Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn: Cả hai cùng chiến thắng

Chủ Nhật, 07/09/2014, 17:30

Cuộc chiến Gaza đã kết thúc vào ngày 26/8 sau khi Israel và Hamas cùng đặt bút ký vào bản thỏa thuận ngừng bắn lâu dài do Ai Cập đề xuất và làm trung gian hòa giải. Dư luận tạm thở phào vì Israel và Hamas đã đồng ý chấm dứt những tổn thất, mất mát về người và của, nhưng người ta vẫn hoài nghi rằng, liệu ngừng bắn có thật sự lâu dài hay còn có thể tái diễn bất cứ lúc nào?

Theo giới quan sát, thỏa thuận ngừng bắn bao gồm các điều khoản thỏa thuận không khác mấy so với lần ngừng bắn vào năm 2012. Israel sẽ lại mở cửa các chốt kiểm soát trên biên giới để cho phép vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo và vật tư tái thiết vào Gaza, và sẽ cho phép người Palestine mở rộng thêm 10 km vùng biển đánh bắt hải sản trên biển, ngoài khơi Dải Gaza.

Ngoài ra, cửa ngõ biên giới giữa Gaza với Ai Cập tại thành phố Rafah cũng sẽ được mở lại để cho phép người Palestine thông thương làm ăn, sinh sống. Còn những vấn đề gay go khác, hai bên sẽ phải đàm phán trực tiếp trong vòng 1 tháng, trong đó bao gồm các yêu cầu của Hamas là mở một sân bay và hải cảng ở Gaza và thả các tù nhân Palestine, đồng thời yêu cầu của Israel về việc giải giáp các nhóm vũ trang Palestine và trao trả hài cốt 2 binh sĩ Israel bị mất tích trong cuộc chiến vừa qua.

Ngay khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Gaza vang vọng tiếng súng bắn chỉ thiên mừng chiến thắng, loa phóng thanh cũng vang lên ở các thánh đường thông báo tin mừng, và hàng ngàn người Palestine đã tràn xuống đường để ăn mừng chiến thắng trước Israel.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Gaza City sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, phát ngôn viên Sami Abu Zuhri của Hamas nhấn mạnh: "Thủ tướng  Israel Benjamin Netanyahu đã thất bại trong việc buộc Gaza phải đầu hàng".

Người Palestine ở Gaza có thể mất nhà cửa, thiệt hại nhân mạng và nhiều cơ sở hạ tầng, nhưng họ đã không từ bỏ Hamas, không chấp nhận cúi đầu trước sức mạnh quân sự của Israel. Đó là điều mà Hamas xem là chiến thắng lớn nhất. Israel chấp nhận ngừng bắn vô điều kiện và vô thời hạn, đồng thời sẽ tiếp tục đàm phán về các yêu sách Hamas đã đặt ra. Hamas xem đó là thành công vì đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.

Lãnh đạo Hamas Mahmoud Zahar (thứ hai từ phải sang) ăn mừng chiến thắng sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết.

Nhưng ở phía bên kia, Israel mừng chiến thắng còn lớn hơn, có phân tích và khẳng định sự thắng lợi với vẻ tự tin và chắc chắn hơn hẳn. Báo chí Israel tự tin khẳng định: Hamas đã bị đánh bại và buộc phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Israel vì kho vũ khí của tổ chức này hiện nay đã giảm còn 20%, không đủ khả năng chiến đấu lâu dài.

Tờ Haaretz (Israel) nhận định, Hamas đã phải "bò" đến thỏa thuận vì đã không chấp nhận các điều kiện thỏa thuận ngay từ đầu với Israel. Tờ báo này phân tích, trong 50 ngày giao chiến đã có đến 8 lần thỏa thuận ngừng bắn, và chính những lần thỏa thuận đó là cơ hội để Hamas chấp nhận những điều kiện mở mà Israel đặt ra.

Haaretz nhắc lại những lần xảy ra chiến tranh những năm trước đây giữa Israel với các tổ chức Hồi giáo xung quanh, như với Hezbollah trong cuộc chiến 34 ngày năm 2006 và với Hamas ít nhất là 2 lần vào năm 2008-2009 và 2012, và khẳng định rằng, trong những lần giao chiến đó, Israel đều là kẻ chiến thắng(?)

