"Kế hoạch việc làm Mỹ" của ông Joe Biden
Làm mới toàn bộ hệ thống hạ tầng
Phát biểu trước báo giới về kế hoạch đầy tham vọng của mình, ông Biden cho rằng kế hoạch là một chương trình hành động lớn nhằm thực hiện lời hứa lúc tranh cử của ông là “xây dựng lại xương sống của nước Mỹ”, tức hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật vốn từng là niềm tự hào của nước Mỹ nhưng gần đây đã bị Trung Quốc qua mặt.
Kế hoạch AJP sẽ đầu tư xây dựng lại khoảng 32.000 km xa lộ và đường cao tốc, sửa chữa 10 cây cầu trọng yếu về mặt kinh tế trong nước cùng nhiều dự án khác mà Biden cho biết sẽ giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, cắt giảm sự giàu có bất bình đẳng và tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ.
Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch AJP. |
Kế hoạch cũng dành hàng trăm tỷ USD để đầu tư mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật giúp tăng khả năng truy cập Internet băng thông rộng tốc độ cao; thay thế đường ống dẫn nước bằng chì, đảm bảo sử dụng nước sạch sinh hoạt và nâng cấp lưới điện, làm cho lưới điện trở nên đáng tin cậy hơn khi chuyển sang các nguồn năng lượng mới, sạch hơn. Kế hoạch cũng sẽ cải thiện các cơ sở chăm sóc cộng đồng cho người cao tuổi và người khuyết tật, hiện đại hóa trường học, trang bị thêm các ngôi nhà và tòa nhà văn phòng đồng thời dành kinh phí để đào tạo hàng triệu công nhân và hỗ trợ các sáng kiến củng cố các liên đoàn lao động.
Tổng thống Joe Biden cho biết, kế hoạch AJP của ông dự kiến kéo dài trong trong 8 năm, sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới. Để chi trả cho gói này, ông đã đề xuất tăng đáng kể đối với thuế doanh nghiệp để bù đắp chi tiêu trong suốt 15 năm. Theo đó, ông Biden kêu gọi tăng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 28% và các biện pháp buộc các tập đoàn đa quốc gia đóng thuế nhiều hơn tại Mỹ đối với lợi nhuận thu được ở nước ngoài. Nếu như vậy thì xem ra Kế hoạch AJP của ông Biden sẽ dỡ bỏ những phần chính trong luật cắt giảm thuế của ông Donald Trump, vốn đã hạ mức thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%.
Hành động ứng phó biến đổi khí hậu
Ông Biden cho rằng, việc triển khai AJP đầy đủ và thành công sẽ giúp nước Mỹ “chuyển hóa tốt hơn trong khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của chúng ta”. Khả năng đó có được từ việc tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch, xe điện và xây dựng những ngôi nhà có khả năng chống chọi với thiên tai khốc liệt.
Tổng thống Mỹ cho biết, kế hoạch trị giá 2 nghìn tỷ USD sẽ làm cho cơ sở hạ tầng “đang đổ nát” của Mỹ vững chắc hơn trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đồng thời “xây dựng một hệ thống lưới điện hiện đại, chống chịu tốt và hoàn toàn sạch sẽ”. Ông đặt ra tham vọng “tất cả người Mỹ đều mua được xe điện sạch” và người lao động sẽ có thể “nắm bắt những cơ hội tuyệt vời trong một tương lai năng lượng sạch”.
Ông Biden đã mở đầu nhiệm kỳ Nhà Trắng của mình với một loạt hành động đưa nước Mỹ trở lại tuyến đầu chống biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu “nước Mỹ không phát thải khí nhà kính vào năm 2050”. Kế hoạch AJP nhắm vào lượng khí thải do giao thông tạo ra, hiện là nguồn khí thải nhà kính lớn nhất của Mỹ. Hệ thống đường sắt, phương tiện công cộng, xe buýt trường học,... sẽ được đầu tư phương tiện chạy bằng điện, và 500.000 trạm sạc pin sẽ được xây dựng trong vòng 1 thập niên tới. Đội xe của chính phủ liên bang cũng sẽ được điện khí hóa. Các cảng và sân bay sẽ được nâng cấp, trong khi hơn 200 tỷ USD được đề xuất để xây dựng, hiện đại hóa và củng cố nhà ở cho những người thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, sóng nhiệt và cháy rừng với cường độ ngày càng lớn. Thêm 100 tỷ USD nữa sẽ được chi để nâng cấp một hệ thống lưới điện dễ bị tổn thương bởi các tác động khí hậu như ở Texas mới đây. Khoảng 40% gói chi tiêu AJP sẽ hướng vào các cộng đồng da màu dễ bị tổn thương.
Gói kế hoạch AJP là nửa đầu của chương trình nghị sự về cơ sở hạ tầng rộng lớn của Tổng thống Biden, nếu được ban hành sẽ định hình lại đáng kể nền kinh tế Mỹ. Ông Biden cho biết, trong vài tuần tới ông sẽ trình bày gói kế hoạch thứ hai, được gọi là Kế hoạch gia đình Mỹ (AFP - American Families Plan). Gói thứ hai này sẽ tập trung vào các khoản đầu tư y tế, chăm sóc trẻ em và giáo dục. Nguồn lực đầu tư cho gói AFP dự kiến sẽ lấy một phần từ việc tăng thuế đối với những người có thu nhập cao nhất của Mỹ.
Toàn bộ chương trình có quy mô đầy tham vọng như các chương trình New Deal (Thỏa thuận mới) của Tổng thống Franklin Roosevelt hay Great Society (Đại xã hội) của Tổng thống Lyndon Johnson trước đây. Một bản ghi nhớ nêu rõ tham vọng của nó: “Giống như những dự án lớn trong quá khứ, kế hoạch của tổng thống sẽ thống nhất và huy động đất nước để ứng phó với những thách thức lớn của thời đại chúng ta: khủng hoảng khí hậu và tham vọng của một Trung Quốc chuyên quyền”. “Nó lớn, vâng. Nó táo bạo, có. Nhưng, chúng tôi có thể hoàn thành nó” - ông Biden lạc quan nói.
Nhưng, gói chi tiêu AJP sẽ cần sự ủng hộ của Quốc hội và một cuộc “chiến lập pháp” đang chờ đón nó. Đảng Cộng hòa đã phản bác ý tưởng của ông Biden về việc tăng thuế suất doanh nghiệp để giúp trả cho các khoản đầu tư, nhất là đầu tư các biện pháp khí hậu mà đảng này không ủng hộ. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa tự do thì “chê” kế hoạch còn “hơi yếu”, đòi ông Biden phải “chơi lớn” hơn nữa.