Iraq sau bầu cử: Lợi thế cho Iran

Thứ Hai, 18/06/2018, 10:40
Đúng một tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội gây sốc, các liên minh chính trị ở Iraq tiếp tục gây chú ý trong quá trình hình thành liên minh chia sẻ quyền lực để thành lập chính phủ. Ngày 12-6, lãnh đạo hai liên minh giành chiến thắng đã tuyên bố bắt tay nhau thành lập “đại liên minh”, đồng thời mở rộng cánh cửa chào đón các đảng phái khác cùng quan điểm, kể cả liên minh thất bại của đương kim Thủ tướng cùng tham gia.

Cuộc bầu cử Quốc hội Iraq ngày 13-5 được Ủy ban Bầu cử quốc gia công bố chính thức như sau: Liên minh Sairoon của giáo sĩ Muqtada al-Sadr giành chiến thắng với 54 ghế, Liên minh Fatah (Chinh phục) của ông Hadi al-Amiri về nhì với 47 ghế, và Liên minh Nasr (Thắng lợi) của đương kim Thủ tướng Haider al-Abadi chỉ về thứ ba với 42 ghế.

Sau cuộc họp thương thảo ngày 13-6, hai lãnh đạo liên minh giành chiến thắng đã đạt được thỏa thuận thành lập một “đại liên minh” nhằm tìm kiếm đủ số ghế đa số quá bán để thành lập chính phủ. Với số ghế đạt được, hai liên minh Sairoon của ông al-Sadr và Fatah của ông Amiri chỉ mới “gom” được 101 ghế trên tổng số 329 ghế trong Quốc hội, còn thiếu đến 64 ghế nữa. Vì vậy, hai ông tuyên bố mở rộng cửa chào đón tất cả các đảng phái tham gia “đại liên minh” do hai ông dẫn dắt.

Kết quả bầu cử nêu trên đã gây sốc trong giới chính trị không chỉ ở Iraq mà cả ở Mỹ. Không ai có thể nghĩ đến chuyện đảng của đương kim Thủ tướng Abadi lại thất bại một cách thảm hại như thế. Ông Abadi vừa giành được những thắng lợi quan trọng trên mặt trận chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giành lại các vùng lãnh thổ từng bị chiếm trước đây.

Đất nước Iraq do ông lãnh đạo đang dần dần khôi phục cả về mặt kinh tế sau hơn 10 năm chiến tranh tàn phá. Nhưng có lẽ chỉ có Abadi mới hiểu được vì sao cho dù gặt hái một số thành quả quan trọng như vậy mà vẫn không tạo được sự tín nhiệm cao của người dân Iraq.

Thực ra, điểm trừ lớn nhất dành cho Abadi chính là việc ông giành những kết quả quan trọng đó với sự hỗ trợ từ các cường quốc bên ngoài, cả Iran và Mỹ. Sự kiện ngày 12-6 là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy người Iraq đang theo xu hướng tinh thần dân tộc chủ nghĩa và mong muốn tự quyết các vấn đề của riêng mình, không muốn có sự can thiệp từ bên ngoài, cụ thể là Mỹ và kể cả Iran.

Mỹ từng đưa quân đội chiếm đóng Iraq trong nhiều năm kể từ cuộc chiến xâm lược lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein năm 2003 chấm dứt năm 2011. Nhưng chỉ 3 năm sau, với sự trỗi dậy của lực lượng IS, Iraq có nguy cơ rơi vào tay khủng bố, Mỹ đã quyết định đưa quân trở lại Iraq với số lượng hạn chế nhằm hỗ trợ quân đội Iraq chiến đấu chống IS.

Sự xuất hiện trở lại của quân đội Mỹ đã gây phản ứng tiêu cực trong dân chúng, vì nó làm người ta nhớ lại những năm tháng chiến tranh tàn khốc do người Mỹ gieo rắc trên quê hương mình.

Trong khi đó, việc Liên minh Fatah về nhì cũng được xem là một sự thụt lùi nhất định của Iran tại Iraq, vì Fatah vốn là liên minh chính trị thân Iran, chịu sự ảnh hưởng mạnh từ dòng Hồi giáo Shiite ở Iran. Iran vốn có ảnh hưởng rất sâu rộng trong chính trường Iraq kể từ khi ông Saddam Hussein bị lật đổ.

Giáo sĩ Muqtada al-Sadr.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã từng đưa người sang Iraq chiến đấu trong những năm dầu sôi lửa bỏng 2004-2006, và gần đây nhất là cử các cố vấn, chuyên gia quân sự sang hỗ trợ quân đội Iraq, bên cạnh người Mỹ. Ở một góc nhìn khác, giới bình luận cho rằng trong mấy năm qua Iran đã mở rộng tầm ảnh hưởng rất mạnh trong toàn khu vực Trung Đông, trong đó Iraq và Syria là hai địa bàn quan trọng nhất. Và cuộc bầu cử lần này được xem là một kiểm chứng đối với sức ảnh hưởng của Iran tại Iraq.

Mặc dù Liên minh Fatah không giành chiến thắng tuyệt đối, chịu lép vế trước Liên minh Sairoon, nhưng việc hai liên minh này bắt tay hình thành hạt nhân của một đại liên minh chính trị cũng có thể cho rằng Iran đang có lợi thế nhất định, và ảnh hưởng của Iran tại Iraq chưa hề suy giảm.

Chiến thắng của Liên minh Sairoon của giáo sĩ Muqtada al-Sadr cho thấy người Iraq đang hướng theo tinh thần dân tộc mà al-Sadr là đại diện tiêu biểu nhất. Al-Sadr nổi tiếng là giáo sĩ chống Mỹ trong giai đoạn hỗn loạn ở Iraq với phong trào nổi dậy của lực lượng Hồi giáo dòng Sunni.

Mặc dù chống người Hồi giáo Sunni, nhưng al-Sadr cũng chống luôn người Mỹ vì không chấp nhận sự chiếm đóng và can thiệp của người Mỹ vào chuyện nội bộ Iraq. Al-Sadr được biết đến với quan điểm rằng “hãy để người Iraq giải quyết chuyện của người Iraq”, các thế lực bên ngoài không cần can thiệp vào.

Chủ trương mang tính dân tộc này từng giúp al-Sadr trở thành ngôi sao trong thời kỳ Iraq chìm trong bạo lực chiến tranh, nay tiếp tục giúp ông vượt lên dẫn đầu chính trị Iraq. Tuy Liên minh Sairoon giành chiến thắng, nhưng do al-Sadr không tham gia ứng cử nên ông sẽ không tham gia trực tiếp vào nghị trường, mà đứng đằng sau hậu trường điều hành mọi hoạt động của liên minh.

Do những cáo buộc gian lận tại một số khu vực bầu cử nên Ủy ban Bầu cử quốc gia Iraq quyết định kiểm lại phiếu bầu bằng tay để bảo đảm tránh sai sót. Mặc dù hiện tại việc kiểm lại phiếu vẫn đang diễn ra, nhưng Thủ tướng Abadi vẫn hối thúc các liên minh chiến thắng tiếp tục đàm phán thành lập đại liên minh để có thể thành lập chính phủ một khi việc kiểm phiếu hoàn tất và kết quả được công nhận chính thức.

Ngày 13-6, trong tuyên bố thành lập liên minh, hai ông al-Sadr và Amiri đồng thời cũng kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị Iraq hãy tham gia đại liên minh để cùng chung sức thực hiện một chương trình của chính phủ với sự đồng thuận chung của tất cả để đối phó với những thách thức, khó khăn, những vấn đề nan giải mà Iraq đang phải đối mặt.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.