Bà Lady Borton là nhà văn, nhà báo, nhà từ thiện người Mỹ, đã có nhiều lần đến với Việt Nam. Vừa qua, bà đã dịch một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng nước ngoài. Trong đó có tác phẩm "Vừa đi đường vừa kể chuyện”. Bà còn là tác giả của cuốn sách "Tiếp sau nỗi buồn" và cuốn "Cảm nhận kẻ thù". Bà đã cùng với nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc biên soạn một số đầu sách tham khảo bằng hai thứ tiếng và dịch cuốn "Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuốn "Tây Nguyên ngày ấy" ra tiếng Anh.
Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010), và sắp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, cộng tác viên Chuyên đề ANTG có cuộc trò chuyện với bà Lady Borton.
- Nhân dịp Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến với Thăng Long lần này bà có cảm nhận gì?
- Tôi cũng không nhớ rõ, lần này là lần thứ bao nhiêu tôi đến với Hà Nội và đến với Việt Nam. Chỉ biết rằng lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam đó là năm 1969. Sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất đất nước (1975), tôi cũng vinh dự được có mặt trong những ngày lịch sử ấy. Khi thì là thành viên đại diện cho một tổ chức Mỹ vì hòa bình, khi thì với tư cách là một thành viên trong phái đoàn giáo dục của Mỹ. Có lúc tôi lại đến Việt Nam với tư cách của một nhà văn, một nhà báo tự do, một nhà dịch thuật...
Như vậy, tôi đã biết Hà Nội từ khi đất nước Việt Nam đang có chiến tranh (ở miền Nam). Hồi đó, Hà Nội đã có hòa bình rồi, nhưng đường phố rất hiếm xe ôtô. Khi nào xuất hiện trên đường có chiếc xe ôtô thì đó là xe của một ông bộ trưởng nào đó hoặc xe của khách nước ngoài. Tôi còn nhớ như in, lúc đó mọi ngả đường của Hà Nội hoàn toàn chỉ có xe đạp và xe xích lô, thậm chí có cả xe bò, đường phố Hà Nội cũng rất ít đèn xanh đèn đỏ. Những người dân lúc đó cũng không ai có điện thoại, đời sống của họ còn rất nghèo. Trong con mắt của người nước ngoài, tôi thấy Hà Nội lúc đó còn quá thiếu thốn.
Bây giờ, đến Hà Nội, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng. Hà Nội rất hiện đại, nhất là hệ thống thông tin. Có thể nói, so với các nước đang phát triển, Hà Nội không thiếu một thứ gì. Hồi đó, giao lưu văn hóa với người nước ngoài cũng còn có những khoảng cách nhất định. Bây giờ, sự giao tiếp với người nước ngoài trở thành mối quan hệ rất thân thiện và hào hiệp. Người dân Hà Nội vừa giữ được truyền thống văn hóa lâu đời, vừa có cuộc sống phát triển phong phú và đa dạng.
Lần nào đến Việt Nam, tôi cũng đến Văn Miếu, đó là nơi lưu giữ chiếc nôi văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của Việt Nam rất lâu đời, độc đáo và đặc sắc. Những gương mặt của người Hà Nội hôm nay, mặc dù còn bị "hút" vào dòng chảy lo toan của đời thường nhưng đã toát lên vẻ tươi vui rạng rỡ. Tuy nhiên vì bận rộn, mọi người lao vào dòng chảy của đời sống công nghiệp, nhưng có lẽ cũng ít nhiều mất đi mối quan hệ láng giềng thân thiện giữa con người với con người.
- Vì sao bà không chọn các nước khác mà lại chọn Việt Nam làm điểm đến của mình?
- Có thể nói, lý do thứ nhất là thời chiến tranh, tôi cũng là một thành viên trong ban tổ chức phụ trách dự án "Vì hòa bình" ở Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai và một số trang bị y tế cho người dân. (Thông qua con đường ở Campuchia). Hồi đó chúng tôi cũng có một trung tâm đào tạo chỉnh hình ở Quảng Ngãi. Dự án đó đến nay vẫn còn. Nhưng trung tâm đó đã chuyển vào Quy Nhơn từ khá lâu rồi. Khi đó, với tư cách là một người quản lý, tôi thường xuyên tiếp xúc với người dân Việt Nam để hiểu được nỗi đau khổ của người dân trong chiến tranh. Tôi cũng thấu hiểu sự mất mát đau thương của cả người Mỹ khi họ tham gia cuộc chiến tranh này.
Hai là, có những cuộc tiếp xúc với người Việt, được người Việt mời, được tổ chức mời. Điều đó đã mở ra một cơ hội mới cho sự quan hệ. Được gặp nhiều bạn bè như nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà báo Hữu Ngọc (tôi gặp ông ấy từ năm 1975), nguyên là Giám đốc của Nhà xuất bản Thế giới. (Năm nay ông Hữu Ngọc đã 92 tuổi và vẫn thường xuyên cộng tác với tôi). Đặc biệt khi được gặp các bạn ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Việt Mỹ thuộc Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị ở Việt Nam, tôi thấy rất thân thiện và quý trọng họ.
Vì yêu quý Việt Nam, tôi đã tự học tiếng Việt từ năm 1969. Tiếng Việt vừa hay vừa phong phú và cũng rất khó nhưng để hiểu người Việt tôi đã nói, viết được tiếng Việt (cười). Cũng rất may do viết và nói được bằng tiếng Việt mà tôi đang giới thiệu với Nhà xuất bản Thế giới một nhân vật lịch sử của Việt Nam, đó là ông Nguyễn Hữu Thái. Ông Thái hiện nay là chuyên gia ở Đà Nẵng. Ngày 30/4/1975, ông đã có mặt tại Dinh Độc Lập.
