Interpol và cuộc chiến chống tội phạm về sở hữu trí tuệ

Thứ Hai, 03/10/2005, 08:42

Lực lượng cảnh sát các quốc gia thành viên đã triệt phá kịp thời hàng nghìn vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ, ngăn chặn được những thiệt hại khôn lường.

Tội phạm về sở hữu trí tuệ là một thuật ngữ chung chỉ các hành vi làm giả và sao chụp bất hợp pháp các sản phẩm trí tuệ, vi phạm thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền... Từ năm 1999 đến nay, thế giới đã ghi nhận sự gia tăng chóng mặt của loại tội phạm này.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là sự sẵn có và tiến bộ trong công nghệ mà bọn tội phạm sử dụng để hoạt động phạm tội, đến mức chỉ một số rất ít các sản phẩm trí tuệ là không thể làm giả hoặc sao chép bất hợp pháp. Bên cạnh đó là lợi nhuận cao và nguy cơ bị phát hiện, xử lý thấp.

Rất nhiều nhóm khủng bố trên thế giới có liên hệ mật thiết và dựa vào bọn tội phạm có tổ chức để tạo quỹ hoạt động. Bọn chúng đang hướng hoạt động ẩn theo hoạt động của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Theo Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), một số tổ chức khủng bố nổi tiếng trên thế giới như Al-Qaeda hoặc JI đều có những hoạt động gây quỹ liên quan đến sở hữu trí tuệ bất hợp pháp.

Nhận thức được sự nguy hại của loại tội phạm này, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol đã có bộ phận thu thập, phân tích, đánh giá và cung cấp thông tin cần thiết cho lực lượng cảnh sát các quốc gia thành viên, đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa lực lượng hành pháp quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm có tổ chức có liên quan với tội phạm về sở hữu trí tuệ.

Kỳ họp lần thứ 69 Đại hội đồng Interpol vào năm 2000 tại Hy Lạp đã thông qua Nghị quyết số AGN/69/RES/6. Nghị quyết này nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ các kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ của các nước thành viên cũng như đẩy mạnh sự hợp tác với các ngành công nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.

Nhóm chuyên gia về sở hữu trí tuệ có tên Lực lượng Phản ứng nhanh của Interpol chống tội phạm về sở hữu trí tuệ (IIPCAG) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 23/6/2002 nhằm tham mưu cho Tổng thư ký Interpol thông báo kịp thời cho cảnh sát các quốc gia thành viên về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, những tổ chức tội phạm và phương án đối phó phù hợp đối với tội phạm về sở hữu trí tuệ.

Thành viên của IIPCAG được tuyển chọn từ những sĩ quan và viên chức ưu tú trong lực lượng cảnh sát và ngành Hải quan các quốc gia thành viên. IIPCAG có 5 ban chuyên sâu, đó là các ban: Cảnh báo xã hội; Đào tạo và hướng dẫn; Thu thập, phân tích và trao đổi thông tin; Cơ sở dữ liệu; Phản ứng nhanh.

Từ khi được thành lập đến nay, IIPCAG đã cùng các bộ phận khác của Interpol có quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng bộ với các tổ chức quốc tế có liên quan và cảnh sát các quốc gia thành viên hình thành một cơ chế phối hợp phòng, chống tội phạm về sở hữu trí tuệ hết sức có hiệu quả.

Thông qua mạng thông tin toàn cầu I -24/7, lực lượng cảnh sát các quốc gia thành viên đã nhanh chóng nắm bắt được sự hình thành và phương thức hoạt động nhằm phát hiện và triệt phá kịp thời hàng nghìn vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ, ngăn chặn được những thiệt hại khôn lường.

Hiện nay, khu vực châu Á và châu Phi được coi là hai “điểm nóng” trên thế giới về tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các sản phẩm phần mềm máy tính và băng đĩa nhạc, phim. Đây cũng là nơi mà các loại tội phạm về sở hữu trí tuệ lợi dụng hoạt động mạnh nhất. Trong thời gian tới, Interpol sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng các quốc gia thành viên trong khu vực nhằm ngăn chặn, tiến tới triệt xóa tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ tại hai khu vực này

N.H.Đ. (tổng hợp)
.
.