Iran tìm cách thoát trùng vây

Thứ Năm, 23/08/2018, 13:06
Iran cho rằng Mỹ đang tiến hành một cuộc lật đổ, đồng thời cho biết có thể cắt giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân; khẳng định Iran sẽ vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ, bảo vệ đất nước bằng các chương trình phát triển tên lửa, máy bay chiến đấu và vũ khí hiện đại...


Không để lịch sử lặp lại

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, "Nhóm hành động về Iran" sẽ thúc đẩy chiến lược của Washington "gây sức ép tối đa" để Tehran thay đổi cách hành xử. Nhiệm vụ của nhóm là chỉ đạo, rà soát và điều phối "tất cả các khía cạnh trong hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan vấn đề Iran" và sẽ báo cáo định kỳ trực tiếp với Ngoại trưởng. Ngoại trưởng Pompeo đã chỉ định ông Brian Hook, hiện là giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, đứng đầu nhóm với chức danh Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran.

Phát triển tên lửa luôn được Iran chú trọng. Ảnh: New York Post.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngay lập tức ra tuyên bố cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ thành lập “Nhóm hành động về Iran” nhằm âm mưu lật đổ chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani. Viết trên Twitter, ông Zarif nhắc lại rằng vào năm 1953, Mỹ đã lật đổ chính phủ của Thủ tướng Iran Mohammad Mosaddegh và khôi phục chế độ “độc tài và nô dịch” trong hơn 2 thập niên sau đó. Năm ngoái, Mỹ công bố 1.000 trang tài liệu hé lộ vai trò của Cục Tình báo trung ương (CIA) trong cuộc đảo chính ở Iran vào năm 1953.

Theo chuyên trang Foreign Policy, CIA tiến hành mua chuộc quy mô lớn, đút lót hàng loạt quan chức nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, giáo sĩ Hồi giáo và thậm chí là các băng đảng tội phạm, từ đó châm ngòi cuộc nổi dậy lật đổ Thủ tướng Mosaddegh. Kết quả là Quốc vương Mohammed Reza Pahlavi được Mỹ giúp khôi phục quyền lực trước khi bị lật đổ bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. 

Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 65 năm chính quyền Iran dưới thời Thủ tướng Mohammad Mosaddegh bị lật đổ sau cuộc đảo chính do Mỹ và Anh hậu thuẫn, nhà ngoại giao hàng đầu của Iran Javad Zarif khẳng định, sẽ không để lịch sử lặp lại. “Giờ đây nhóm hành động này mơ ước tiến hành điều tương tự thông qua áp lực, thông tin sai lệch và chính sách mị dân. Điều đó sẽ không bao giờ tái diễn”, ngoại trưởng Iran viết.

Sau tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Mỹ, căng thẳng Mỹ- Iran được đẩy lên một nấc thang mới. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNN, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 19-8 tuyên bố, Mỹ "mắc căn bệnh nghiện trừng phạt". Ngoại trưởng Iran nhận định rằng việc ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã là một sai lầm lớn, khi sau cùng Iran vẫn phải đối mặt với “cơn nghiện cấm vận” này. 

Ông Zarif bày tỏ thất vọng rằng, Mỹ vẫn chưa nhận ra bài học là các biện pháp trừng phạt đều không có hiệu quả trong việc thay đổi môi trường chính trị tại Iran. “Đây có lẽ là một trong những sai lầm lớn nhất của chúng tôi. Vấn đề là khi đó chúng tôi cảm thấy Mỹ đã nhận ra rằng những hình thức cấm vận mặc dù gây ra những khó khăn về kinh tế nhưng nó lại không mang lại hiệu quả chính trị mà họ mong muốn. Tôi nghĩ người Mỹ đã học được bài học của mình. Đáng tiếc là tôi đã nhầm”, ông Zarif nói.

Tuy nhiên, ông Zarif cũng bày tỏ niềm tin rằng, thỏa thuận hạt nhân có thể được phục hồi dù bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích. Theo ông, sức ép từ các đồng minh châu Âu có thể thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi ý kiến.

Vòng vây lỏng lẻo, nguy cơ thổi phồng và "cục tiền" bán vũ khí

Có thể thấy rõ, cách làm đối lập từ hai bộ ngoại giao hai nước cho thấy cơ hội để họ tiến lại gần nhau là không nhiều. Bởi sức ép kinh tế không phải là công cụ duy nhất của Mỹ và các đồng minh sử dụng để đối phó với Iran. Trong những tháng gần đây, chính quyền của ông D.Trump đã âm thầm thúc đẩy một liên minh an ninh mới với 6 quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Qatar và Oman cũng như Ai Cập và Jordan, để đối phó với Iran.

