Kỷ niệm ngày thương binh-Liệt sĩ 27-7: Ông già nghĩa trang

Thứ Tư, 23/07/2008, 08:30

Tôi biết ông tới nay vừa tròn 38 năm, kể từ khi chúng tôi chuyển địa bàn hoạt động từ miền Đông Nam Bộ về xứ dừa An Phước, Châu Thành quê ông. Thực tình, cho tới bây giờ tôi vẫn chưa biết tên thật của ông, mặc dù ở H67 hồi đó, tôi là người gắn bó với ông nhiều hơn, mà cũng chỉ biết ông thứ sáu. Cả vùng gọi là “Sáu Lé”.

Không biết ông bị tật nguyền từ bao giờ mà chỉ còn một chút xíu ánh sáng ở mắt trái, thành thử ông phải dò dẫm đi. Nhận người quen qua tiếng nói là chính. Ngoài tình cảm quân – dân, từ giữa năm 1972, tôi và ông còn nảy nở thêm tình cảm thân tộc. Số là bà Mười Tầm (tên thật là Đồng Thị Khoái) Bà mẹ Việt Nam Anh hùng – là chị bà con với ông. Bà có 4 người con trai. Trước năm 1970, Năm Bang (Đội trưởng ấp 1) hy sinh. Từ năm 1970 tới 1972,  còn lại 3 người đều anh dũng hy sinh tại quê hương An Phước (Ba Xước – Xã đội trưởng; Tư Ngưu – Chính trị viên Xã đội và Sáu Ngang – Xã đội phó).

Bà cạn hết nước mắt vì khóc con. Rồi mắc chứng tâm thần, lội khắp các mương, rạch để tìm con. Trước tình cảnh đó, anh em cán bộ địa phương, khởi xướng là Hai Hoàng, Trưởng ban Quân giới huyện Châu Thành (hồi đó gọi là Công trưởng huyện, đặt vấn đề với tôi – “Thật tội nghiệp bà già.  Để bả vậy có ngày vướng trái nổ thì nguy.

Tôi nghĩ, có lẽ Ba Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường) nên nhận bà Mười là má nuôi, lấp bớt khoảng trống cho bà. Biết đâu...! Thế là từ đó tôi thường xuyên ghé thăm bà, chuyển đổi cách xưng hô, từ bác thành má. Và như thế, cố nhiên tôi chuyển đổi cả cách xưng hô với những người thân của bà. Thím Tư Liệu – em bà – tôi gọi là dì Tư và với ông, tôi gọi là cậu Sáu.

Cả vùng An Phước, ngoài tên thường gọi là “Sáu lé” như tên “cúng cơm” của ông, anh em du kích còn gọi ông bằng nhiều biệt danh khác - “ông già bám trụ”, “ông già tiếng hú”, “ông già chịu chơi”, “ông già nghĩa trang”... Tất cả những biệt danh đó đều xuất phát từ hành động cụ thể của ông.

Ở An Phước giai đoạn cuối thập niên  60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, địch đã nhiều lần gom dân lập ấp chiến lược, lập khu gom dân nhưng không bao giờ ông chịu rời cái mảnh  vườn cũ của mình ở ấp 1. Kẻ địch làm căng, đốt nhà thì ông dựng chòi lên ở. Có lần chúng dọa bỏ tù vì ông “chống lệnh quốc gia”. Ông cười khà khà -  “Thôi đi mấy cha nội! Vô chòi lai rai cho vui. Chẳng lẽ lão Sáu đui này làm được Việt Cộng hay sao mà tù với tội” – “Nhưng mắc chứng chi mà ông không chịu vô ấp” – “Vô để ăn bám quốc gia sao! “Qua” ở đây sống cho qua ngày đoạn tháng. Sống nhờ mấy trái chuối, trái dừa, nhờ mấy con tôm, con tép dưới mương, mắc mớ chi phải vô trỏng...”.

Cái biệt danh “ông già bám trụ” xuất xứ là vậy. Khi đã trở thành thân thiết, có lần tôi hỏi thật ông:

“Tụi nó làm căng vậy cậu không sợ à? Rồi còn bom, pháo, rủi có bề nào...”.

“Có lúc cũng ngán. Nói không sợ chết là xạo. Nhưng kiếp người cũng chỉ chết một lần. Chui vô khu giam để tụi nó kìm kẹp, “qua” chịu không nổi. Mà... bỏ đi hết, rồi anh em mình nó dựa vào đâu...!.

“Cậu mắt mũi như vầy thì giúp gì được cho anh em?”.

Ông già cười khà. Nâng ly rượu đế, ngước cao mặt, nghiêng cái đuôi mắt trái còn chút ánh sáng về phía tôi.

