Iran chuẩn bị “vũ khí khủng” đáp trả đòn trừng phạt của Mỹ
- Tổng thống Iran sẽ không gặp ông Trump khi tới Mỹ
- Iran chuyển tên lửa cho phiến quân ở Iraq
- Căng thẳng Mỹ - Iran: Cuộc chiến tranh vùng xám?
Ngày 4-9-2018, Tổng thống Hassan Rohani quyết định Iran sẽ xuất khẩu dầu từ một cảng trên biển Arập chứ không còn từ Vùng Vịnh nữa. Đây là bước chuẩn bị để Tehran đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường biển huyết mạch đối với các tàu chở dầu Trung Đông di chuyển từ Vịnh Ba Tư tới biển Arập.
Tổng thống Rohani nói rõ rằng việc dời địa điểm xuất khẩu dầu từ đảo Kharg đến cảng Bandar-e Jask đã bắt đầu và sẽ hoàn thành từ nay đến cuối nhiệm kỳ của ông vào năm 2021. “Đây là một vấn đề chiến lược rất quan trọng đối với tôi. Phần lớn lượng dầu xuất khẩu của chúng tôi phải vượt qua Kharg đến Jask”, ông Rohani nói trong một bài phát biểu được đài truyền hình nhà nước phát đi nhân dịp lễ khánh thành 3 nhà máy hóa dầu ở Assalouyeh, phía nam Iran.
Để đến đảo Kharg, ở Vùng Vịnh, các tàu chở dầu Iran phải băng qua eo biển Hormuz, điều này khiến thời gian giao hàng phải tốn thêm vài ngày so với việc xuất phát từ cảng Jask ở biển Arập.
Iran chuẩn bị đóng eo biển Hormuz. |
Theo giới quan sát quốc tế, bước đi đầy toan tính trên của Iran là sự chuẩn bị cho việc đóng cửa eo biển Hormuz. Đây là đòn đáp trả cứng rắn nhất mà Tehran chuẩn bị cho đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ với Iran (sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới). Trong quá khứ, Iran, tự coi mình là người bảo vệ lịch sử của Vùng Vịnh, đã nhiều lần đe dọa chặn eo biển Hormuz - cũng được sử dụng với đối thủ lớn của khu vực là Saudi Arabia, để chống lại lệnh cấm vận của Mỹ hoặc hành động quân sự của Mỹ trong khu vực.
Việc chuyển địa điểm xuất khẩu dầu của Iran đến Bandar-e Jask về lý thuyết sẽ cho phép Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu theo đường biển ngay cả trong trường hợp đóng cửa eo biển Hormuz. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng của Chính phủ Mỹ, 35% lượng dầu của thế giới đi qua eo biển Hormuz. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển này, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo như báo động của ông Robert McNally trên kênh truyền hình CNBC.
Các nhà phân tích của Bank of America Merrill Lynch đưa ra đánh giá rằng cứ mỗi một triệu thùng biến mất trên thị trường, giá dầu có thể tăng 17 USD/thùng. Sự gián đoạn lớn cuối cùng của việc vận chuyển dầu qua eo biển này là vào năm 1984, khi xảy ra cuộc xung đột Iran - Iraq (1980-1988). Trong giai đoạn được gọi là “chiến tranh tàu chở dầu” này, Tehran và Baghdad liên tục tấn công các tàu chở dầu của nhau khi đi qua eo biển Hormuz.
Theo Bloomberg, Iran đã xuất khẩu 2,1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 8-2018 nhưng một số nhà phân tích tin rằng xuất khẩu dầu thô của Iran có thể giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng/ngày khi các lệnh cấm vận của Mỹ sắp tới có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Iran cũng đang tìm nhiều đường thoát cho dầu mỏ của mình, đặc biệt là có chính sách giảm giá với các khách hàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ hoặc với các nước láng giềng. Iran có 11 nước láng giềng và có một đội thương thuyền khổng lồ, có thể được sử dụng để phát triển các giải pháp tiếp cận thị trường mục tiêu. Công ty dầu quốc gia Iran (NIOC) mới đây cho biết trong tháng 9 này họ sẽ giảm giá bán dầu cho các khách hàng châu Á.