Saeqeh – một loại máy bay chiến đấu mới của Iran.

Được biết đến là Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) hay báo chí quốc tế gọi là liên minh “NATO Arab”, các quan chức Mỹ và Arab cho biết liên minh này đang được lên kế hoạch trong một nỗ lực mở rộng hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, phòng thủ tên lửa và huấn luyện quân sự, nhằm giải quyết các thách thức an ninh do Iran và các nhóm thân Iran tạo ra.

Tuy nhiên, ngay khi hình thành khái niệm về liên minh “NATO Arab”, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm không ổn về cấu trúc và khó thành công. Không giống như các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được thành lập trên cơ sở những lợi ích chung hoặc ít nhất cũng là văn hóa chiến lược chung để đối phó với mối đe dọa Xôviết, các quốc gia do người Sunni lãnh đạo mà chính quyền ông D.Trump hy vọng gia nhập liên minh mới này sẽ không nhất trí với những vấn đề cơ bản, bao gồm cả câu hỏi quan trọng về cách tốt nhất nào để tiến hành quan hệ với Iran. 

Trong khi Saudi Arabia và UAE coi Tehran là kẻ thù lớn nhất và đang diễn ra một cuộc chiến đấu kéo dài chống lại các lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen, Kuwait và, đặc biệt, Oman về lịch sử đã tận hưởng hòa bình và có nhiều giai đoạn hợp tác gần gũi với Iran. Trong khi Muscat đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán bí mật giữa các quan chức Iran và Mỹ để cuối cùng dẫn tới thỏa thuận hạt nhân lịch sử được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thì Saudi Arabia, UAE và Bahrain nhất quyết phản đối JCOA.

Chưa rõ có phải Mỹ lợi dụng chuyện Iran để kích động nỗi lo sợ, thổi phồng nguy cơ để bán vũ khí không mà trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Riyadh năm 2017, ngay sau ý tưởng thúc đẩy một liên minh “NATO Arab” xuất hiện, ông D.Trump và Quốc vương Saudi Arabia đã ký một loạt thỏa thuận bao gồm một hợp đồng bán vũ khí trị giá khoảng 110 tỷ USD, có hiệu lực ngay lập tức, cùng với một hợp đồng khác trị giá 350 tỷ USD cho thập kỷ tới.

"Cứng" để không bị dồn vào đường cùng

Cho dù đó là kế hoạch gì của Mỹ, Iran luôn khẳng định, nước này không dễ bị dồn vào đường cùng. Bất chấp mọi đòn ngăn chặn từ Mỹ, Hãng tin Reuters dẫn lời Phó Tổng thống Iran Eshagh Jahangiri khẳng định nước này vẫn sẽ tìm cách xuất khẩu dầu. Vị Phó Tổng thống này còn nhấn mạnh Iran “sẽ không bị dồn vào đường cùng” vì các lệnh cấm vận của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hatami đứng trước mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới của nước này. Ảnh: AFP

Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Behrooz Kamalvandi tuyên bố việc duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 chỉ có ý nghĩa nếu Iran có thể được hưởng lợi từ thỏa thuận quốc tế này, nếu không Tehran có thể cắt giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận. 

"Cần phải có sự cân bằng giữa các cam kết và lợi ích của Iran từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được biết đến là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Nếu chúng tôi thực hiện các nghĩa vụ của mình mà không nhận được bất cứ lợi ích nào, thì việc tiếp tục thực thi thỏa thuận sẽ không có ý nghĩa gì và chúng tôi có thể cắt giảm các cam kết của chúng tôi", Hãng tin Mehr của Iran dẫn lời ông Kamalvandi.

Đề cập đến quyết định của AEOI về tương lai của JCPOA, ông Kamalvandi cho biết Tehran sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống. Ông cũng đánh giá cao quyết tâm và các nỗ lực của các quốc gia châu Âu nhằm bảo vệ lợi ích của Iran từ JCPOA do hậu quả của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, đồng thời cho hay Iran sẽ xem xét các kết quả hợp tác với các nước châu Âu trước khi quyết định các bước đi tiếp theo.

Ông Kamalvandi nhấn mạnh rằng nếu các bên khác, đặc biệt là các nước châu Âu, tăng cường các nỗ lực nhằm duy trì JCPOA, Iran sẽ tiếp tục tuân thủ các cam kết của mình. Ngày 19-8, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Es'haq Jahangiri cho biết EU đã cam kết hành động trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào dầu mỏ và hoạt động ngân hàng của Iran có hiệu lực vào tháng 11 tới. 