“Không làm được việc lớn thì giúp việc nhỏ. Sáu Lé này chưa phải đồ bỏ đi đâu nghen!...”.

Giọng ông bỗng trùng xuống, mơ hồ như nói với riêng mình:

“Tội nghiệp. Tụi nó hy sinh nhiều quá! Có khi lãng nhách...  Lính càn vô rồi giả bộ rút quân, gài lại một toán biệt kích. Buổi chiều, anh em mình nống ra ven đồng, lọt gọn vào ổ phục kích, chết sạch...”.

Tôi ân hận, bỗng dưng lại gợi nỗi đau quá khứ của ông.

Thực tình, khi về An Phước tôi có nghe chuyện này. Nó đã trở thành huyền thoại “Tiếng hú ven đồng”, tạo cảm xúc để tôi viết bài thơ tình: “Chuyện mùa dâu chín” mà sau này soạn giả Minh Quân chuyển thành bài ca vọng cổ. Trong đó có một chi tiết nói về ông. “... Lần thứ ba gặp lại/ Tôi trở thành quen thân/ Tới thăm em/ Em kể chuyện xa gần/ Chuyện quê hương An Phước/ Giặc vô là tan xác/ Chuyện ông già mù xóm trên và tiếng hú ven đồng/ Chuyện riêng bót Cầu Đình ta diệt tên giặc thứ một trăm/ Chuyện em đi dân công, em làm liên lạc/ Đưa cuốn sổ hồng em bảo tôi ghi bài hát/ Chép thiệt nhiều nghen anh/ Em thích bài ca giọng nói Bác Hồ...”.

Thời đó, điều kiện để có thể bám trụ cũng đơn giản. Hiểu được nỗi lòng ông “một tấc không đi, một ly không rời” nên anh em du kích đã phụ giúp ông dựng chòi, đắp hầm  tránh phi pháo. Với ông, để khắc phục khiếm khuyết về tầm nhìn, khi bà Sáu và sắp nhỏ bị dồn vào khu gom dân, ông giữ lại một đứa con trai nhỏ làm bầu bạn, nương tựa, làm “tai mắt” cho ông. Nhiệm vụ của nó là tinh mơ mỗi ngày phải quan sát ven đồng và trên lộ  17. Nếu có lính xuất hiện, càn vào An Phước là phải đếm từng tên và khi lính rút quân cũng phải đếm như vậy. Ông thống nhất tín hiệu với anh em du kích  - “Báo động” (lính càn vô căn cứ) ông sẽ hú 1 tiếng thật dài; “Báo tịnh” (báo yên, lính đã rút) sẽ hú 3 tiếng.

Một lần, lính càn vô quá sớm. Khi thằng con ông phát hiện thì nó chỉ còn cách ven vườn ấp 1 chừng mấy trăm mét, ông tất tưởi chạy vào hướng lộ giữa, leo lên một gò mối, lấy hết sức bình sinh hú lên một tiếng. Ai dè, tiếng hú vừa dứt là tiếng súng nổ rần rần phía sau. Bí quá, ông leo tót lên một cây dừa lão gần đó trong tiếng hò hét của tụi lính  - “Việt Cộng!  Việt Cộng, rượt theo. Rượt theo tiếng hú... Bắt! Bắt sống...”. Đạn bay vèo vèo, tướp sơ những tàu chuối, phầm phập ghim vào những thân dừa.

Thật rủi cho ông, bởi không quan sát được, ông nhè đúng cây dừa cụt ngọn mà leo. Mà ác thay, lại nhè đúng cây dừa có ổ kiến vàng trên đó. Thế là, cái tấm thân khô khốc của ông thả cho lũ kiến thỏa thuê châm chích. Ông thầm nhủ mình: “Thà chết vì tụi kiến. Chứ không để lọt vào tay bọn giặc”. Khi tiếng súng lẹt đẹt, xa dần về phía ấp II, ông mớiâ tụt xuống, lao vội xuống con rạch gần đó, lặn một hơi, để rũ sạch lũ kiến. Bò được lên bờ, ông ngất lịm. Khi tỉnh dậy bỗng thấy mình mập ú. Nằm bẹp mấy ngày mới trở lại bình thường.

Còn một biệt danh nữa - “Ông già nghĩa trang” – nó ra đời trước những biệt danh vừa kể và liên quan trực tiếp tới đơn vị H67 (Cụm Tình báo chiến lược thuộc J22) chúng tôi.

