Khủng bố vươn tới Đông Nam Á

Thứ Tư, 16/05/2018, 10:10
Cảnh sát Indonesia cho biết, các vụ tấn công liều chết ngày 13 và 14-5 vào 3 nhà thờ và bên ngoài trụ sở cảnh sát ở thành phố Surabaya, thành phố lớn thứ hai ở Indonesia, thủ phủ Đông Java, đều do những người trong một gia đình thực hiện. Những người này còn có chung một điểm nữa là đều có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Việc xuất hiện thủ đoạn mới của khủng bố ở Đông Nam Á cho thấy IS và chân rết của chúng ngày càng nguy hiểm.

Indonesia rung chuyển bởi 5 vụ đánh bom cảm tử

Giới chức Indonesia cho biết, vụ nổ bom xảy ra sáng 14-5 tại trụ sở cảnh sát ở Surabaya là do 4 đối tượng đánh bom liều chết thực hiện và 4 đối tượng đều đã tử vong. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Indonesia, Tito Karnavian cho biết, các thành viên gia đình nói trên đi trên 2 xe máy, kích nổ bom tại một trạm kiểm soát bên ngoài trụ sở cảnh sát, làm ít nhất 16 người bị thương. Chỉ có con gái 8 tuổi trong gia đình này sống sót và hiện đang hồi phục sức khỏe.

Trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 14-5, trong ngày 13-5, tại Surabaya đã xảy ra loạt vụ tấn công nhằm vào 3 nhà thờ: Nhà thờ Công giáo Thánh Maria Tak Bercela, nhà thờ Thiên chúa giáo Indonesia và nhà thờ Central Pentecost. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, thủ phạm thực hiện vụ tấn công này là một gia đình 6 người, gồm: Bố, mẹ cùng 4 con từ 9 đến 18 tuổi. Cảnh sát tỉnh Đông Java cho biết, gia đình này có quan hệ với IS và nằm trong số 500 người Indonesia theo IS trở về từ chiến trường Syria.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ không khoan nhượng đối với các hành động khủng bố. Ảnh: Tempo.

Báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng Indonesia, số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công này đã lên tới 13 người trong khi 40 người bị thương vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Khi vụ việc đang được điều tra, ngay trong đêm 13-5, một vụ nổ bom khác xảy ra tại một căn hộ ở thị trấn Sidoarjo, cách Surabaya 34km. Căn hộ này nằm ngay sau một văn phòng của cảnh sát địa phương.

Người phát ngôn cảnh sát tỉnh Đông Java Frans Barung Mangera cho biết, vụ đánh bom xảy ra lúc 21 giờ 20 phút (giờ địa phương); vụ nổ khiến 2 người thiệt mạng và 3 em nhỏ bị thương. Ông Mangera cho biết, cảnh sát tới hiện trường ngay sau vụ nổ và bắn chết người cha vì người này đã đe dọa kích nổ một quả bom.

Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, tướng Tito Karnavian xác nhận, thủ phạm của các vụ tấn công 3 nhà thờ Thiên chúa giáo và sở chỉ huy cảnh sát ở thành phố Surabaya đều là thành viên của các nhóm khủng bố Jemaah Ansharut Tauhid (JAT) và Jemaah Ansharut Daulah (JAD) có liên hệ với IS.

Ông Karnavian tiết lộ thêm các vụ tấn công nói trên là hành động trả thù của JAT và JAD vì cơ quan chức năng Indonesia đã bắt giữ thủ lĩnh của 2 nhóm này và đang chờ xét xử.

Cảnh báo đỏ về nạn khủng bố ở Đông Nam Á    

Ngay sau các vụ đánh bom, nhiều thành phố và khu vực tập trung đông người; địa điểm du lịch được đặt trong tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất. Ngày 14-5, Bộ trưởng Điều phối chính trị, luật pháp và an ninh Indonesia Wiranto cho biết, lực lượng cảnh sát nước này với sự hậu thuẫn của quân đội sẽ tăng cường an ninh trên toàn quốc.

Ngay trong ngày 13-5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới hiện trường thị sát, đồng thời ra tuyên bố lên án các vụ tấn công là hành động “man rợ”. Ngày 14-5, phát biểu trên mạng truyền hình Metro TV, Tổng thống Widodo lên án đây là “hành động hèn nhát, tàn bạo và vô nhân tính”. Ông Widodo nhấn mạnh, sẽ không khoan nhượng đối với các hành động khủng bố.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 13/5 cũng lên án các vụ tấn công khủng bố. Các vụ tấn công khủng bố tại Indonesia đã cho thấy cảnh báo của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 diễn ra cách đây chưa lâu rằng mối đe dọa khủng bố và tấn công mạng đối với Đông Nam Á là “rất thật”.