Kênh truyền hình Press TV (Iran) dẫn phát biểu của ông Jahangiri cho hay các nước châu Âu đã cam kết đưa ra các biện pháp nhằm bù đắp cho những thiệt hại mà Iran có thể sẽ phải gánh chịu. Tháng trước, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini thông báo rằng Hội đồng châu Âu đã khởi động một quy chế ngăn chặn nhằm ngăn cản các công ty tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran. 

Khi gói trừng phạt đầu tiên mà Mỹ tái áp đặt đối với Iran có hiệu lực, bà Mogherini và ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức đã đưa ra tuyên bố trong đó cam kết thực thi các bước đi tức thì nhằm bảo vệ các công ty châu Âu cũng như nỗ lực duy trì "các kênh tài chính hiệu quả" với Iran.

Tuyên bố thì như vậy, nhưng dường như châu Âu đang bị kẹt giữa Iran và Mỹ, chưa biết điều gì có thể xảy ra. Ngày 19-8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng các nước châu Âu tuy tuyên bố như vậy nhưng chưa có nhiều hành động chứng tỏ họ sự sẵn sàng "trả giá" để chống lại Washington nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Phát biểu với CLB các nhà báo trẻ Iran, ông Zarif cho rằng các nước châu Âu đã đưa ra những đề xuất nhằm duy trì trao đổi dầu mỏ và ngân hàng với Iran sau khi Mỹ triển khai áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt giai đoạn 2 vào đầu tháng 11 tới, nhưng những đề xuất này mới chỉ thể hiện quan điểm chứ chưa có tính thực tiễn.

Ngày 18-8, Phó Tổng thống Eshagh Jahangiri tuyên bố nước này sẽ vượt qua sức ép từ lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách dựa vào tài nguyên thiên nhiên và con người của đất nước, trong bối cảnh Washington đang hối thúc các đồng minh cắt đứt quan hệ kinh tế với Tehran. Theo ông Jahangiri, lượng tài mỏ và khí đốt của Iran đứng đầu thế giới, trong khi khoáng sản và kim loại cũng thuộc Top 10. Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cũng đã kêu gọi hành động “nhanh chóng và chính xác", sau khi người đứng đầu cơ quan tư pháp của đất nước cho biết Tehran đang phải đối mặt với “cuộc chiến kinh tế”.

Ngoài việc phát triển kinh tế, Iran còn đặc biệt ưu tiên phát triển năng lực phòng thủ tên lửa. Ngày 19-8, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami tiết lộ nước này sẽ công bố mẫu chiến đấu cơ mới vào ngày Công nghiệp quốc phòng (22-8), đồng thời nhấn mạnh ưu tiên phát triển tên lửa mới. Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Amir Hatami hoan nghênh những thành tựu mà quân đội Iran đã đạt được trong thời gian qua và kêu gọi tiếp tục nâng cấp sức mạnh tên lửa của nước này. 

Ông Hatami nhấn mạnh vấn đề tên lửa là ưu tiên hàng đầu của Iran đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực này. Theo Hãng tin Fars, hải quân Iran cũng vừa thông báo, lần đầu tiên trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ nội địa Kamand trên tàu chiến. Chuẩn đô đốc Hossein Khanzadi cho biết việc thử nghiệm trên biển đã thành công và hệ thống sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi.

Trong suốt một thời gian dài phương Tây cho rằng chương trình tên lửa của Iran là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự căng thẳng giữa nước này và các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, chương trình này lại được Tehran coi là yếu tố sống còn đối với hệ thống quốc phòng của mình trong bối cảnh tình hình an ninh trong khu vực bất ổn. 

Tuy nhiên, Iran liên tục bác bỏ những quan ngại của các nước phương Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi khẳng định chương trình tên lửa của nước này hoàn toàn bình thường và mang tính phòng thủ, giống như mọi quốc gia khác trên thế giới đồng thời khẳng định chính sách khu vực mà Iran hướng tới là hợp tác và đối thoại, không phải theo giải pháp quân sự.

Ông Hatami còn khẳng định quân đội Iran chưa từng và cũng không bao giờ phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt hay vũ khí hạt nhân. Để ngăn chặn chương trình trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, đã kêu gọi các cường quốc thông qua thỏa thuận mới nhằm hạn chế năng lực tên lửa và ảnh hưởng của Tehran trong khu vực.

Hoa Huyền
.
.