Như chúng ta đều biết, để đàn áp Cách mạng miền Nam, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã sắm ra vô số chiến lược, kế hoạch... điển hình là “chiến lược bình định”. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ đã dày công nghiên cứu để đi tới kết luận: “Muốn giành thắng lợi ở Việt Nam, bằng mọi  giá phải phá vỡ cái gọi là sức mạnh đoàn kết quân dân của họ. Cái mà ông Hồ Chí Minh – Lãnh tụ của Cộng sản vẫn thường nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết... Quân với dân như cá với nước...”. Bình định chính là chiến lược “tách cá khỏi nước”. Cá mà không có nước thì ắt phải chết”. “Bởi thế, ở chiến trường miền Nam bỗng chốc nảy nòi những cụm từ lạ hoắc -  “Khu trù mật, ấp chiến lược, khu gom dân, khu dồn dân...”, xây dựng hàng ngàn, hàng vạn cái khu, cái ấp như thế.

Với một kiểu nhà theo khuôn mẫu – cứ 5 nhà hình thành một cụm gọi là “ngũ liên gia bản”. 5 nhà ấy phải quản lý, theo dõi sinh hoạt của nhau. Xung quanh khu gom là những hàng rào dây thép gai bảo vệ. Mọi người vào, ra đều phải qua cửa kiểm soát. Ai đi làm đồng hoặc trở về vườn cũ thu hoạch cây trái chỉ được đem theo vừa một bữa ăn trưa. Cấm đem thừa, đề phòng tiếp tế cho Việt Cộng...

Nói thì căng vậy. Song,  giai đoạn đầu, chính quyền cơ sở cũng chỉ thực hiện chiếu lệ. Vì vậy, nhiều nơi bà con ta “nảy sinh sáng kiến” – không vào khu gom nhưng cũng không ở nhà cũ mà cất chòi tạm ở ven đồng. Bọn lính hoạnh họe thì đấu lại – “Bà con ở vầy cho gần ruộng, gần vườn, đỡ tốn công đi lại. Giữa  đồng không mông quạnh, trên đồn mấy chú bắc ống nhòm là thấy ráo trọi. Việt Cộng nào dám tới...”.

Thời kỳ đó, riêng gia đình ông Sáu Lé vẫn “bám trụ tại gia”. Trở thành nơi anh em du kích qua lại vào ban ngày để nắm tình hình. Đêm mới ra ven đồng làm công tác vận động quần chúng. Vì vậy, có những lần chống càn, anh em bị thương hoặc hy sinh, đều có sự chăm lo chu đáo của vợ chồng ông Sáu – vợ khâm liệm, chồng đào huyệt mai táng anh em. Nghĩa trang thời đó tuy đơn sơ nhưng quanh năm quang đãng, sạch sẽ. Tất cả đều do sự chăm sóc của ông. Biệt danh “ông già nghĩa trang” anh em gắn cho ông từ ấy.

Nhân đây, tôi muốn nhắc tới một ấn tượng sâu sắc về ông đối với đơn vị chúng tôi.

Chuyện xảy ra tháng 9/1970.

Thời đó, căn cứ chính của H67 được xây dựng ở An Phước. Căn cứ dự bị 1 ở xã Phước Thạnh (phía bên kia sông Ba Lai). Căn cứ dự bị thứ 2 ở phía đông (bên kia lộ 17), cửa ngõ xã Quới Sơn, Tân Thạch. Ngày 20/9, địch càn vào Quới Sơn nên tối hôm đó bộ phận căn cứ dự bị gồm 4 người (Năm Phương – Cụm phó, Tư Tia, Tổ trưởng trinh sát cùng 2 chiến sĩ rút về An Phước, không may lọt vào ổ phục kích của địch khi vượt qua lộ 17. 2 trinh sát trẻ là Nguyễn Thị Nghĩa và Nguyễn Văn Trí hy sinh. Kẻ địch cay cú vì bị thiệt hại nặng nề do sự chống trả quyết liệt của tổ trinh sát nên chúng đã dùng thủ đoạn hèn hạ kéo xác 2 chiến sĩ  phơi nắng ngay trên lộ đá. Bố trí lực lượng canh phòng dày đặc.

Trước tình hình đó, ngày hôm sau, anh Võ Trung Tuyến, với trách nhiệm Cụm phó phụ trách công tác – chính trị, tư tưởng, cùng cán bộ địa phương vận động bà con đấu tranh công khai với địch. Người hăng hái nhiệt tình và dẫn đầu đội quân đấu tranh  chính trị hôm đó chính là ông Sáu Lé.

Bọn lính lên giọng đe nẹt: “Mấy người đừng có giỡn với tử thần. Có biết bọn nó là ai hay không mà dám ra đây yêu sách?”. Bà con rần rần phản đối. Ông Sáu tiến lại phía tên chỉ huy, giọng đầy uất hận: “Các ông đừng làm điều thất đức như vầy. Phơi xác người ta suốt 2 ngày nay chưa đủ hay sao? Họ là ai bọn tui không cần biết. Chỉ biết rằng người ta chết trên đất này thì để bà con đem đi chôn. Thế thôi...!”.