Vâng, Israel đã tự cho mình chiến thắng và xem đó như những chiến tích trước các tổ chức Hồi giáo có hỏa lực quân sự rất mỏng so với một quân đội được trang bị hiện đại và đầy đủ vũ khí, khí tài như mình. Israel tự hào đã chiến thắng Hezbollah năm 2006, nhưng cuộc chiến đó Hezbollah đã không đầu hàng, Hamas cũng chưa bao giờ đầu hàng Israel mà các bên chỉ chấm dứt giao chiến bằng các thỏa thuận ngừng bắn (chứ không có ký kết hiệp ước hòa bình).

Các tay súng Al-Nusra tiến lên cao nguyên Golan.

Chiến tranh giữa Israel và Hamas tạm thời chấm dứt đã để lại hậu quả khá nặng nề cho Dải Gaza. Hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là dân thường, trong đó có hơn 500 trẻ em. Ít nhất 11.000 người bị thương. 17.000 ngôi nhà bị phá hủy hay bị hư hại nặng, khoảng 600.000 người mất nhà cửa hoặc phải sơ tán để tránh bom đạn, nhiều người hiện nay phải sống trong những nơi trú ẩn tập trung do Liên Hiệp Quốc (LHQ) lập nên để cứu trợ trong chiến tranh. Hàng trăm trường học, hàng chục cơ sở y tế, hàng trăm nhà máy, nhiều tòa nhà cao tầng và gần 100 thánh đường Hồi giáo đã bị tên lửa và đạn pháo Israel đánh sập, phá hủy. Sự tàn phá đã đẩy Gaza lùi lại hàng thập kỷ, và công tác tái thiết có thể kéo dài nhiều năm.

Phía Israel cũng có 64 người chết, trong đó có 10 thường dân, hàng trăm gia đình cư ngụ gần Gaza phải sơ tán. Cho đến giờ chót, không lâu trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào 19 giờ ngày 26/8, vẫn có thêm 2 trẻ em Palestine ở Khan Younis, 1 trẻ em Israel thiệt mạng và một số người bị thương do bom đạn của cả hai bên. Lại thêm một tòa nhà 7 tầng ở Beit Lahiya bị đánh sập vào phút chót.

Nhìn vào hậu quả chiến tranh, rõ ràng Israel đã chiến thắng Hamas trên phương diện bên nào ít bị tàn phá hơn, ít chết chóc hơn là thắng. Còn về các phương diện khác, Israel không thể gọi là đã thành công với tư cách là một quốc gia. Đánh phá Gaza lần này, Israel đã đánh mất thêm uy tín trên trường quốc tế và đang bị  Ủy ban Nhân quyền LHQ điều tra tội phạm chiến tranh do đi quá giới hạn cho phép, bắn giết thường dân vô tội một cách có chủ tâm và bừa bãi.

Trong một diễn biến khác, Israel bắt đầu có mối bận tâm mới trên khu vực biên giới phía Bắc. Lữ đoàn Golani của phiến quân Syria Jabhat al-Nusra đã đánh chiếm chốt biên phòng bên phía Syria trên Cao nguyên Golan. Hàng trăm tay súng al-Nusra đã xuất hiện ở phía bên kia biên giới đã khiến cho Israel phải khẩn trương đề phòng.

Kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở Syria, không ít lần đạn pháo đã bay lạc sang phần lãnh thổ Israel giáp với Syria, nhưng chưa bao giờ Israel cảm thấy lực lượng thánh chiến Hồi giáo cực đoan đến tận cửa ngõ như lần này. Khi triển khai quân đến Gaza thực hiện chiến dịch trên bộ, Israel đã phải động viên quân dự bị canh gác Cao nguyên Golan.

Nhưng việc tổ chức Hồi giáo cực đoan al-Nusra tràn lên cao nguyên đã buộc Israel phải tính toán lại chiến thuật chiến tranh sao cho bảo toàn được lực lượng và bảo đảm an ninh trên biên giới phía Bắc

An Châu (tổng hợp)
.
.