Hãng tin Bloomberg cho rằng giá bán chính thức của một thùng dầu thô Iran cho các khách hàng châu Á sẽ ở mức thấp nhất trong vòng 14 năm so với giá bán của dầu Arập. Một số khách hàng chính, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, mua khoảng một nửa lượng dầu của Iran, cho biết họ sẽ không nghe lệnh của Mỹ để giảm lượng nhập khẩu dầu từ Iran.
Chính sách của Mỹ với Iran đang đi vào ngõ cụt. |
Để lách lệnh cấm vận của Mỹ, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép thực hiện việc vận chuyển dầu nhập khẩu từ Iran bằng tàu chở dầu của Iran sau khi Shipping Corporation of India ngừng vận chuyển vì mối đe dọa trừng phạt của Mỹ, tờ The Asian Age ngày 4-9 dẫn nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ cho biết.
Tehran cũng thay đổi chiến lược thu hút đầu tư. Trong khi các tập đoàn lớn của phương Tây đã rút hầu hết khỏi Iran, Tehran quay sang mời các công ty vừa và nhỏ. “Trong bối cảnh các công ty lớn rời khỏi Iran dưới áp lực trừng phạt của Mỹ, những công ty nhỏ hơn có thể thay thế vị thế của họ. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm đến hợp tác với Iran”, Phó Giám đốc điều hành công ty dầu mỏ Iran Sepahan (SOC), Masoud Ahmadzadeh, cho biết.
SOC đã ký vào giữa tháng 8-2018 một hợp đồng với công ty EDL của Đức. Ông Ahmadzadeh cho biết phía Iran đã nêu lên vấn đề trừng phạt của Mỹ trong các cuộc đàm phán nhưng EDL không coi đó là trở ngại. “Chính phủ Đức và Liên minh châu Âu không ngăn cản các công ty của họ hợp tác với Iran và thậm chí còn hỗ trợ để họ không bị trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến công việc. Chỉ có những tập đoàn lớn sợ bị ảnh hưởng nên mới rút lui còn những công ty vừa và nhỏ giống như những người “không có tóc”, Washington khó lòng tóm được họ”, ông Ahmadzadeh cho biết.
Dưới góc độ địa chính trị, nhà báo Pháp Renaud Girard cho rằng tại vùng Trung Đông, Iran và các đồng minh đã thu được thắng lợi trong nhiều hồ sơ quan trọng. Nếu làm căng với Iran, Mỹ sẽ càng khó quản lý vùng đất chiến lược được bao đời Tổng thống Mỹ gây dựng. Mặt khác, theo ông Renaud Girard, chiến lược mà Iran theo đuổi chắc chắn sẽ từ chối đối thoại với Washington, với lý do phẩm giá của dân tộc Iran bị chà đạp.
Cũng theo nhà báo Girard, Hoa Kỳ sẽ sai lầm nếu đi theo các khuyến cáo cực đoan của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Chính trị gia “diều hâu” này chủ trương bần cùng hóa, bóp nghẹt người dân Iran với hy vọng là họ sẽ vùng lên lật đổ chính quyền. Thế nhưng, chiến lược này có nguy cơ tạo hiệu ứng ngược: Tổng thống Rohani, được cho ôn hòa, có thể bị thất thế và phe quân đội cứng rắn lên ngôi. Một khi điều đó xảy ra, cuộc đối đầu Mỹ-Iran sẽ leo thang nguy hiểm.
Nhà báo Pháp nhận định, giới sinh viên và doanh nhân Iran có xu hướng thân phương Tây. Iran sẽ từng bước chuyển đổi thông qua cải cách chứ không phải bằng một cuộc cách mạng hay bạo lực. Dường như chính quyền Washington không hiểu được điều này. Chính vì thế, Mỹ đang theo đuổi chiến lược đi vào ngõ cụt.