Israel – Iran: Chạy đua trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa

Thứ Hai, 05/12/2005, 07:41

"Đấu khẩu" mãi cũng chán, IsraelIran chuyển hướng sang chạy đua trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa cùng những loại vũ khí hiện đại khác. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt mới về an ninh ở khu vực Trung Đông.

Lo lắng trước hoạt động tái sản xuất uramium nghèo ở Iran, Israel đã phải chuẩn bị cho mình một lực lượng an ninh mới với mục đích chính là ngăn chặn sự chống phá từ phía Tehran. Sau lời tuyên bố "xoá sổ Israel trên bản đồ thế giới" của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, chính quyền Tel Aviv đành "ngậm đắng nuốt cay", ngấm ngầm thực hiện các hoạt động quân sự.

Ngày 3/12, loại tên lửa đánh chặn và phá huỷ mục tiêu mang tên Arrow của Israel đã được thử nghiệm thành công sau 14 lần thử nghiệm. Đây là loại tên lửa có chức năng tương tự giống tên lửa tầm xa Shahab-3 của Iran và có thể ngăn chặn mọi đe dọa từ phía Iran. Được phóng lên từ căn cứ không quân ở phía Nam Tel Aviv, Arrow nhằm mục tiêu ở tận Địa Trung Hải và là bước quan trọng để Israel mở rộng khả năng phòng thủ tên lửa cũng như liên kết quân sự, vũ khí với chính quyền Washington.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết, Công ty Công nghiệp hàng không Israel và hãng Boeing của Mỹ đã bắt đầu sản xuất hệ thống tên lửa chống đạn đạo Arrow sau khi Iran bắn tên lửa Scud vào Israel trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Kể từ đó đến nay, Tel Aviv đã chi 2,5 tỷ USD để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, 2/3 trong số tiền này sau đó đã được Mỹ tài trợ.

Aryeh Herzog, Giám đốc dự án Arrow thuộc Bộ Quốc phòng Israel nói: "Việc thử nghiệm thành công Arrow sẽ giúp chúng tôi mở rộng kế hoạch nhằm ngăn chặn và chống phá Iran".

Đã từ lâu, Israel coi Iran như mối đe dọa hàng đầu, "kẻ thù không đội trời chung", đặc biệt là khi Iran thành công trong việc phát triển tên lửa tầm xa Shahab-3 có thể phóng tới các mục tiêu ở xa 2.000km. Nhiều chuyên gia an ninh Israel đã cảnh báo, Shahab-3 có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân và nhằm vào lãnh thổ Israel cũng như một loạt căn cứ quân sự khác của Mỹ ở Trung Đông. Vì vậy, song song với những kế hoạch quân sự tấn công Iran, Tel Aviv và Nhà Trắng vẫn tiếp tục gây sức ép buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân và kêu gọi mở lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Tehran.

Trong khi đó, một mặt vẫn khẳng định chương trình hạt nhân được thực hiện vì mục đích hòa bình, mặt khác, Chính phủ Iran tiếp tục dành một khoản tài chính không nhỏ cho hoạt động phát triển vũ khí quân sự. Mới đây, Iran đã hoàn tất hợp đồng mua của Nga 30 tên lửa Tor - M1 và một số hệ thống phòng ngự khác trị giá 1 tỷ USD. Tin từ hãng Interfax cho biết, hệ thống Tor-M1 có thể xác định được 48 mục tiêu và phá huỷ 2 mục tiêu cùng một lúc.

Hàng loạt sự kiện an ninh xảy ra liên tiếp ở IsraelIran đã gây sự chú ý của dư luận. Giới phân tích cho rằng, cùng với thái độ đe dọa, hằm hè nhau, IsraelIran đang trong quá trình chuẩn bị cho những phi vụ đánh nhau lớn. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc an ninh ở khu vực Trung Đông còn quá bấp bênh

Nhân Chính (Tổng hợp)
.
.