Lại chiêu trò đòi hoãn, đình chỉ thi hành Luật An ninh mạng

Thứ Hai, 21/01/2019, 14:27
Luật An ninh mạng đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Tuy nhiên, trong khi cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện các dự thảo văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo hiệu lực pháp luật thì các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động vẫn tiếp tục tung ra các luận điệu, chiêu trò cũ, đòi hoãn, sửa, thậm chí kêu gọi tẩy chay thi hành luật.

Những luận điểm vô căn cứ

Trước thời điểm Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành (1-1-2019) ít ngày, tổ chức Human Rights Watch (HRW) kêu gọi Việt Nam “hoãn và sửa” Luật An ninh mạng. HRW lý lẽ rằng, Việt Nam cần phải hoãn áp dụng Luật An ninh mạng và sửa đổi bởi luật này được thi hành, bất cứ ai sử dụng Internet tại Việt Nam đều không “an toàn”, ai cũng bị “kiểm soát gắt gao”. Họ cho rằng, nếu áp dụng các biện pháp kiểm soát, xử lý mà “không có lệnh của tòa án” là vi hiến.

Hùa theo HRW, tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cũng ra thông báo lên tiếng “yêu cầu Việt Nam đình chỉ thi hành Luật An ninh mạng”. Được dịp, các trang mạng như RFA, VOA... đưa nhiều ý kiến, bài viết nói rằng “nhiều người có ảnh hưởng kêu gọi thách thức Luật An ninh mạng” song những cái tên mà họ gọi “người có ảnh hưởng” dưới danh nghĩa luật sư, trí thức, nhà “dân chủ” là đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước, nhân dân Việt Nam.

Thực ra, các tổ chức như HRW, Ân xá quốc tế, các cá nhân đội mũ “dân chủ, nhân quyền” đã ra rả lên tiếng chỉ trích, phản ứng Luật An ninh mạng ngay từ khi dự án này còn soạn thảo, lấy ý kiến, đến khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua. Nay, khi luật có hiệu lực thi hành, thấy việc kêu gọi hay “yêu cầu” không có hiệu quả, họ lại tiếp tục điệp khúc nhai lại luận điệu cũ, đưa ra lời lẽ có tính hù dọa. Số này còn cổ súy, kêu gọi các nghị sĩ Mỹ cùng “chung tay” hòng gây áp lực lên Quốc hội Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam trước thông tin 17 nghị sĩ Mỹ kêu gọi các giám đốc điều hành của Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, việc thông qua Luật An ninh mạng là nhằm tạo dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, bảo đảm an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội.

“Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân nhưng cũng kiên quyết đấu tranh với việc lợi dụng các quyền đó để có các hành vi vi phạm pháp luật”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Pháp luật về đảm bảo an ninh mạng đang được Việt Nam tập trung hoàn thiện.

Nhận diện sự thực những “lời kêu gọi”

Cái cách mà HRW vẫn giở điệp khúc lâu nay, đó là biến có thành không, không thành có, sử dụng chiêu trò giả dối để vu cáo. Giống như Freedom House, năm nào HRW cũng lặp lại luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, tự do báo chí, internet. Những nhân vật mà HRW đưa ra để viện dẫn cho cái gọi là “đàn áp nhân quyền” cũng lặp lại ở danh sách mà Freedom House sử dụng nếu như số “nhà dân chủ, nhân quyền” đó hoạt động chống phá bằng kênh truyền bá trên internet.

Cổ súy, đồng hành cùng Freedom House, HRW, có không ít trang mạng, tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và những tổ chức báo chí như Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa), tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières-RSF)... Trong phúc trình, báo cáo thường niên, các tổ chức này đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do báo chí, internet, trấn áp báo chí, trấn áp các bloggers rồi cố tình xếp Việt Nam nằm trong danh sách nhóm nước có thứ hạng cực thấp về tự do báo chí, ngôn luận, internet... HRW, Freedom House trích dẫn những trường hợp bị phạt tù, xử lý hình sự khi lợi dụng mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội. 

Cũng với chiêu bài cũ, họ viện dẫn các đối tượng bị cơ quan bảo vệ pháp luật bắt, xét xử về hành vi lợi dụng internet để tuyên truyền, chống phá thành cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân mạng”... Chẳng hạn, vừa qua Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm xét xử vụ án tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam đối với 3 bị cáo: Vũ Quang Thuận (sinh năm 1966, trú tại thôn Thượng Phúc, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Nguyễn Văn Điển (sinh năm 1983, trú tại tổ 16A, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) và Trần Hoàng Phúc (sinh năm 1994, trú tại 154/45 Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).

Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng tình quan điểm của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến đầu tháng 3/2017, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đã có hành vi làm, đăng tải 17 video, clip lên mạng xã hội, mạng Internet và tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân. 3 đối tượng này đã phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của Nhà nước trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; bôi xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Hay việc Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử Lê Đình Lượng về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Theo cáo trạng, Lê Đình Lượng đã lập tài khoản trên Facebook nhằm “câu like”, phản hồi, chia sẻ với các tài khoản Facebook khác với nội dung xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người vào tổ chức Việt Tân nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Lê Đình Lượng đã đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền, cổ súy cho tổ chức khủng bố Việt Tân; xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam...

