Không kích ở Syria, Nga đang nắm lấy cơ hội vàng

Thứ Năm, 08/10/2015, 11:20
Ngoài chống IS, việc Nga đưa không quân và hải quân tới Syria còn nhằm những mục tiêu cao hơn và xa hơn trong cuộc đối đầu với các thế lực hàng đầu thế giới.

Cú ra đòn ngoạn mục

Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga gặp nhiều khó khăn vì bị Mỹ cùng các nước phương Tây phong tỏa kinh tế. Có thể cũng vì vậy mà Tổng thống Putin đang có một cuộc phản công làm chính quyền Barack Obama bị bất ngờ.

Sau khi Mỹ từ chối can thiệp vào Syria dù chính quyền Al-Assad đã vượt qua "lằn ranh đỏ" do ông Obama vạch ra từ năm 2012, là dùng vũ khí hóa học chống phe đối lập, chính quyền của Tổng thống Putin được Tổng thống Obama mời vào cùng dàn xếp và đưa ra một giải pháp cho Syria, có thể là với dụng tâm nhờ Nga tìm giải pháp tháo gỡ kế hoạch vũ khí hạt nhân của Iran. Kế hoạch ấy đang thành hình qua hiệp ước hòa giải với Iran.

Trước thái độ hòa hoãn ấy của Mỹ, Tổng thống Putin đưa quân đội và vũ khí vào Syria tiếng là để tìm một giải pháp chính trị và cùng quân đội của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tấn công lực lượng IS. Sau 5 ngày không kích, quân Nga đã đánh tan nhiều cơ sở của IS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị thành lập một liên minh quốc tế chống IS đang gieo rắc kinh hoàng tại Syria.

Hãng tin RIA Novosti hôm 5-10 dẫn nguồn tin quân sự Syria cho biết: Hơn 3.000 chiến binh từ các nhóm IS, Al-Nusra Dzhebhat và Jaish al-Yarmuk đã chạy trốn từ Syria đến Jordan, vì lo sợ chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân đội Syria và các cuộc không kích của máy bay Nga.

Trước đó, Nga tuyên bố chiến đấu cơ của họ đã tiêu diệt 50 cơ sở và 600 phiến quân IS sau những ngày không kích trên lãnh thổ Syria. Vậy rõ ràng là Nga đánh IS chứ - đó là thông tin chính thức. Nhưng giới phân tích phương Tây lại nghĩ đến mục đích khác của Nga.

Ngay khi Nga mở cuộc không kích tại Syria, ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ họp báo nói rằng, vụ oanh kích của Nga không nhắm vào căn cứ của tổ chức IS mà lại tấn công lực lượng nổi dậy chống chế độ Bashar Al-Assad tại Damascus, tức là nhằm bảo vệ Al-Assad.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ, qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry cho biết họ "đang bắt đầu tìm hiểu về động lực của Nga tại Syria". Ðang bắt đầu tìm mà… chưa hiểu. Một giờ sau cuộc họp báo của McCain, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang theo dõi động thái của Nga tại Syria.

Ba giờ sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter họp báo và cho biết rằng, Nga đang "đổ dầu vào lửa" khi đưa quân vào để vừa bảo vệ chế độ Al-Assad vừa tấn công tổ chức IS. Nhưng mục tiêu nào là chính, mục tiêu nào là phụ thì chưa rõ.

Tổng thống Syria kêu gọi phương Tây hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.

Đâu là mục tiêu đích thực?

Theo giới phân tích, thực chất là để ngăn ngừa các nhóm vũ trang chống Al-Assad được Mỹ yểm trợ. Mục tiêu chiến thuật dễ hiểu là thiết lập hệ thống cấm bay bằng vũ khí phòng không của Nga để bảo vệ chế độ Al-Assad.

Mục tiêu chiến lược là xây dựng liên minh giữa Nga, Iran, Iraq, Syria và cả lực lượng Hezbollah do Iran yểm trợ tại Liban, để chứng minh rằng Nga chứ không phải là Mỹ và các nước phương Tây mới có giải pháp ngăn ngừa và tiêu diệt tổ chức IS.

Mục đích sâu xa và lâu dài hơn, lần đầu tiên từ nhiều thập niên, kể từ năm 1984, Nga có chân đứng tại Trung Ðông, với khả năng đe dọa Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương NATO tại miền Nam, và tăng ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo, từ Ðịa Trung Hải qua tới khu vực Trung Á.

Nếu theo dõi động thái của Nga trên vùng Bắc Cực, người ta còn thấy một kế hoạch quy mô toàn cầu, nhằm trám vào khoảng trống do Mỹ để lại sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Khi đưa quân vào Syria, Nga đã thu hẹp khả năng hành động của Mỹ và các nước phương Tây không chỉ trong lãnh thổ Syria mà còn khiến chính quyền Iraq cộng tác chặt chẽ hơn với Nga, Syria và nhất là Iran. Tức là ngày càng xa dần ảnh hưởng của Mỹ.

