Khó khăn trong việc tìm kiếm hộp đen máy bay QZ8501

Thứ Bảy, 10/01/2015, 14:05
Ngày 2/1/2015, ngày tìm kiếm thứ sáu chiếc máy bay bị mất tích QZ8501 của Hãng AirAsia, được tập trung vào việc tìm kiếm và trục vớt thân máy bay đã được xác định vị trí tương đối dưới đáy biển, mà theo người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas), ông Bambang Soelistyo, “phần lớn thân của chiếc máy bay đang ở độ sâu 25 - 30m. Lực lượng tìm kiếm cứu hộ sẽ cố gắng để trục vớt cũng như tìm kiếm chiếc hộp đen”.

Tuy nhiên, Hãng tin Reuters ngày 1/1 dẫn lời ông Toos Sanitiyoso, đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (NTSC), khẳng định sẽ phải mất một tuần để tìm kiếm hộp đen máy bay: “Vấn đề chính là tìm ra thân máy bay rồi đến hộp đen”.

Trong khi đó, Chủ tịch NTSC thông báo phải 5 ngày nữa thời tiết mới êm dịu trở lại. Khi đó, các đội cứu hộ sẽ sử dụng 5 thiết bị dò tìm sóng hộp đen, bao gồm 2 của Indonesia, 2 của Singapore và 1 của Anh để định vị chúng.

Nhiệm vụ khó khăn

Việc định vị hộp đen của máy bay QZ8501 sẽ là một nhiệm vụ khó khăn bởi vùng biển Java có độ sâu 40-50m. Giới chức Indonesia cho hay, họ không có công nghệ để quét các vùng nước sâu và phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ quốc tế.

Theo kế hoạch, tàu Baruna Jaya 1 được trang bị một đèn hiệu, dưới nước định vị, một máy dò và quét bằng sóng siêu âm để phát hiện kim loại và hình ảnh 3D dưới nước, đã được đưa đến hiện trường trong ngày 2/1.

Ngoài ra, theo tờ The Straits Times, một đội chuyên gia của Pháp cùng các thiết bị chuyên môn đã có mặt ở hiện trường tìm kiếm máy bay QZ8501 vào sáng 2/1 để trợ giúp tìm kiếm hộp đen của chiếc máy bay xấu số. Đội ngũ chuyên gia này thuộc Cơ quan Điều tra tai nạn Hàng không Pháp (BEA). BEA tham gia hỗ trợ trong tất cả tai nạn liên quan đến máy bay Airbus vì hãng sản xuất máy bay này có trụ sở tại Pháp.
Diện tích khu vực tìm kiếm mảnh vỡ của QZ8501 tăng lên gấp đôi, vào khoảng 25.000 km².

Trước đó, theo Channel News Asia, 4 chuyên gia của Cục Điều tra tai nạn Hàng không, thuộc Bộ Giao thông Singapore (AAIB), cùng hai bộ thiết bị dò tín hiệu dưới nước đã được triển khai ở vùng biển Java của Indonesia. Các thiết bị này có khả năng phát hiện những tiếng “ping” được phát ra mỗi giây một lần từ bộ phận định vị dưới nước của hộp đen.

Điều tra viên cấp cao của AAIB Steven Teo giải thích: “Thông thường, các thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (hộp đen) đều được gắn một bộ phận định vị dưới nước, gọi tắt là ULB. Khi chìm xuống nước, cứ một giây nó lại phát ra một tín hiệu âm thanh 37,5 kilohertz”, và rằng: “Chúng tôi sử dụng thiết bị gọi là ống nghe dưới nước, đưa nó xuống biển và xoay 360o. Một người vận hành trên tàu sẽ lắng nghe những tín hiệu được phát hiện”.

Thời tiết cũng là một yếu tố làm gián đoạn chiến dịch tìm kiếm. Ông Siahala Alamsyah, một sĩ quan Hải quân Indonesia cho biết, điều kiện thời tiết ngày 31/12/2014 là rất xấu nên nhóm 47 thợ lặn của Indonesia không thể lên máy bay rời các tàu chiến để đến khu vực được cho là QZ8501 bị rơi ngoài khơi Borneo và tìm kiếm hộp đen máy bay.

Theo quan chức Cơ quan Dự báo thời tiết Indonesia, ông Syamsul Huda, cho tới ngày 4/1, những con sóng biển tại khu vực tìm kiếm ước tính có thể cao tới 3-4m, sẽ gây ít nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm và trục vớt thi thể cũng như những mảnh vỡ của QZ8501.

Máy bay gặp tai nạn do tăng độ cao quá nhanh?

Đó là giả thiết mới nhất mà các nhà điều tra đưa ra để giải thích cho nguyên nhân của vụ tai nạn. Theo họ, do tăng độ cao quá nhanh nên QZ8501 đã bị “chết máy”. Reuters dẫn lời một phi công có kinh nghiệm cho biết: “Nếu lên cao đột ngột, tốc độ máy bay sẽ bị giảm và khiến máy bay chết máy”.

Trong khi đó, một nguồn tin tiếp xúc với cuộc điều tra vụ QZ8501 tiết lộ dữ liệu này dường như cho thấy chiếc máy bay này đã thực hiện cú tăng độ cao quá nhanh đến mức “không thể tin được” và có thể vượt giới hạn cho phép của loại máy bay này. Tuy nhiên, nguồn tin này khẳng định rằng, cần thêm nhiều thông tin nữa, đặc biệt là 2 hộp đen của máy bay, trước khi đi đến kết luận vững chắc.

Channel New Asia dẫn nguồn tinh từ Basarnas xác nhận, tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng cứu hộ đã vớt 16 thi thể và đưa về đất liền. 8 thi thể đã được đưa đến Surabaya, còn 2 thi thể hiện để ở thị trấn Pangkalan Bun.

Lực lượng cứu hộ Indonesia ngày 1/1 đã công bố danh tính của một người. Đó là Kevin Alexander Soetjipto, một nam sinh viên quốc tịch Indonesia, hiện đang theo học chuyên ngành tài chính tại Trường đại học Monash, Australia. Kevin được nhận diện nhờ chiếc ví mang theo người.

Theo AirAsia, trên chuyến bay định mệnh này, Kevin ngồi ở ghế số 6A, kế với hai người thân là chị gái Cindy Clarissa Soetjipto và anh họ Rudy Soetjipto. Kevin là người dân gốc ở Malang (Indonesia) và hiện đang sống ở Melbourne.
Sinh viên xấu số Kevin Alexander Soetjipto.

Trước khi theo học đại học tại Trường Monash vào năm 2013, Kevin từng có thời gian ghi danh ở Trường Cao đẳng Trinity thuộc đại học Melbourne. Tờ Herald Sun dẫn lời người phát ngôn Trường đại học Monash chia sẻ, tập thể giáo viên và sinh viên nhà trường rất “đau buồn khi biết về thông tin trên”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.