Kế hoạch cứu sống… biển chết!

Chủ Nhật, 18/12/2005, 13:04
Trong  "Cuốn sách kỳ diệu về kiến thức" xuất bản từ nhiều năm trước  đây, hẳn có một tấm hình rất ấn tượng và sẽ mãi mãi nằm trong ký ức của nhiều người: Tấm hình chụp cảnh một người đàn ông hút điếu thuốc xìgà và nằm nổi lềnh bềnh một cách cực kỳ thư  giãn trên mặt Biển Chết! Thật là kỳ diệu!

Bạn sẽ có cảm giác như thế nào khi được thả tấm lưng trên mặt nước - đậm đặc nhiều muối đến nỗi bạn không thể nào... chết đuối?

 

bạn hãy thử làm một chuyến du hành đến Biển Chết để biến giấc mơ của mình thành hiện thực xem sao! Lái xe xuống  đỉnh đồi từ Jerusalem, bạn sẽ thấy một quang cảnh làm say đắm lòng người: những tảng đá tắm  mình dưới ánh nắng mặt trời, những hẻm núi xanh rậm bóng mát và mặt nước xanh trong lấp lánh. Biển Chết - chiếc hồ vĩ đại của vùng đất thiêng - kéo dài 70 km từ bắc xuống nam, nằm giữa Israel, lãnh thổ giữa Bờ Tây và Jordan, những đỉnh núi sa mạc lấp lánh ráng đỏ, vàng, cam và nâu khi hoàng hôn buông xuống. Biển Chết là vùng  thấp nhất của trái đất - tức là 417 m dưới mực nước biển, và nước Biển Chết mặn gấp 10 lần nước biển Địa Trung Hải.

Biển Chết là phần còn lại của một khối nước khổng lồ bơm đầy thung lũng Great Rift từ nhiều ngàn năm trước đây, được nuôi sống bởi sông Jordan và nhiều dòng sông nhỏ khác. Do lối thoát duy nhất là bốc hơi nước, nên muối và các khoáng chất trở nên siêu đậm đặc. Khoảng 10.000 năm trước đây, thung lũng này là chiếc nôi văn hóa của nhân loại. Mỗi một khúc quanh của nó là những địa danh linh thiêng đối với cả Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Năm 73 trước Công nguyên, tại thành trì Masada trên đỉnh núi, 960 người Do Thái đã thà chịu chết chứ không chịu làm nô lệ trước sự phong tỏa của quân La Mã. Và bên cạnh ấy là Jericho - thị trấn  lâu đời nhất với nền lịch sử  10.000 năm.

Nhưng khi đến gần Biển Chết, bạn mới thấy có một vấn đề bất ngờ: Đa phần đường ven biển nằm dưới đường cao tốc bị bao bọc hàng rào với những lời cảnh báo nguy hiểm. Nhưng đấy chỉ là một dải đất bùn mặn chát khổng lồ. Còn rìa mặt nước biển thật  sự thì nằm xa tít tắp sau đầm lầy. Nếu cố gắng tiến lên phía trước, bạn sẽ bị mắc kẹt trong lớp bùn trắng nhớp nháp ấy.

Tại công viên Ein Fashkha, một ốc đảo gồm những bụi  lau sậy và thánh liễu,  Eli Dror, quản đốc công viên cho biết: "Biển Chết đang khô cạn dần. Mỗi năm, mực nước hạ xuống độ 1m, càng khiến cho những vùng đất trũng khô hạn xuất hiện nhiều hơn nữa. Tác động thật là kinh khủng! Trong vòng 30 năm qua, bề mặt nước đã co lại 1/3. Năm 1968, rìa mặt nước cách cổng công viên 60m. Đến năm 1985, mặt nước xa bờ đến nỗi người ta phải xây một con đường đắp cao bắc ngang qua vũng bùn với một đoạn đường dốc bằng gỗ để xuống nước. Mỗi năm, chúng tôi phải chạy theo biển đang cạn dần  và cứ phải mở đường liên tục. Sau 12 năm, khoảng cách này là hơn 700m, và chúng tôi đành... bó tay!”.

