩu hiệu như "Chúng tôi ủng hộ Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (ISIS). Việc thực hiện chương trình khuyến mại của thương hiệu này trên Facebook, được bắt đầu vào giữa tháng 6 vừa qua.

Mối đe dọa thánh chiến

Ngày 29/6/2014, các chiến binh thánh chiến công bố thành lập "Nhà nước Hồi giáo" tại các vùng lãnh thổ bị chúng chiếm đóng của Iraq và Syria, và kêu gọi những người ủng hộ họ ở các nước khác nhau trên thế giới thề trung thành với "Quốc vương Ibrahim", thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi.

Vào ngày 30/6, từ Indonesia đã có lời đáp, một đoạn video xuất hiện trên Internet, trong đó Santoso, thủ lĩnh của nhóm "Chiến binh Thánh chiến Indonesia" đang ẩn nấp trong rừng, đã thề trung thành với "Quốc vương Ibrahim".

Trước đó, cũng bằng cách tương tự, các tay súng Hồi giáo cực đoan từ nhóm Abu Sayyaf của Philippines, những kẻ đang tiến hành cuộc chiến tranh trong rừng với quân đội chính phủ, cũng đã "xin chuyển" sang phía của "Quốc vương" al-Baghdadi. Sau đó, trên các mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các hình ảnh và video thề trung thành với "Quốc vương" của IS từ các khu vực khác nhau ở Indonesia.

Trước những diễn biến phức tạp đó,  ngày 4/8 vừa qua chính phủ tuyên bố rằng, tư tưởng của IS hiện nay nằm ngoài vòng pháp luật ở Indonesia. Trong nửa đầu tháng 8 vừa qua, ở các tỉnh Đông Java và Moluccas (ở phía nam của quần đảo Moluccas) đã bắt giữ được 6 phần tử khủng bố, thu giữ một số súng ống và đạn dược.

Ngày 15/8, lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố từ Jakarta đã tấn công một nhóm khủng bố, tiêu diệt 1 tên và bắt sống 5 tên khác tại thành phố miền Trung Java. Tuy vậy, các nguồn lực của lực lượng Hồi giáo cực đoan chưa bị phá hủy hoàn toàn, thêm vào đó, không thể không tính tới sự trở về của các tay súng người Indonesia, những phần tử đã từng được huấn luyện và tham gia chiến đấu ở  Syria và Iraq. Như vậy rõ ràng, mối đe dọa của cuộc thánh chiến ở Indonesia vẫn hiển hiện

Hoàng Tuất (theo Lenta)
.
.