Tuần qua, chính quyền Baghdad đã xác nhận là sẽ trao đổi tin tức tình báo với Nga và Iran, để có một chiến tuyến chung chống tổ chức IS. Thật ra là chống cả IS lẫn quyền lợi của Mỹ trong khu vực.

Thực tế tại chỗ cho thấy chiến đấu cơ của Nga đã xuất hiện trên không phận Syria, có khả năng ngăn ngừa các phi vụ chống IS của Mỹ và liên quân. Không quân Nga đang yểm trợ và bảo vệ trực thăng của chính quyền Damacus và gây khó cho các vụ không kích của Mỹ chống IS. Nhờ vậy, Tổng thống Putin có thể đảm bảo là Mỹ không thể làm suy yếu chính quyền Al-Assad mà cũng chẳng giải quyết được mối nguy IS trong cả khu vực.

Máy bay Nga tiến hành nhiều cuộc không kích IS tại Syria.

Ðã vậy, Nga còn "khuyến dụ" Mỹ cùng phối hợp hoạt động không quân với Nga trong khi vẫn duy trì khả năng cản trở các phi vụ chống IS của Mỹ hay chính quyền Damascus. Sở dĩ như vậy vì Nga đưa vào chiến trường Syria một lực lượng quy mô và có tiềm năng lớn hơn mục tiêu chính thức ban đầu là để bảo vệ thường dân và các căn cứ của Nga tại Syria.

Chi tiết kỹ thuật về các loại vũ khí được tung vào trận địa, từ máy bay đến xe tăng, tên lửa, và các căn cứ đang được Nga sử dụng tại Syria cho thấy tầm nhìn rất xa của ông Putin. Nó rộng hơn lãnh thổ Syria. Không quân Nga có thể từ Syria can thiệp vào Iraq để yểm trợ các lực lượng thân Iran và nhân tiện gây khó cho các phi vụ của Mỹ.

Chẳng những vậy, căn cứ không quân Bassel al-Assad ở Latakia, nơi Không quân Nga xuất phát những chuyến không kích IS, chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 50km, và Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên tiền đồn của NATO trong khu vực nhiễu nhương này. Chiến đấu cơ siêu thanh Su-30 (Flankers) của Nga có thể cất cánh từ Bassel al-Assad bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong vài phút nên không quân của Thổ Nhĩ Kỳ và NATO tại đây không kịp xác định mục đích của Nga và có quyết định phòng thủ hay nghênh chiến.

Ngày 5/10, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận máy bay quân sự của nước này đã đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết đã áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn các trường hợp tương tự. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày cảnh báo việc máy bay Nga "xâm nhập" không phận Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ gây leo thang nghiêm trọng.

Có thể thấy, qua chiến tuyến mở rộng với Syria, Iraq và Iran, Tổng thống Putin có thể thực tế uy hiếp hàng loạt quốc gia thân phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Jordan và cả Arập Xêút.

Sau Ukraine, Nga không hề thúc thủ mà còn tiến vào Ðịa Trung Hải, gây phản ứng lo ngại cho các quốc gia thân phương Tây tại Bắc Phi và Trung Ðông. Và bộc lộ nhược điểm của Mỹ: thất bại trong cuộc chiến chống IS mà không trấn an được các đồng minh.

Syria sẽ thành chiến trường đối đầu quân sự Nga - Mỹ?

Khi Nga mở chiến dịch không kích tại Syria cũng là lúc truyền thông phương Tây mở một cuộc chiến thông tin. Hôm 3/10, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết chỉ có 5% các vụ không kích của Nga ở Syria là nhắm vào những phần tử cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Sun, Bộ trưởng Michael Fallon nói rằng hầu hết những vụ không kích của Nga là nhắm vào các nhóm nổi dậy khác ở Syria, kể cả nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) được phương Tây hỗ trợ. Ông cũng nói rằng những vụ tấn công này đã giết chết thường dân.

Vài giờ sau khi chiến dịch oanh kích của Không quân Nga được triển khai, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian lên tiếng cho rằng: "Nga đã mở chiến dịch tấn công tại Syria. Điều kỳ lạ là họ lại không đánh vào IS".

Xem ra ông Le Drian ngụ ý rằng máy bay Nga không nhằm vào các nhóm IS, mà vào lực lượng của FSA - nhóm nổi dậy ôn hòa chống chế độ Damas.

Mỹ cũng tỏ ý hoài nghi nhưng tuyên bố thận trọng hơn. Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nói rõ là chúng tôi hết sức quan ngại nếu Nga tấn công vào các nơi không có IS hay Al-Qaeda hoạt động". Lầu Năm Góc thì nêu rõ nghi ngờ Không quân Nga "nhiều khả năng nhằm vào phong trào đối lập với Tổng thống Syria Al-Assad, chứ không phải là vào những đối tượng khủng bố IS".