Đuối lý, bọn lính lặng lẽ bỏ đi. Bà con đưa 2 chiến sĩ về ven đồng An Phước. Lễ truy điệu và mai táng được cử hành ngay chiều hôm đó tại nghĩa trang ấp 1 dưới sự chỉ huy, điều hành của “ông già nghĩa trang” - người nặng lòng với các liệt sĩ đã hy sinh ở quê dừa An Phước.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chuyển ngành sang Cơ quan An ninh, công tác tại Hà Nội. Thi thoảng có vào phía Nam, những đợt dài ngày, tôi đều tranh thủ về quê dừa An Phước viếng đồng đội và thăm bà con cô  bác, những người đã chăm lo, giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đầy máu lửa ấy.

Rất may là lần nào cũng được gặp lại “nhân vật huyền thoại” đã khắc ghi trong tôi bao kỷ niệm, tạo cảm xúc trong một số sáng tác của tôi mà điển hình là truyện ngắn “Tiếng hú ven đồng”. Dường như mỗi biệt danh của ông đều tạo nên dấu ấn của một giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ ở đồng bằng Nam Bộ; đều trở thành nhân vật điển hình cho một tác phẩm văn học – nghệ thuật.

Đó là chuyện của thời khói lửa, đạn bom của hơn 33 năm về trước. Còn sau này, tuy ít gặp, nhưng mỗi lần trở lại chiến trường xưa tôi vẫn nhận ra một chút gì đó khác lạ về ông. Lần gặp gần đây nhất (21/10/2005) tôi về dự đám giỗ má Mười. Được bố trí ngồi cùng mâm với ông. Kỳ lạ, ngày xưa ông có thể uống rượu tối ngày, vậy mà bây giờ chỉ nhõn một ly nước lọc. Thức ăn thì “nhất vị” – chỉ một món rau luộc chấm tương chao vậy mà ở tuổi trên 85 trông ông vẫn rắn chắc như xưa.

Hỏi ra mới biết mấy năm gần đây ông ăn chay, niệm Phật, kiêng cữ tất cả. Rồi nhớ lần gặp gỡ trước đó 10 năm (1995). Tôi tới thăm ông ở nơi vườn cũ nhưng không phải nhà xưa. Nhà mới cất sau này mà sao đơn sơ, tạm bợ quá. Gió rừng dừa xạc xào như thổi vào trong tôi nỗi bâng khuâng, day dứt. Đất nước đã 2 thập niên hàn gắn vết thương chiến tranh  mà sao vẫn còn nhiều khó khăn đến thế? Mà cũng phải vậy thôi!

Xứ dừa quê ông, một tỉnh nghèo khó nhất nhì Nam Bộ. Đồng ruộng chẳng bao nhiêu, chỉ thấy sông rạch đan dày... Nội việc khắc phục khó khăn về cái ăn, cái ở, tới việc đi lại... biến hàng ngàn cây cầu khỉ thành cầu bêtông đâu phải chuyện dễ dàng. Lại nữa, Bến Tre là khởi nguồn của phong trào “Đồng Khởi” nên bao nhiêu năm phải hứng chịu sự “trả đũa” khốc liệt của kẻ thù về cái gọi là “đè bẹp ý chí Đồng Khởi” biến xứ đảo dừa thành vùng máu và nước mắt, thành địa phương xếp hạng nhất, nhì cả nước về số lượng thương binh, liệt sĩ, gia đình cô đơn, quả phụ, gia đình chính sách... thì vấn đề khắc phục hậu quả của nó đâu phải chuyện một sớm một chiều...

Nỗi day dứt trong tôi dịu đi, khi ông Sáu từ ngoài vườn vội vã vô nhà, giọng oang oang:

“Ba Dương đó hả! Bao năm mới gặp. Để cậu Sáu rờ xem có thay đổi gì không nào, mà sao kỳ vậy, nhè đúng bữa cậu Sáu mặc áo rách để về thăm! Nói chơi vậy thôi chớ... áo rách nhưng lòng Sáu Lé đối với Đảng, với Bác Hồ không rách là được, phải vậy không?”.

Tôi ôm chầm lấy ông nghẹn ngào. Ôi!.. tấm lòng người dân An Phước mà đại diện là “ông già nghĩa trang” này, những người đã từng cưu mang, chăm sóc chúng tôi kể cả đối với người sống và những người đã anh dũng hy sinh trên quê hương An Phước anh hùng

Thiếu tướng Khổng Minh Dụ
.
.