Đấy là một thảm họa cho môi trường tự nhiên. Hệ thực vật và nguồn nước ngọt là các trạm phương tiện cho 500 triệu con chim theo hành trình 6.000 km đường chim bay trong hai cuộc thiên di hàng năm giữa châu Phi và châu Âu. Vì vậy, bài toán cứu Biển Chết ở đây không hề đơn giản. Tổng lượng nước ngọt chảy vào Biển Chết là 600m3, trong khi trước đây là 2.000m3. Kết quả: Biển Chết đang... cạn  dần!

Với lượng dân số trong khu vực tăng gấp đôi trong ít nhất là 50 năm tới, có rất ít hy vọng khôi phục lại  lượng nước  đang bị chuyển hóa cho nhu cầu sử dụng của con người. Không có một quốc gia nào quanh biển chịu nhường một giọt nước cho nó - nơi mà họ biết chắc rằng sẽ chỉ bốc hơi mà thôi. Jordan đã trở thành một trong những quốc gia khô hạn nhất thế giới. Vào mùa hè, cứ hai tuần nước chỉ được bơm vào các gia đình có vài tiếng đồng hồ.

Chính quyền  Palestine - trong lúc vẫn còn tranh chấp với Israel về Bờ Tây - vẫn đang hậm hực nhìn  người Israel rửa xe và tưới bồn hoa xả láng, trong khi các công dân của mình thì bị người Israel từ chối không cho nước cung cấp vào nhà của họ. Vào tháng 3 vừa qua, một bước tiến  nhỏ đã được khởi động, sau khi các quan chức Israel, Jordan và Palestine họp lại để bàn thảo về việc khôi phục lại đủ lượng nước của sông Jordan. Một đường ống dẫn nước  từ  Thổ Nhĩ  Kỳ đến Israel là thực tế, nhưng lại vấp phải những hố sâu ngăn cách về mặt chính trị và tôn giáo.

Tuy nhiên, vẫn có một giấc mộng kỹ thuật cao không những cứu thoát Biển Chết mà còn đem lại hòa bình cho các quốc gia. “Đỏ - Chết” là một công trình trị giá 5 tỉ USD để đưa nước biển theo đường ống dẫn dài 240 km từ Biển Đỏ đến Biển Chết. Độ 50% lượng nước sẽ được khử mặn, phần nước còn lại sẽ dùng để chạy máy phát điện cung cấp nhiên liệu cho tiến trình khử mặn. Đến tháng 5, ba nước trên đã đồng ý kế hoạch nghiên cứu  khả thi trong 5 năm. Các bên đều hăng hái muốn tiến hành ngay. 

Tính chất hóa học độc nhất vô nhị của Biển Chết sẽ tạo ra nhiều bất ngờ. Sau quá trình khử mặn làm cho nước bớt mặn hơn 10%, tảo sẽ mọc rầm rộ, theo sau là các vi khuẩn sẽ biến nước từ màu đỏ sang màu xanh. Nhưng nhiều người tin rằng sự ngạc nhiên lớn nhất sẽ là nền hòa bình trong khu vực, và công trình này đã được ban tặng nickname là “Ống dẫn hòa bình”. Đây chỉ có thể là một công trình liên doanh, đòi hỏi các bên đối lập phải gặp gỡ, bàn thảo, và đồng ý cho những giải pháp thiết thực: "Khi nước bắt đầu chảy, tất cả chúng ta phải ngừng... đánh nhau!”.

Dù Biển Chết đang co lại với tốc độ khá nhanh, nhưng các nhà khoa học tin rằng nó sẽ không bao giờ biến mất. Nếu mọi việc cứ để như vậy, không thay đổi gì, thì sau 200 năm nữa, nó sẽ mặn đến nỗi biển sẽ từ từ không bốc hơi nữa. Khi điều ấy xảy ra, mực nước sẽ bình ổn và thấp hơn 150 m so với bây giờ

Thúy Hân (Theo Reader's Digest)
.
.