Các cuộc không kích của Nga đã khiến hàng nghìn chiến binh IS tháo chạy khỏi Syria.

Moscow khẳng định Không quân Nga đã oanh tạc vào các vị trí của tổ chức IS. Theo Điện Kremlin, máy bay chiến đấu của Nga đã thực hiện được các vụ oanh kích "chuẩn xác", đã dội bom phá hủy được nhiều "thiết bị quân sự", phương tiện truyền thông, các "kho vũ khí và đạn dược" và các cơ sở trung tâm đầu não điều hành của IS.

Ngày 1/10, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố mục đích các cuộc không kích nhằm hỗ trợ quân đội của Tổng thống Al-Assad trong cuộc chiến chống IS cùng các nhóm khủng bố khác. Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định, chiến dịch không kích của Nga hoàn toàn theo đúng luật pháp quốc tế vì được chính quyền hợp pháp tại Syria yêu cầu và Moscow cần nhanh chóng ngăn chặn các phần tử khủng bố trước khi chúng tràn vào nước Nga.

Các đồng minh của Mỹ trong liên quân quốc tế chống IS tại Syria ngày 2/10 đưa ra tuyên bố kêu gọi Nga dừng các cuộc tấn công vào lực lượng đối lập Syria và tập trung vào mục tiêu chống IS. Một bản tuyên bố chung của Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Đức, Qatar, Arập Xêút và Anh thể hiện lo ngại hành động của Nga sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Syria.

Một cố vấn của Tổng thống Nga Putin cho biết, chiến dịch không kích của Nga tại Syria sẽ kéo dài trong 3 - 4 tháng và sẽ được tăng cường bằng tàu chiến.

Trước tình hình này, Mỹ đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria sau khi lực lượng này cầu cứu vì cho rằng bị Không quân Nga oanh kích. Nếu Mỹ bơm vũ khí cho lực lượng đòi lật đổ Assad thì cuộc nội chiến Syria sẽ biến thành cuộc đối đầu quân sự Nga-Mỹ.

Theo Hãng tin AP, việc Nga phát động các cuộc không kích ở Syria đang thúc đẩy các cuộc thảo luận trong giới chức Lầu Năm Góc về việc liệu Mỹ có nên sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lực lượng nổi dậy ở Syria - vốn được Washington huấn luyện và trang bị vũ khí - nếu lực lượng này nằm trong tầm bắn của Nga.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng, Lầu Năm Góc đang xem xét mọi khía cạnh những vấn đề gai góc liên quan đến chính sách ngoại giao và pháp lý, cũng như cân nhắc những rủi ro của việc sử dụng vũ lực để đối phó với "một cuộc tấn công từ Nga".

Sự xem xét của Mỹ được đưa ra sau khi phe đối lập Syria "la làng" lên rằng họ bị Không quân Nga đánh trúng. Ngày 2/10, đại úy Mustafa Moarati, người phát ngôn Lữ đoàn Tajamu al-Izza, một nhóm nổi dậy ôn hòa được Mỹ huấn luyện, cho biết các vị trí của họ ở thị trấn Latamneh đã bị trúng 15 quả bom trong ngày thứ ba oanh kích của Không quân Nga.

Ông Moarati khẳng định không có phiến quân IS hay Mặt trận Nusra, lực lượng có liên hệ với Al-Qaeda, trong thị trấn. "Họ làm điều này vì hai lý do. Thứ nhất, vì chúng tôi là bạn bè với Mỹ và họ muốn thách thức Mỹ. Thứ hai, nhằm xóa sổ lực lượng nổi dậy trên mặt đất, để cho thế giới thấy rằng chính quyền Assad chỉ đang chiến đấu với phiến quân Hồi giáo, và đó là lý do khiến ông ấy phải tồn tại", Moarati nhận định.

Chỉ huy nổi dậy này cho biết lữ đoàn của ông đã nhận được tên lửa chống tăng TOW theo chương trình viện trợ ngầm của Mỹ, nhưng chưa được trang bị bất cứ loại vũ khí phòng không nào. Trước việc liên tục bị các máy bay ném bom Nga dội bom, ông Moarati cho rằng đơn vị của mình đang có "nguy cơ bị xóa sổ".

Hassan Haj Ali, chỉ huy lữ đoàn nổi dậy Suqour al-Jabal, cho biết đơn vị của ông ta đã nhiều lần cầu cứu Mỹ thông qua những người trung gian. "Nếu họ không giúp, người của chúng tôi sẽ mất niềm tin vào họ, và sẽ càng làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan".

Hôm 2/10, Tổng thống Barack Obama tuyên bố cuộc nội chiến Syria sẽ không trở thành "một cuộc chiến tranh" giữa Mỹ và Nga. Hiện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã từ chối trả lời khi được báo giới hỏi về về vấn đề hỗ trợ cho lực lượng đối lập ở Syria như thế nào.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.