Iran tiết lộ máy bay ném bom không người lái: “Sứ giả của tử thần”

Thứ Sáu, 27/08/2010, 23:45
Ngay sau khi đưa vào vận hành nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, Iran lại vừa trình làng một máy bay không người lái có khả năng mang bom và tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp với tầm hoạt động 1.000km. Theo giới quan sát thì đây rõ ràng là một thông điệp mới mà Tehran muốn gửi đến Tel-Aviv và Washington.

"Iran đang khoe cơ bắp của mình". Đó là tựa đề bài báo đăng trên tờ Le Monde số ra ngày 23/8 của Pháp khi nói về việc Iran tiết lộ máy bay ném bom không người lái đầu tiên. Theo tác giả bài báo, loại máy bay này chỉ dài 4m, có thể mang được tới 4 quả tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp với tầm hoạt động khoảng 1.000km. Với khoảng cách như vậy, loại máy bay không người lái này không thể bay đến lãnh thổ Israel, quốc gia mà Iran luôn coi là kẻ thù.

"Loại máy bay này, như một sứ giả của tử thần đối với kẻ thù của nhân loại, là một thông điệp cho hòa bình và hữu nghị" - Tổng thống Iran Ahmadinejad nói tại buổi lễ khánh thành loại máy bay này, trùng vào ngày kỷ niệm Công nghiệp quốc phòng thường niên của Iran. Theo lời Tổng thống Iran, mục tiêu của máy bay này, tên là "Karrar" (Tấn công), là "làm cho kẻ thù tê liệt ngay tại căn cứ của chính họ". Ông Ahmadinejad nói thêm rằng Karrar chỉ được dùng để phòng thủ và làm nản lòng kẻ thù. Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad cũng tiết lộ chương trình này sẽ tiếp tục "cho tới khi kẻ thù của nhân loại tuyệt vọng trong âm mưu tấn công Iran".

Buổi giới thiệu Karrar diễn ra chỉ một ngày sau khi Iran thông báo bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên với sự trợ giúp của Nga, trong lúc quốc tế quan tâm về khả năng Iran có thể dùng kỹ thuật này vào mục đích quân sự. Tuy vậy, Iran luôn nói rằng họ chỉ dùng kỹ thuật hạt nhân trong việc sản xuất điện. Trước đó, ngày 20/8, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi cho biết, nước này đã phóng thử thành công một tên lửa đất đối đất mới có tên Qiam.

Trong tuyên bố ngày 21/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết vẫn tiếp tục giám sát nhà máy điện hạt nhân của Iran ở thành phố Bushehr. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington không nhận thấy "nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nào" từ nhà máy trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Darby Holladay nói: "Chúng tôi nhận thấy lò phản ứng Bushehr được thiết kế nhằm cung cấp điện hạt nhân dân dụng và không coi đó là nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định Iran không cần làm giàu urani nhằm thu được năng lượng hạt nhân sau khi nhà máy Bushehr bắt đầu nạp nhiên liệu. Thông cáo của bộ trên nêu rõ: "Iran phải lấy lại niềm tin của cộng đồng quốc tế bằng việc ngừng các hoạt động nhạy cảm vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc". Trong khi đó, Israel lại cho rằng, việc nạp nhiên liệu cho nhà máy trên là hoàn toàn không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi gia tăng sức ép từ phía cộng đồng quốc tế nhằm buộc Tehran ngừng mọi hoạt động làm giàu urani.

Nhắc đến đe dọa do Israel thỉnh thoảng đưa ra đối với các cơ sở hạt nhân của Iran, Tổng thống Ahmadinejad cho rằng điều này rất khó xảy ra, nhưng ông cũng khẳng định, nếu có, thì phản ứng của Iran sẽ là không đo lường được. Ngày 16/8, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton nói rằng  Israel có "8 ngày" để tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào cơ sở hạt nhân Bushehr của Iran và ngăn chặn Tehran sở hữu một nhà máy nguyên tử vận hành. Theo ông John Bolton, khi nhiên liệu hạt nhân đã được đưa vào sẽ là quá muộn để  Israel tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào cơ sở trên vì bất cứ cuộc tấn công nào cũng sẽ làm phát tán phóng xạ, ảnh hưởng đến dân thường Iran.

Tổng thống Ahmadinejad (phải) gọi loại máy bay này là "sứ giả của tử thần" đối với kẻ thù của Iran.

Ông John Bolton nói với Fox Business Network rằng: "Khi uranium và những thanh nhiên liệu ở trong lò phản ứng, việc tấn công cơ sở này sẽ làm phát tán phóng xạ. Chắc chắn như vậy. Do đó nếu  Israel định làm gì đó với Bushehr, họ phải thực hiện trong vòng 8 ngày tới". Theo ông John Bolton, nếu không có một cuộc tấn công của  Israel, Iran sẽ đạt được điều mà không một kẻ thù nào khác của  Israel, không một kẻ thù nào khác của Mỹ ở Trung Đông thực sự có được, đó là một lò phản ứng hạt nhân vận hành. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có nghĩ  Israel sẽ thực sự tấn công Iran trong 8 ngày tới hay không, ông John Bolton nói: "Tôi không nghĩ vậy. Tôi e họ sẽ bỏ lỡ cơ hội này".

Ngay sau khi bình luận trên của cựu Đại sứ Mỹ John Bolton được đưa ra, Giám đốc IAEA Iran Ali Akbar Salehi nói với Hãng Thông tấn Nhà nước IRNA rằng: "Tấn công một nhà máy quốc tế là tội ác quốc tế vì hậu quả sẽ không chỉ giới hạn ở quốc gia sở hữu mà sẽ gây ra hậu quả toàn cầu". Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast đã bác bỏ khả năng Israel tấn công nhà máy Bushehr. Ông Mehmanparast nói: "Những lời đe dọa như vậy đã được lặp đi lặp lại nhiều lần và không còn ý nghĩa. Theo luật pháp quốc tế, các cơ sở có nhiên liệu hạt nhân trên thực tế là không thể tấn công vì những hậu quả nhân đạo".

Trong khi đó, Mỹ và  Israel chưa bao giờ loại trừ khả năng tấn công quân sự để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Nếu Israel hay Mỹ mở cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran thì nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh quy mô lớn ở khu vực Trung Đông là điều khó tránh khỏi. Bởi Iran cũng không thể ngồi bó tay trước cuộc tấn công mà sẽ có hành động đáp trả nhằm vào Israel, thì khi đó xung đột vũ trang bùng phát và nhanh chóng lôi kéo một số quốc gia khác tham gia

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.