Kosovo: Nền độc lập được thừa nhận, rồi sao nữa?

Thứ Sáu, 30/07/2010, 15:55
Ngày 22/7 vừa qua, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, đã ra phán quyết cho rằng tuyên bố đơn phương độc lập của Kosovo hồi năm 2008, mà Cộng hòa Serbia không thừa nhận, là "không vi phạm luật pháp quốc tế". Tuy nhiên, với nhiều nước châu Âu, tương lai của Kosovo vẫn còn là một ẩn số về địa chính trị.

Kosovo, một vùng đất rộng hơn 10.000km2 với khoảng 2 triệu dân đa phần là gốc Albani, đã tách khỏi Serbia và tuyên bố độc lập vào tháng 2/2008. Sự kiện Kosovo tuyên bố độc lập làm nổi rõ một thế giới mất đoàn kết trầm trọng. Một loạt nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp, Anh, Đức sốt sắng công nhận Kosovo là quốc gia độc lập. Nối tiếp đó là một loạt nước không phải phương Tây khác. Đến nay, có 69 quốc gia trên thế giới đã công nhận Kosovo. Tuy nhiên, Serbia cùng nhiều nước khác, trong đó có Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc... không công nhận.

Việc Kosovo tuyên bố độc lập đã bị Serbia kiện ra ICJ vì cho rằng việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập là trái với luật pháp quốc tế và quy định của Liên Hiệp Quốc. Đây là lần đầu tiên tòa án này xét xử một chuyện liên quan đến vấn đề ly khai cho nên phán quyết cuối cùng của tòa án này - cho dù không có tính chất ràng buộc - sẽ tạo tiền lệ về cách hiểu và sau đó là cách ứng xử trong mọi vấn đề có liên quan đến ly khai. Vụ tranh chấp này cũng đã gây trở ngại cho Serbia khi nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu và đồng thời cũng đã làm cho các nước chùng tay khi muốn đầu tư vào Kosovo.

Theo các nhà phân tích, một nhà nước tồn tại không phải nhờ sự thừa nhận quốc tế mà chính sự tồn tại của nó quyết định sự thừa nhận quốc tế. Nền độc lập của Kosovo giờ đây đã được ICJ thừa nhận nhưng Kosovo vẫn phải một mình đối mặt với vấn đề độc lập của mình.

Thực tế thì ít có khả năng quan điểm của cộng đồng quốc tế sẽ thay đổi trên vấn đề độc lập của Kosovo. Những quốc gia đã thừa nhận nền độc lập của Kosovo sẽ không thay đổi quan điểm vì họ cho rằng vấn đề ở đây là chính trị chứ không phải pháp lý. Những quốc gia trước đây đã từ chối thừa nhận nền độc lập này (bên trong EU có Slovakia, Rumani, Tây Ban Nha, đảo Síp, và Hy Lạp) cũng như Nga, Trung Quốc và các nước khác thì nay vẫn sẽ tiếp tục con đường cũ.

Phát biểu trước báo giới ngay sau phán quyết của ICJ, Tổng thống Serbia Boris Tadic khẳng định Belgrade sẽ không bao giờ công nhận nền độc lập của Kosovo. Ông Tadic nói: "Serbia sẽ không bao giờ công nhận việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập. Giờ đây, Chính phủ Serbia sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo". Theo ông, việc Kosovo tuyên bố độc lập là hành động đơn phương, là "sự ly khai vì động cơ sắc tộc" không phù hợp với các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic cũng tuyên bố rằng trong mọi hoàn cảnh, Belgrade sẽ không bao giờ công nhận việc Kosovo tự tuyên bố độc lập. Ngoại trưởng Jeremic cảnh báo rằng toàn bộ những đường biên giới trên thế giới sẽ gặp nguy hiểm nếu ICJ ủng hộ "sự ly khai" của Kosovo.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/7 ra tuyên bố cho biết phán quyết của ICJ không mang lại cơ sở pháp lý cho nền độc lập của Kosovo. Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi bảo lưu quan điểm không công nhận nền độc lập của Kosovo. Chúng tôi tin rằng giải pháp cho vấn đề Kosovo chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán giữa các bên liên quan". Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ, Ban Ki-moon, kêu gọi tất cả các bên tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể làm chệch hướng tiến trình đối thoại.

Người dân Kosovo theo dõi phán quyết của ICJ về tuyên bố độc lập Kosovo.

Theo phát ngôn viên của ông Ban Ki-moon, LHQ khuyến khích các bên tham gia vào một cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Ông Ban Ki-moon sẽ đề nghị chuyển vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ. Liên minh châu Âu kêu gọi Serbia và Kosovo cải thiện quan hệ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Catherine Ashton tuyên bố EU sẵn sàng giúp đỡ Belgrade và Pristina tiến hành đối thoại về vấn đề này. Theo bà Ashton, tiến trình đối thoại sẽ giúp hai bên thúc đẩy hợp tác và đạt được tiến bộ trong quá trình hội nhập với châu Âu.

Trong khi đó, Mỹ kêu gọi các nước châu Âu "đoàn kết" sau phán quyết của ICJ. Ngay trước khi ICJ ra phán quyết trên, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Tổng thống Serbia Boris Tadic, kêu gọi Belgrade phối hợp để giải quyết các vấn đề thực tế liên quan tới Kosovo, nhằm cải thiện cuộc sống của người dân ở Kosovo, Serbia và trong khu vực.

Theo các nhà phân tích, để giúp Kosovo thoát khỏi thế bế tắc hiện nay, cộng đồng quốc tế phải tổ chức một hội nghị quốc tế tập hợp các quốc gia phía Tây bán đảo Balkan dưới sự chủ trì của EU và các thành viên thường trực trong Hội đồng bảo an LHQ. Hội nghị này phải mở ra những cuộc đối thoại giữa các quốc gia và đối tác xuất thân từ sau sự sụp đổ Liên bang Nam Tư về những quan hệ sắp tới của họ trong khuôn khổ EU.

Hiện nay, việc đưa Kosovo trở lại tình trạng ban đầu là điều không thực tế nhưng việc giữ nguyên tình trạng như bây giờ cũng không thể chấp nhận được. Do vậy cộng đồng quốc tế phải xác định một vị thế mới cho Kosovo. Vị thế này phải khác so với cả trước đây và hiện nay và phải dựa trên những nguyên tắc quốc tế chung.

Bản kế hoạch Ahtisaari (năm 2007, Martti Ahtisaari, nhà thương thuyết trung gian của LHQ về vấn đề Kosovo đã đề xuất một nhà nước Kosovo chịu sự giám sát của cộng đồng quốc tế, nhưng đã bị thất bại) nay vẫn có thể được coi là một cơ hội mới để đàm phán về vị thế trong tương lai của Kosovo

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.