Thủ đoạn mới, nỗi lo mới

Có điểm rất mới trong các vụ việc này, theo Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia, Tito Karnavian cho biết, vụ đánh bom tự sát sáng 14-5 tại trụ sở cảnh sát ở Surabaya được thực hiện bởi các thành viên của một gia đình. Trước đó một ngày, 3 vụ đánh bom liên hoàn nhằm vào các nhà thờ tại Surabaya cũng được xác định do các đối tượng trong một gia đình 6 người thực hiện.

Theo thống kê các vụ khủng bố thời gian gần đây tại Indonesia, các mục tiêu hiện nay dường như tập trung vào cảnh sát và các tôn giáo ngoài đạo Hồi. Đối tượng người phương Tây dường như không còn nằm trong mục tiêu nhắm đến như trước đây, khi xảy ra các vụ khủng bố ở các khách sạn hạng sang và ở đảo du lịch Bali, nơi tập trung nhiều người nước ngoài.

Công tác điều tra của cảnh sát trong các vụ tấn công cho thấy, kỹ năng chế tạo bom của các đối tượng khủng bố ngày tinh vi và được phổ biến trong cộng đồng cực đoan. Bom tự chế có sức công phá lớn hơn và đã sử dụng các kỹ thuật và vật liệu, chất nổ cũng được sử dụng trong các vụ đánh bom trước đó ở châu Âu và Mỹ.

Chính quyền Indonesia trong mấy năm qua đã bày tỏ lo ngại về sự nhập cảnh trở lại của những đối tượng từng bị IS lôi kéo sang Trung Đông. Những lo lắng là có cơ sở khi vụ đánh bom liên hoàn tại các nhà thờ ở Surabaya do một gia đình đã từng ở Syria thực hiện sau khi họ nhập cảnh trở lại vào Indonesia.

Hiện trường sau vụ tấn công vào một nhà thờ. Ảnh: Reuters.

Giới phân tích cho rằng, các lực lượng an ninh Indonesia đã có thể theo dõi hầu hết những người Indonesia bị trục xuất qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có vẻ ít thành công hơn trong việc theo dõi những người tự nguyện quay trở lại mà không báo trước. Hàng loạt vụ khủng bố vừa qua tại Indonesia đã một lần nữa chứng tỏ IS vẫn đang ráo riết hoạt động và những lo ngại lâu nay của Jakarta về sự nguy hiểm của các phần tử từ Trung Đông trở về đã trở thành hiện thực.

Ngoài ra, việc tiến hành các vụ tấn công đều do những thành viên trong gia đình thực hiện, với các thủ phạm thậm chí là phụ nữ, trẻ em, đã cảnh báo về tính chất bất thường và khó lường của tình hình khủng bố hiện nay ở Indonesia.

Tuy thất bại ở Trung Đông nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo mối đe dọa IS chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều, bởi chúng có thể sẽ tìm cách tái tập hợp và tiến hành các vụ tấn công trả thù trên khắp thế giới. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á đã và đang trở thành nơi trú ẩn cho những phiến quân IS tháo chạy khỏi chiến trường Iraq và Syria.

Minh chứng rõ nhất cho điều này là việc Indonesia đã trở thành mục tiêu tấn công khủng bố khi ngày 14-1-2016, IS đã thực hiện 7 vụ đánh bom liên hoàn và xả súng tại trung tâm thương mại Sarinah ở Jakarta làm 8 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Tiếp đó, ngày 5-8-2016, Singapore đã rúng động trước âm mưu tấn công bằng rocket nhằm vào khu Marina Bay, một trong những địa điểm trung tâm thu hút đông đảo khách du lịch nhất của Singapore.

Trước tình hình đó, các nước Đông Nam Á đã phải tăng cường các biện pháp đối phó với nạn khủng bố. Ngày 21-12-2017, cảnh sát Indonesia đã đập tan các âm mưu của một nhóm có liên quan đến IS nhằm tiến hành đánh bom liều chết vào dịp lễ Giáng sinh, sau khi lực lượng này phát hiện ra nơi cất giấu bom tại một ngôi nhà ở ngoại ô thủ đô Jakarta và tiêu diệt 3 nghi can.

Cũng vào ngày 21-12-2017, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ được 7 đối tượng, trong đó có 4 người nước ngoài và 3 người Malaysia có liên hệ với IS, và lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công tại Malaysia và Myanmar. Một trong số này nhận lệnh của tên Muhammad Wanndy Jedi, một người Malaysia bị cảnh sát cho là đang chiến đấu cho IS tại Syria, tấn công tại nhiều điểm vui chơi giải trí ở thủ đô Kuala Lumpur và thành phố Malacca.