Các đối tượng phạm tội quy định trong Bộ luật Hình sự, thế nhưng, các đối tượng lại tung hô đây là những “nhà dân chủ”, “nhà cải cách”, vu cáo tòa xét xử các bị cáo là vi phạm quyền công dân, quyền tự do dân chủ, internet...

Đặc điểm chung của các vụ án chống chế độ xã hội, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian gần đây là: Về nội dung, tội phạm chủ yếu là xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bôi đen Đảng Cộng sản Việt Nam, xúc phạm các lãnh tụ của giai cấp công nhân (Mác, Ăngghen, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh); lợi dụng những vấn đề phức tạp về xã hội, tình trạng môi trường ô nhiễm...; về đường lối đối ngoại “đa dạng hóa”, “đa phương hóa” của Đảng và Nhà nước ta để vu cáo Việt Nam đi theo quốc gia này, ngả theo quốc gia khác, phản bội lợi ích của dân tộc... Cá biệt, có nhóm đối tượng hoạt động vũ trang, sử dụng bom, mìn nhằm gây mất an ninh quốc gia, tiến đến lật đổ chế độ xã hội... 

2 tháng trước khi luật có hiệu lực thi hành, số chống đối “nhắm” vào các bản dự thảo nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng. Việc đăng tải toàn văn bản dự thảo Nghị định và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được lấy ý kiến công khai, rộng rãi trong toàn dân với thời hạn 2 tháng. Việc soạn thảo, ban hành dự thảo Nghị định hướng dẫn và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng được thực hiện theo đúng quy định, trình tự trên, công khai lấy ý kiến góp ý xây dựng của các tầng lớp nhân dân, hoàn toàn không có việc “úp mở” như các thông tin bịa đặt.

Đối với các dự thảo này, trước khi đăng tải công khai để lấy ý kiến nhân dân thì cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ, khoa học. Đến nay, sau 2 tháng đăng tải lấy ý kiến, Bộ Công an đang tổng hợp, rà soát kỹ lưỡng để hoàn chỉnh dự thảo, trình Chính phủ.

Thực tế thời gian qua cho thấy, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước liên tục xuyên tạc nội dung Luật An ninh mạng, kích động một bộ phận quần chúng nhân dân gây rối trật tự. Ngoài viện cớ như đã nêu trên, số đối tượng này tập trung cổ súy dư luận trên không gian mạng vào việc liệu các doanh nghiệp nước ngoài có lưu trữ dữ liệu và thực hiện yêu cầu xóa thông tin chống nhà nước; so sánh chính sách quản lý không gian mạng của Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và cho rằng, Luật An ninh mạng đã “bóp nghẹt” quyền tự do dân chủ, quyền tự do trên không gian mạng của nhân dân.

Một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước dựa vào bản dự thảo nghị định không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng đã liên tục viết bài xuyên tạc nội dung dự thảo, cho rằng Bộ Công an có nguy cơ lạm quyền khi trở thành “một bộ máy siêu quyền lực trên không gian mạng”, có khả năng can thiệp vào đời sống riêng tư của công dân, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó trong kinh doanh tại Việt Nam. Thậm chí, để tỏ ra “khách quan, khoa học”, các tổ chức chống đối này còn mời một số người là kỹ sư công nghệ ở nước ngoài viết bài, tỏ thái độ không đồng ý với nội dung dự thảo, chỉ trích, phê phán Chính phủ.

An ninh mạng là vấn đề toàn cầu, không phải sản phẩm riêng của quốc gia nào.

Hoàn thiện văn bản để thực thi luật

Cần lưu ý rằng, việc đóng góp ý kiến dựa vào bản dự thảo chính thống đã công bố và đóng góp với tinh thần xây dựng, vì an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vì trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Luật đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, việc bây giờ là hoàn thiện các văn bản, quyết định, nghị định hướng dẫn để đảm bảo luật thực thi chứ không phải là lúc bàn chuyện nên hay không nên ban hành luật. Không có căn cứ nào để xem xét chứ chưa nói đáp ứng những đòi hỏi vô căn cứ như thế xung quanh Luật An ninh mạng.

Hiện nay, dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích thu lợi nhuận mà Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật. Để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật An ninh mạng đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Đây là quy định xuất phát từ yêu cầu khách quan chứ không phải “để làm khó, cản trở doanh nghiệp” như luận điệu những đối tượng chống phá.

Đối với mạng Facebook, theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), qua rà soát, phát hiện Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế với Việt Nam. Thực thi Luật An ninh mạng, Facebook cần phải tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu, quy định đặt ra. Nếu không có những động thái tích cực, các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế - kỹ thuật cần thiết nhằm đảo bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.

Ths. Nguyễn Thị Thành
.
.