Không có “quà” miễn phí

Thứ Tư, 30/08/2017, 20:40
Nhiều năm qua, cách giải quyết vấn đề nội bộ và “ước mơ” của Ukraine không khỏi khiến nhiều người giật mình đặt câu hỏi: Tại sao Ukraine nhất quyết phải gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)? Nhất quyết dựa vào vũ khí từ Mỹ? Sự tin tưởng của Ukraine vào NATO và Mỹ sẽ đưa nước này đi tới đâu? Rõ ràng không có món quà nào là miền phí cả!

“Xếp lốt” vô thời hạn

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc kỳ Ukraine, Tổng thống Piotr Poroshenko nhấn mạnh Kiev sẽ kiên trì cho tới ngày trở thành thành viên EU và NATO. Quyết tâm của đương kim Tổng thống Ukraine được khẳng định rõ khi trong ngày 24-8, Ukraine kỷ niệm Ngày Độc lập với sự kiện trung tâm là cuộc diễu binh diễn ra tại đường phố Khreshatik và quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, lần đầu tiên cuộc diễu binh có sự tham dự của các đại diện quân sự của 8 nước thành viên NATO - gồm Mỹ, Anh, Canada, Litva, Ba Lan, Latvia, Romania và Estonia - cũng như của Moldova và Gruzia.

Tổng thống Piotr Poroshenko giải thích sự xuất hiện của binh sĩ và các Bộ trưởng Quốc phòng 8 nước NATO trong cuộc diễu binh chứng tỏ sự hợp nhất của Ukraine với toàn thế giới.

Và cũng lần đầu tiên sau 10 năm, một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng James Mattis mới có chuyến thăm tới Ukraine. Kiev tràn trề hy vọng được Mỹ cung cấp vũ khí sát thương và phát tín hiệu về việc gia nhập NATO. Song điều đó đã không xảy ra.

Chỉ trong vài ngày, nước Mỹ từ chỗ hứa hẹn giúp Ukraine gia nhập NATO, cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương, bỗng đột ngột chuyển hướng. Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói thẳng rằng, cho dù Mỹ đánh giá cao nỗ lực thay đổi các tiêu chuẩn quốc phòng của Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO, song chừng đó là chưa đủ điều kiện để gia nhập NATO.

“NATO không sẵn sàng chào đón một thành viên mới như Ukraine tại thời điểm hiện nay”, tuyên bố của Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Kurt Volker đưa ra ngày 27-8 đã dập tắt hy vọng gia nhập NATO của Ukraine trong bối cảnh quốc gia này đang tiến hành cải cách để từng bước xích lại gần hơn NATO. 

Không chỉ Mỹ, hầu hết các nước thành viên NATO đều không muốn “rước” Ukraine vào NATO. Theo giới quan sát, mặc dù cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự nhưng nhiều nước thành viên NATO vẫn còn e ngại trong việc tiếp nhận quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động. Bởi suy cho cùng, việc kết nạp Ukraine sẽ khiến an ninh của NATO bị đe dọa khi Ukraine vẫn đang chìm trong xung đột và bế tắc.

Hơn thế, điều này cũng đẩy Đông Âu vào một vòng xoáy bất ổn mới và làm gia tăng đối đầu giữa NATO với Nga khi quan hệ song phương vốn đang căng như dây đàn.

Cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen từng tuyên bố để gia nhập NATO, Ukraine buộc phải đạt được một loạt tiêu chí và việc thực hiện những tiêu chí này mất nhiều thời gian. Do đó, giới phân tích cho rằng Kiev khó có thể trở thành thành viên NATO trong vòng 20 năm tới.

Chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật, Ukraine cần phải có một quân đội hiện đại và hoàn toàn tương tác với quân đội của các thành viên khác trong NATO, khi quân đội Ukraine hiện nay bị đánh giá là chưa đủ năng lực và vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, Ukraine cần phải đạt được các tiêu chuẩn về luật pháp, xóa bỏ tham nhũng và chấm dứt tình trạng xung đột trong nước.

Lý giải về nguyên nhân của việc “xếp lốt” vô thời hạn này, khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ngày 27-8, Đặc phái viên Kurt Volker chỉ rõ, cuộc xung đột âm ỉ tại Ukraine có thể phá hỏng mối quan hệ giữa Washington-Moskva. Ông Volker nói: "Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ quan trọng, song sẽ bị phá hỏng bởi vấn đề Ukraine hiện nay".

Tổng thống Piotr Poroshenko thử một loại vũ khí của Mỹ. Ảnh: Russia Insider.

Cấp vũ khí cho Ukraine là nguy hiểm và phản tác dụng

Việc Mỹ “dội gáo nước lạnh” vào triển vọng gia nhập NATO của Ukraine cũng đồng nghĩa dập tắt tia hy vọng về việc cấp vũ khí, trong đó có vũ khí sát thương cho Ukraine, cho dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 24-8 cho biết Mỹ “đang xem xét một cách tích cực”.

Trước đó trong một bài báo mới đây, Tạp chí Phố Wall đã đề cập đến việc các quan chức Mỹ thông báo rằng Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang triển khai kế hoạch cung cấp cho Ukraine các tên lửa chống tăng và các loại vũ khí khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, cho dù Ukraine có được số vũ khí Mỹ cung cấp, không những chẳng giải quyết được xung đột mà còn khiến cho tình hình càng leo thang nhanh hơn. Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, cựu Thiếu tá quân đội Mỹ, nhà sử học Todd Pierce nhận định, việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là một động thái khiêu khích Nga nhằm hướng tới một cuộc xung đột ở quy mô lớn hơn.

Ông Vasily Kashin, nhà phân tích quốc phòng Nga khi trả lời Defense News rằng vũ khí của Mỹ, kể cả tên lửa Javelin cũng khó có thể thay đổi được cuộc chiến hiện nay. Nga đã nhiều lần cảnh báo về kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, vì bước đi này sẽ chỉ dẫn tới leo thang xung đột ở Donbass. Như Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine từ bên ngoài sẽ không góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng ở đây, cũng như mang lại lợi ích cho việc thực hiện các thỏa thuận Minsk.

Bình luận về thông tin Hoa Kỳ cung cấp tên lửa chống tăng cho Ukraine, ông Peskov cảnh báo, rằng tất cả các nước cần tránh các hành động có thể gây ra tình trạng căng thẳng mới.

Phần lớn các chính khách châu Âu cũng lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đồng thời, cựu Ngoại trưởng Đức, cựu Chủ tịch OSCE, ông Frank-Walter Steinmeier tuyên bố rằng cung cấp vũ khí cho Ukraine không phải là một cách thức thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, rất nguy hiểm và phản tác dụng.

Kim Mã
.
.