- Ngoài cương vị là một nhà văn, nhà báo nữ, bà còn là một người mẹ. Khát vọng lớn nhất của phụ nữ là khát vọng về hạnh phúc và khát vọng về hòa bình. Song, thực chất đôi khi khát vọng đó lại mâu thuẫn với thực tế. Bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Có thể nói, tôi là một người phụ nữ Mỹ trung thực. Nỗi kinh hoàng nhất của tôi là sợ chiến tranh. Dù rằng ở bất kỳ gia đình nào, dân tộc nào, quốc gia nào thì chúng ta cũng đều rất căm ghét chiến tranh. Sự tàn phá của chiến tranh thật man rợ, khủng khiếp. Chiến tranh là: vợ mất chồng, mẹ mất con, người thân mất người thân... Đặc biệt sự tàn phá về chất độc da cam đối với hàng triệu con người thật là khủng khiếp. Vấn đề bom mìn còn sót lại trong lòng đất cũng còn gây biết bao nhiêu nguy hiểm đối với tính mạng của con người.
Bản thân tôi là một thành viên trong tổ chức phi chính phủ chống lại chiến tranh, dù rằng chiến tranh đó xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào. Vì một chiến tranh này sẽ sinh ra một chiến tranh khác. Chẳng hạn, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã kết thúc vào năm 1975, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh đó vẫn chưa kết thúc. Thực chất, nước Mỹ chúng tôi đã đi một con đường khác để ép Việt Nam, lý do cấm vận, việc Mỹ ủng hộ Khơme Đỏ để xâm lược vào miền Nam Việt Nam. Vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, theo tôi Chính phủ Mỹ nên thừa nhận lỗi lầm này...
Đất nước Mỹ chúng tôi cũng có rất nhiều những thanh niên bị Mỹ ép, bắt đi lính hoặc có một số ít họ đi lính tự nguyện. Nhưng nhiều người trong số đó họ đã không trở về, hoặc họ bị thương, bị tàn tật hoặc họ bị mất tích... Là một người phụ nữ Mỹ trung thực, tôi cũng rất đau xót. Chiến tranh đã kết thúc ở Việt Nam 35 năm nay nhưng nỗi đau của người Mỹ vẫn chưa nguôi.
|
Bà Lady Borton (bên phải) và tác giả. |
- Vậy đến với Việt Nam lần này, thông điệp lớn nhất của bà là gì?
- Một là: tôi rất buồn vì vấn đề tham nhũng hiện nay dù nó diễn ra ở bất kỳ quốc gia nào. Tôi cho là những người dân lương thiện thì họ rất tốt còn vấn đề tham nhũng lại rơi vào những người có chức, có quyền. Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề này thì mất nước vẫn là một nguy cơ không nhỏ... Hai là, tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em cũng còn là một vấn đề nhức nhối. Vấn đề đi lao động nước ngoài cũng cần phải nghiên cứu cẩn thận. Trong việc cải cách hệ thống giáo dục cũng còn nhiều bức xúc như vấn đề dạy thêm, học thêm. Vấn đề thu tiền của học sinh chưa hẳn đã hợp lệ...
- Là một nhà báo nhưng còn là một dịch giả, điều gì đã thôi thúc bà dịch một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng nước ngoài?
- Qua nhiều lần được đến Việt Nam tôi đã có dịp đọc 12 cuốn sách giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi thấy Hồ Chí Minh vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà thơ. Ở nước Mỹ, chính phủ chúng tôi thời chiến tranh cũng đã đào tạo và giáo dục người Mỹ ghét những người đi theo Cộng sản. Nhưng khi tôi có mặt ở Việt Nam (năm 1969, khi Hồ Chí Minh mất). Tôi rất lấy làm lạ khi Hồ Chí Minh mất thì kể cả những người đi theo chế độ cũ họ cũng khóc, họ cũng rất buồn... Tại sao như thế? Đó là điều tôi rất ngạc nhiên. Ở Việt Nam, vẫn còn những người có thời kỳ họ đã làm việc cùng thời với Hồ Chí Minh, họ kể chuyện về Hồ Chí Minh. Tôi vỡ lẽ ra Hồ Chí Minh là người cha, người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới...
Không có một quốc gia nào trên trái đất này, Chủ tịch nước lại được gọi bằng tiếng thân mật "Bác". Nếu Việt Nam không có Hồ Chí Minh thì cách mạng rất khó thành công. Tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh là "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công"; "Không có gì quý hơn độc lập tự do!". Suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh vì độc lập tự do của một đất nước là hoàn toàn đúng. Việt Nam là một nước thuộc địa đầu tiên ở Đông Nam Á đứng lên giành quyền độc lập dân tộc, điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Và ảnh hưởng của Hồ Chí Minh như vậy thì lãnh đạo của các nước Mỹ, Pháp, Anh... Hà Lan (nước mẹ đẻ của Indonesia) học cũng rất nể trọng.
Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều tác phẩm có tính tư tưởng sâu sắc mà tôi muốn giới thiệu để thế giới hiểu về Hồ Chí Minh và hiểu về dân tộc Việt Nam. Đó là một số tác phẩm: "Nhật ký trong tù"; "Bản án chế độ thực dân Pháp"; "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"; "Thư gửi cho đồng bào trong việc hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc"; "Thư chào mừng năm mới gửi nhân dân Mỹ" (1966); "Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"...
Lúc nào, ở đâu, bao giờ Hồ Chí Minh cũng đặt tình hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân các nước lên trên hết, Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân Việt Nam sẽ trường kỳ kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Xin cảm ơn bà Lady Borton đã có cuộc trò chuyện thân mật này