Khủng hoảng Venezuela gia tăng cường độ
Từ Caracas, Tổng thống Maduro, hiện vẫn nhận được sự ủng hộ quan trọng của tòa án và quân đội, một mặt kêu gọi người dân tránh bẫy khiêu khích, mặt khác tố cáo âm mưu từ bên ngoài và tuyên bố ly khai khỏi Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ.
Ngày 30-4, lãnh đạo phe đối lập Venezuela, Juan Guaido và những người ủng hộ ông đã tập trung tại Caracas trên đường cao tốc trước căn cứ quân sự Carlota. Ông Guaido kêu gọi người dân xuống đường và hứa rằng quân đội sẽ hỗ trợ họ. Ông tuyên bố “bắt đầu giai đoạn cuối của Chiến dịch Tự do” nhằm lật đổ chính quyền hiện tại.
Các chính trị gia Mỹ công khai kêu gọi quân đội Venezuela đứng về phía Guaido. Washington bóng gió về khả năng can thiệp vũ trang. Cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ, John Bolton, nói rằng “tất cả các lựa chọn đều nằm trên bàn”.
Tuy nhiên, quân đội Venezuela đã không phản bội ông Maduro, bất chấp tín hiệu từ Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez tuyên bố chắc chắn rằng các lực lượng vũ trang tiếp tục hỗ trợ chính phủ Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Padrino Lopez đã phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia rằng chính quyền đã đánh bại hoàn toàn một nỗ lực phá hoại hòa bình ở nước này. Bộ trưởng thừa nhận rằng một nhóm quân đội đã đứng về phía phe đối lập nhưng ông gọi đó là một con số nhỏ. Ngoài ra, ông lưu ý rằng chính quyền đã sẵn sàng sử dụng vũ khí để bảo vệ trật tự trong nước.
Tình hình tại Venezuela diễn biến phức tạp. |
Chánh án Michel Moreno và Tổng Chưởng lý Tarek William Saab cũng khẳng định lòng trung thành của họ với chính phủ Maduro. Thẩm phán mạnh mẽ lên án những nỗ lực phi pháp của một nhóm nhỏ quân đội Venezuela, những người đang cố gắng giành lấy quyền lực. Ông nói thêm rằng những người chịu trách nhiệm về cuộc nổi dậy sẽ được đưa ra trước pháp luật.
Tổng thống Maduro hôm 30-4 đã ra tuyên bố ca ngợi lòng trung thành của quân đội và kêu gọi tổng động viên toàn dân để ngăn chặn một cuộc đảo chính trong nước.
Trong lúc này Mỹ tiếp tục tăng sức ép đòi Tổng thống Maduro từ chức. Hoa Kỳ khẳng định rằng Tổng thống Maduro cần phải rời khỏi lãnh thổ của nước cộng hòa. Điều này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố vào ngày 30-4 trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNN.
“Đã lâu rồi không ai thấy ông Maduro. Đã có một chiếc máy bay sẵn sàng cất cánh và ông Maduro đã sẵn sàng ra đi vào lúc sáng nhưng theo những gì mà người ta được biết, Nga đã yêu cầu ông ta ở lại. Nhưng cũng đến lúc ông ấy phải ra đi và chúng tôi yêu cầu ông ra đi càng nhanh càng tốt”, ông Pompeo nói với CNN. Ngoại trưởng Mỹ như đã thúc trực tiếp ông Maduro phải đi qua La Habana... Không thể ở lại Venezuela... “Hãy cho chiếc máy bay đó cất cánh đi”.
Tổng thống Maduro tại cuộc mít tinh ngày 1-5. |
Ngay sau đó, Tổng thống Maduro đã bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ. Phát biểu trước những người ủng hộ tại cuộc mít tinh ngày 1-5, Tổng thống Maduro nói rằng việc tạo ra cảnh người dân Venezuela chém giết lẫn nhau là mục tiêu của phe đối lập khi họ nỗ lực thực hiện một cuộc đảo chính (nhưng không thành công). “Họ (phe đối lập) muốn chúng ta khơi ngòi dẫn đến tình trạng nội chiến. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta huy động tất cả xe tăng, xe bọc thép và lực lượng đặc biệt mà chúng ta có trong tay? Sẽ có một cuộc thảm sát giữa những người Venezuela; Washington sẽ ăn mừng và ra lệnh bắt đầu một cuộc can thiệp quân sự để chiếm lấy đất nước này”, ông Maduro nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng bác bỏ thông tin của Ngoại trưởng Pompeo, cho rằng “Washington tìm mọi cách để làm nhụt chí quân đội Venezuela và bây giờ dùng tin giả để phát động một cuộc chiến thông tin”. Phát biểu trước các phóng viên, bà Zakharova cho rằng sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của Venezuela có thể gây ra sự sụp đổ.
Từ đầu năm nay, Mỹ đã tung ra các biện pháp đe dọa quân sự, cô lập ngoại giao, bao vây kinh tế, cấm vận dầu mỏ... nhưng tất cả chỉ làm cho khủng hoảng ở Venezuela ngày càng nghiêm trọng thêm và không mang lại kết quả chính trị mong muốn.
Về phản ứng quốc tế, ngày 1-5, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên tham gia cuộc xung đột ở Venezuela cần phải tránh bạo lực. Chính quyền Đức, Tây Ban Nha và Mexico cho rằng cuộc khủng hoảng ở Venezuela chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình.
Juan Guaido - Thủ lĩnh phe đối lập ở Venezuela. |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người đồng cấp Bolivia của ông, Evo Morales và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba, Miguel Díaz-Canel đã lên án cuộc đảo chính ở Venezuela. Chính quyền Nicaragua cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Maduro. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi những người đối lập cực đoan ở Venezuela cần tránh bạo lực và bất ổn.
Trong một diễn biến khác, Brazil bày tỏ hy vọng rằng quân đội Venezuela sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi đất nước sang dân chủ hóa. Chính quyền Venezuela bác bỏ quan điểm này vì cho rằng những nước thuộc Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) từ lâu đã có quan điểm chống Tổng thống Maduro. Trước đó, ngày 27-4, ông Maduro tuyên bố rằng Venezuela không còn là thành viên của OAS.
“Chúng ta đã được giải thoát khỏi “Bộ thuộc địa” của Hoa Kỳ, vì OAS là một cơ quan chuyên làm theo lời Mỹ để can thiệp nội tình các quốc gia, không tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và luật pháp quốc tế. Đất nước độc lập và có chủ quyền của chúng ta từ nay nói lời tạm biệt OAS và sẽ không bao giờ trở lại với tổ chức này nữa”.
Theo tin mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp nhau bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực tại thành phố Rovaniemi phía Bắc Phần Lan vào tuần tới. Hai ngoại trưởng sẽ thảo luận về “một loạt các vấn đề”, trong đó có những bất đồng giữa hai nước liên quan tới cuộc khủng hoảng Venezuela.
Trước đó vào ngày 1-5, hai ông Lavrov và Pompeo đã có một cuộc đàm thoại căng thẳng về tình hình Venezuela, nơi Mỹ đang cố lật đổ Tổng thống được Nga ủng hộ là Nicolas Maduro. Ông Pompeo nói sự giúp đỡ của Nga đối với Tổng thống Maduro “gây bất ổn” cho Venezuela. Đáp lại, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc “ảnh hưởng tiêu cực” của Mỹ đã “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.