Bên cạnh các âm mưu tấn công khủng bố và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, cuộc chiến giữa quân đội chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute tuyên bố trung thành với IS tại thành phố Marawi kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10-2017 đã cho thấy mức độ nguy hiểm của IS.

Các nhà phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà IS chọn khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực có dân số trên 600 triệu người, trong đó cộng đồng Hồi giáo lên tới gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% trong tổng số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước Malaysia, Indonesia, Philippines.

Thực tế cho thấy IS đã có một chiến lược khá bài bản để hiện thực hóa âm mưu bành trướng sang Đông Nam Á, khi bắt tay với các nhóm phiến quân trong khu vực như Jemaah Islamiyah ở Indonesia, Abu Sayyaf ở Philippines.

Một loạt vụ tấn công khủng bố trong hai ngày qua tại thành phố Surabaya của Indonesia cho thấy các mạng lưới chân rết của IS đã bám rễ sâu vào quốc gia Đông Nam Á này với thủ đoạn tấn công mới vô cùng nguy hiểm, đó là việc lôi kéo cả phụ nữ, trẻ em, thậm chí cả gia đình tham gia khủng bố.

Các vụ khủng bố liên tiếp nói trên ở Surabaya trở thành loạt vụ tấn công đẫm máu nhất Indonesia kể từ năm 2009. Các vụ tấn công vừa qua đều do thế hệ phiến quân mới đi theo tư tưởng cực đoan của nhóm IS tự xưng tiến hành, khiến nhiều ý kiến không khỏi lo ngại rằng “chân rết” của IS với lực lượng trẻ và hành động nguy hiểm hơn đang lan nhanh tại Indonesia và cả các quốc gia Đông Nam Á khác.

Thực tế không thể phủ nhận là “vòi bạch tuộc” của IS đã lan tới Đông Nam Á và đang ngày càng bám rễ sâu tại khu vực này sau khi IS bị truy quét mạnh tại Iraq và Syria. Cùng với Indonesia, nước láng Philippines cũng thường xuyên chứng kiến những hoạt động bạo lực dữ dội của nhóm phiến quân có liên hệ với IS tại thành phố Marawi, thủ phủ tỉnh Lanao del Sur, miền Nam Philippines.

Việc lôi kéo phụ nữ và cả trẻ em tham gia các vụ tấn công liều chết vừa qua tại Indonesia cho thấy sự nguy hiểm và tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố. Trong tổ chức khủng bố khét tiếng nhất ở Indonesia này, phụ nữ trước đây chỉ tham gia với vai trò trung gian, tăng cường các mối quan hệ và nuôi dưỡng các chiến binh thánh chiến nhằm mở rộng lực lượng cho các tổ chức khủng bố địa phương.

Tổ chức khủng bố ở địa phương cũng dựa vào phụ nữ để gây quỹ cho cuộc thánh chiến bạo lực. Quy ước của Hồi giáo cổ điển không ủng hộ phụ nữ tham gia vai trò chiến đấu. Tuy nhiên, với sự bành trướng của IS, phụ nữ và cả trẻ em ngày càng bị lôi kéo vào các hành động khủng bố đẫm máu.

Với mục tiêu thành lập “Nhà nước Hồi giáo” bằng mọi giá, IS đã mở rộng loại hình khủng bố, tuyên truyền nâng vai trò của phụ nữ và trẻ em trong tổ chức lên mức độ lớn hơn để có thể tận dụng những đối tượng vốn bị coi là yếu đuối này tham gia các nhiệm vụ đánh bom liều chết và bạo lực vũ trang. Như vậy, thành phần trực tiếp tham gia tấn công khủng bố không những được mở rộng, mà còn khiến cho lực lượng an ninh các nước khó phát hiện và ngăn chặn kịp thời, qua đó các âm mưu khủng bố dễ được hoàn thành hơn.

Chiến thuật mới hết sức nguy hiểm này cho thấy mức độ dã man, tàn bạo không giới hạn của các tổ chức khủng bố hiện nay. Nó cũng phản ánh thực tế các lực lượng khủng bố như IS, dù bị truy quét ác liệt ở những khu vực vốn là căn cứ địa của chúng, nhưng vẫn không từ bỏ dã tâm, không ngừng biến hóa với các chiến thuật, chiến lược mới và tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định của thế giới.

Đặc biệt, khi IS tìm cách móc nối với hàng chục tổ chức vũ trang cực đoan ở Đông Nam Á, tương tự như với các nhóm khủng bố ở địa phương ở Indonesia, hình thành mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia, thì nguy cơ khủng bố không chỉ dừng lại với riêng một quốc gia, và do đó đòi hỏi có sự hợp tác ở tầm khu vực và quốc tế để cùng đối phó.

Hòa Nguyễn
.
.