Israel tuyên bố bắt tàu chở “tên lửa Iran”?

Thứ Hai, 17/03/2014, 16:30

Quyết tâm phá hỏng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) đang được Israel thúc đẩy ngày càng quyết liệt hơn với những động thái từ nhỏ đến lớn, kể cả những động thái có thể khiến cộng đồng thế giới nghi ngờ tính xác thực của nó. 

Sau chuyến du thuyết không mấy thành công đến Washington hồi đầu tháng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Israel không chịu lùi bước, tiếp tục dấn thêm bước nữa với tuyên bố "bắt" một tàu chở vũ khí mà Tel Aviv thông báo không ngớt là của Iran chuyển đến cho phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Theo tuyên bố của Tel Aviv, vào ngày 5/3, lính biệt kích thuộc Lực  lượng Quốc phòng Israel (IDF) đã theo dõi và chặn bắt được tàu vận tải KLOS C mang cờ Panama chở tên lửa tầm ngắn khi chiếc tàu này đang trên đường đến cảng biển của Sudan trong Biển Đỏ, ở khu vực giáp ranh giữa hai nước Eritrea và Sudan.

IDF tuyên bố chuyến tàu KLOS C chở nhiều loại vũ khí tấn công, trong đó có những tên lửa tầm ngắn có thể bắn đến tận Tel Aviv, thậm chí Haifa, và rằng số vũ khí này do Iran cung cấp và đang trên đường đến Gaza. IDF đã "vẽ" ra một lộ trình vận chuyển vòng vèo khiến nhiều người ngạc nhiên và không muốn tin. Đầu tiên, số vũ khí xuất phát từ Syria được vận chuyển đến Iran bằng máy bay cách đây vài tháng, rồi từ máy bay chuyển xuống tàu và đi từ cảng Bandar Abbas của Iran đến cảng Umm Qasr của Iraq, sau đó "hàng" được chuyển sang tàu vận tải hành khách dân dụng KLOS C mang cờ Panama đang trên lộ trình đi đến Sudan.

Các quan chức Israel khẳng định, sau khi cập cảng Sudan, số vũ khí đó sẽ được chuyển lậu bằng đường bộ xuyên qua Ai Cập để đến điểm tập kết trên bán đảo Sinai, có thể tại một địa điểm gần khu bảo tồn thiên nhiên Ras Mohammed, và tiếp tục bí mật chuyển vào Gaza.

Vấn đề là, làm sao IDF và các quan chức Israel biết được số vũ khí đó đã đi bằng máy bay từ Syria đến Iran rồi từ cảng Bandar Abbas của Iran đến cảng Umm Qasr của Iraq?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yalon tham quan số vũ khí bắt được trên tàu Klos C.

Ngày 9/3, Israel công bố công khai và mang ra trưng bày số vũ khí được cho là đã bắt được trên tàu KLOS C. Theo số liệu IDF công bố, số lượng vũ khí bắt được trên tàu KLOS C gồm 40 quả tên lửa M-302 có tầm bắn đến 180 km, 181 quả đạn cối và 400.000 viên đạn súng AK.

Ngay sau khi tuyên bố của Israel, chính quyền Iran đã ra thông báo bác bỏ thông tin và cáo buộc từ phía Israel về chuyến tàu và số vũ khí nói trên. Tehran cho rằng chính Tel Aviv đã tự mình "tạo dựng" nên câu chuyện về chuyến tàu vũ khí nói trên và cố tình nhấn mạnh vai trò của Iran trong đó nhằm mục đích quá rõ ràng: trưng ra bằng chứng về các hoạt động vận chuyển vũ khí đe dọa an ninh của Israel nhằm gây sức ép để chính quyền Mỹ và các nước  đồng minh "xét lại" tiến trình đàm phán đi đến hiệp ước hạt nhân với Iran.

Trong vài tháng gần đây, Iran liên tục thực hiện những động thái tích cực nhằm chứng minh cho phương Tây thấy thiện chí, quyết tâm hợp tác giải quyết tốt những gút mắc xung quanh chương trình nghiên cứu hạt nhân của mình. Ngày 2/3/2014, phát biểu trước báo giới sau cuộc họp Hội đồng điều hành Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano đã xác nhận rằng, dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng việc Iran đã và đang thực thi những biện pháp và các cam kết đã ký chứng tỏ nước này đang có bước tiến tích cực về phía trước.

Số tên lửa được Israel đem trưng bày.

Phát biểu của ông Yukiya Amano dựa trên cơ sở là các báo cáo của phái đoàn thanh tra vũ khí được IAEA phái đến Iran làm việc trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký vào tháng 11/2013, và đã được Iran đáp ứng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra vũ khí theo yêu cầu. Trước đó, vào tháng 1/2014, Iran đã thực hiện một phần cam kết tạm dừng hoạt động làm giàu uranium trên 5% để đổi lấy việc được Mỹ và phương Tây nới lỏng trừng phạt, giải phóng tài sản niêm phong trị giá 6 tỉ USD.

Đây là những bước đi quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng niềm tin giữa Iran với các đối tác phương Tây trước khi hai bên bước vào những vòng đàm phán cuối cùng để đi đến ký kết một hiệp ước hạt nhân toàn diện và lâu dài; hạn chót được đưa ra cho việc ký kết hiệp ước đó là ngày 20/7/2014. Một khi hiệp ước đã được ký kết, Iran sẽ đứng trước cơ hội thoát khỏi mọi lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây và Liên Hiệp Quốc sau nhiều năm bị bủa vây trong khó khăn.

Viễn cảnh thuận lợi đó là mơ ước của Iran, nhưng đối với Israel, nó là một viễn cảnh đáng "báo động". Và “chuyến tàu vũ khí” trên là dịp cho Israel “báo động” ầm ĩ.

Ngày 9/3, Thủ tướng Israel Netanyahu đã lên tiếng kêu gọi EU "đối đầu" với Iran về vấn đề "chuyến tàu vũ khí". Nhưng EU, kể cả Mỹ, đều giữ im lặng trước vấn đề chưa được xác minh đầy đủ này

Văn Trương (tổng hợp)
.
.