Italy: Khủng hoảng chính trị vì người nhập cư

Thứ Hai, 26/08/2019, 18:20
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte vừa nộp đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella hôm 20-8 nhằm tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại nghị viện do đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đề xuất. Hai bên đang so kè để duy trì lợi thế trong cuộc đua tranh quyền điều hành đất nước.

Trước khi nộp đơn lên Tổng thống Mattarella, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã có cuộc tranh luận trước Thượng viện Italy hôm 20-8 xung quanh đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng LN. Tại cuộc tranh luận đó, Thủ tướng Conte đã tố cáo ông Salvini và đảng LN của ông là “những kẻ bội ước”, gọi Salvini là “kẻ cơ hội” khi cố tình đẩy Italy vào khủng hoảng chính trị nhằm trục lợi cá nhân.

Conte tuyên bố từ chức để chấm dứt hoạt động của chính phủ đương nhiệm. Việc từ chức của Thủ tướng Conte đã mở ra những khả năng mới cho chính trường Italy.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy được cho là bắt nguồn từ vấn đề người nhập cư, và nó được châm ngòi bởi cuộc tranh cãi kịch liệt giữa Thủ tướng Conte và Salvini xung quanh việc cấp phép cập cảng cho con tàu cứu hộ người nhập cư trên biển Địa Trung Hải mang tên Open Arms (Vòng tay mở rộng). Ban đầu, Salvini cương quyết không cho phép tàu Open Arms cập cảng.

Sự rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong liên minh cầm quyền khi đảng LN của ông Salvini đề xuất và ra sức vận động các nghị sĩ thông qua dự luật chống người nhập cư mới trong đó đưa ra những điều khoản quy định vô cùng bất lợi cho người nhập cư. Sau đó, đến lượt đối tác liên minh của LN là đảng Phong trào 5 sao (M5S) của ông Conte thất bại trong việc ngăn chặn dự án xây dựng tuyến đường sắt TAV xuyên núi Alpes nối Italy với Pháp.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (bên phải) phát biểu trong cuộc tranh luận tại nghị viện. Bên cạnh là Matteo Salvini.

Dự án này từng là đề tài tranh cãi gay gắt ở Italy suốt nhiều thập niên qua nhưng với Salvini, cuộc tranh luận tại nghị viện là cơ hội để đảng LN của ông thoát khỏi liên minh trong thế yếu với M5S.

Mâu thuẫn giữa hai đảng và hai nhà lãnh đạo Salvini-Conte càng lên cao trào với vụ việc tàu Open Arms. Thủ tướng Conte muốn dùng chính sách nhân đạo, tạm thời cho phép tàu Open Arms cập cảng hòn đảo Lampedusa để giải quyết vấn đề an nguy cho 27 trẻ em trong đoàn người di cư.

Với quyền hành Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, Salvini tiếp tục kiên quyết bảo lưu quan điểm. Một cuộc điều tra do công tố viên ở Sicily tiến hành để làm rõ cáo buộc “bắt cóc và lạm dụng quyền hành” nhắm vào Bộ trưởng Nội vụ (Salvini) và lực lượng tuần duyên Italy đã khiến ông Salvini lung lay ý chí và đành miễn cưỡng cho phép tàu Open Arms neo đậu gần bờ hòn đảo Lampedusa để đưa 27 trẻ em lên bờ. Sau sự kiện này, ngày 8-8, Salvini tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền của M5S. Salvini tuyên bố sẽ vận động tổ chức bầu cử sớm và ông sẽ ra ứng cử chức thủ tướng.

Theo giới quan sát, cáo buộc “kẻ cơ hội” của Thủ tướng Conte đối với ông Salvini là có cơ sở, bởi tham vọng chính trị của lãnh đạo cực hữu đã được thể hiện quá rõ ràng. Salvini hy vọng rằng sau khi ông rút đảng LN ra khỏi liên minh cầm quyền, khả năng cao là Thủ tướng Conte sẽ không thể duy trì chính phủ thiểu số vì không chịu nổi áp lực chính trị được tạo ra từ chính đồng minh cũ là đảng LN cũng như các đảng phái thuộc phe đối lập. Khi đó, một là Salvini sẽ thuyết phục Tổng thống Mattarella chọn mình đứng ra lập liên minh cầm quyền, còn không thì cũng tổ chức cuộc bầu cử sớm.

Bầu cử sớm là lựa chọn mà Salvini mong chờ nhất, bởi ông đang muốn “đầu tư” vào lợi thế lớn nhất hiện nay là uy tín của đảng LN đang lên rất cao. Kết quả thăm dò ý kiến cử tri mới đây nhất cho thấy đảng LN của Salvini đang dẫn đầu sự tín nhiệm của cử tri, với tỉ lệ 38%, một sự thăng tiến vượt bậc so với kết quả bầu cử hồi tháng 3-2018 chỉ đạt có 17% phiếu. Tỉ lệ này cũng giúp LN bỏ xa đảng Dân chủ Italy (PD) với 23%, còn cựu đồng minh là đảng M5S của Thủ tướng Conte chỉ đạt 16,5%.

Tuy nhiên, tham vọng của ông Salvini có thành hay không còn phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó chính Conte cũng đang nắm một phần quyết định. Hiện tại, Tổng thống Mattarella đang là người quyết định hướng đi sắp tới cho chính trị Italy. Giới bình luận cho rằng ông có 3 sự lựa chọn: một là giải tán nghị viện ngay lập tức và tuyên bố tổ chức bầu cử; hai là tham vấn với các đảng phái để xem xét khả năng hình thành một liên minh đa số mới tại nghị viện và ba là bổ nhiệm một chính phủ lâm thời để ít nhất thông qua ngân sách Italy cho năm tài khóa 2020.

Trong các khả năng này, ông Conte đang nắm trong tay lợi thế có thể được tái bổ nihệm để tiếp tục thành lập chính phủ mới bằng cách liên minh với một đảng khác có tỉ lệ đại biểu cao trong nghị viện. Một số ý kiến cho rằng M5S và PD đang có kế hoạch “bắt tay” nhau để ngăn chặn tham vọng quyền lực của lãnh đạo cực hữu Salvini, bởi lãnh đạo cả hai đảng này đều xem việc Salvini lãnh đạo là “thảm họa” cho tương lai đất nước.

Trong khi đó, khả năng liên minh giữa M5S cũng đang yếu dần sau khi lãnh đạo PD Nicola Zingaretti lên tiếng “từ chối khéo”, tuyên bố rằng một liên minh với M5S sẽ là một “món quà nguy hiểm”. Một nhà phân tích Italy cho rằng lãnh đạo PD Zingaretti đang thiên về bầu cử hơn là tạo ra liên minh mới với M5S. Tuy nhiên, chưa ai biết được ai sẽ chọn ai trong cuộc chiến hậu trường giữa các đảng phái mới đang chi phối chính trường Italy.

Một nguồn tin khác cũng cho rằng để phá thế liên minh của M5S và PD, đồng thời tránh những rủi ro từ phía PD, ông Salvini cũng đang tính đến khả năng quay trở lại hàn gắn những mâu thuẫn với M5S của ông Conte. Salvini từng tuyên bố hôm 18-8 rằng, đảng của ông có khả năng quay trở lại liên minh, tùy thuộc vào việc ông Conte sẽ “nói gì” tại cuộc tranh luận ở Thượng viện hôm 20-8.

Kết quả như trên đã nói, ông Conte đã tuyên bố từ chức, cáo buộc Salvini gây ra khủng hoảng.

An Châu (tổng hợp)
.
.